Duy Xuyên (Quảng Nam): Lãng phí công trình tiền tỉ

10/02/2018 09:22

(TN&MT) - Vừa qua, Báo Tài nguyên & Môi trường liên tục có nhận được phản ánh của một số bà con thuộc 2 xã Duy Vinh, Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam phản ánh về việc 40 ao đầm nuôi tôm do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư, xây dựng xong bỏ hoang hơn 1 năm nay khiến tiền tỉ bị lãng phí, tiềm ẩn nguy ô nhiễm môi trường.

 Công trình 8,5 tỉ đồng bị bỏ hoang và lãng phí

Có mặt tại xã khu vực giáp ranh giữa xã Duy Vinh và xã Duy Phước vào những ngày đầu năm 2018, phóng viên Báo TNMT đã chứng kiến hàng chục ha ao đầm nuôi tôm tại đây đang bị bỏ hoang dù đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Dưới các ao đầm, cây mai dương mọc phủ kín, các bờ bao đắp quanh đã xuống trầm trọng, nhất là khu vực tiếp giáp với bờ sông.
 

Cây mai dương và rác rưởi phủ kín ao nuôi tôm
Cây mai dương và rác rưởi phủ kín ao nuôi tôm


Đang nhặt nhạnh các cây mai dương đã khô mục về làm củi đun, bà Đỗ Thị Thường, một người dân tại đội 8 xã Duy Vinh vừa lắc đầu nói: “Làm xong mấy năm nay rồi, giờ vứt đó cho cây mai dương mọc chứ chả làm chi hết. Trước khu vực này là bãi bồi, người dân trồng tre, chuối, trồng lác để làm chiếu, thả trâu nuôi bò cũng cũng cải thiện được gia đình. Mấy năm trước, các ông cán bộ vào vận động người dân chặt cây cối đi để làm ao nuôi tôm. Giờ xong rồi lại bỏ hoang mấy năm nay khiến cây mai dương phủ khắp trên bờ, kín cả đáy ao. Mùa mưa nước ngập, lá cây mai dương bị rữa ra tanh nồng, nước rút cây phát triển lại, hạt phát tán, tràn cả vào vườn nhà người dân”.
 

Bà Đỗ Thị Thường cho rằng công trình bổ hoang gây lãng phí
Bà Đỗ Thị Thường cho rằng công trình bổ hoang gây lãng phí


Anh Hồng, một người dân khác trong đội cho biết: Nghe nói dự án này đầu tư nhiều tỉ lắm nhưng giờ vẫn chưa nuôi thả gì hết. Khoảng 1 tháng nay, UBND xã Duy Vinh có thuê tôi với 4 người khác đi đào các gốc cây mai dương, được 250 nghìn đồng/người/ ngày. Làm cả tháng rồi rồi nhưng chỉ được phần nhỏ thôi, cây mai dương nhiều quá mà.

Anh Nguyễn Trung, một người dân đang định đầu tư vào khu vực này nói khá gay gắt: các ông làm dự án định cho thuê 10 nghìn đồng/m2 ao nuôi. Tuy nhiên người dân chúng tôi mới lần đầu tiếp cận kiểu nuôi này nên chưa biết thành, bại ra sao. Chúng tôi đã đề nghị họ hỗ trợ giá thuê trong mấy năm đầu, sau khi làm ăn có hiệu quả sẽ nâng giá lên nhưng họ không chịu.
 

Đường giao thông nội bộ và bờ kè của công trình bị cuống cấp
Đường giao thông nội bộ và bờ kè của công trình bị cuống cấp


Qua các tài liệu mà phóng viên Báo TNMT có được: Theo thiết kế quy hoạch được phê duyệt, khu nuôi tôm nước lợ tập trung tại bãi Hà Đước- đội 8, thuộc 2 xã Duy Vinh và Duy Phước được UBND huyện Duy Xuyên giao cho phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện làm đại diện chủ đầu tư; có tổng diện tích trên 15,2ha; trong đó hơn 6,4ha nằm trên địa bàn xã Duy Phước, 8,8ha nằm trên địa bàn xã Duy Vinh ; có tổng cộng 40 ao bao gồm 34 ao nuôi, 4 ao lắng và 2 ao thải với tổng vốn đầu tư khoảng 8,5 tỉ đồng.
 

Anh Hồng có thêm “nghề” đào gốc cây mai dương
Anh Hồng có thêm “nghề” đào gốc cây mai dương


Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay đã khoảng 1 năm, do bị người dân “chê” giá thuê quá cao, dự án trên vẫn bị bỏ không, khiến hạ tầng bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều đoạn đê bao bờ, đường giao thông quanh dự án đã bị sụt lún. Cây mai dương và nhiều loại cỏ dại khác mọc lên kín các ao nuôi, các loại túi bóng, chai nhựa vỏ, xốp... treo trên các cành cây, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trong khi một số hạng mục đầu tư như: cây xanh chưa có, hệ thống điện chưa hoàn chỉnh khiến cảnh quan trông rất nhếch nhác, môi trường bị ô nhiễm, còn người dân thì bức xúc.

Điều chỉnh giá để tránh lãng phí

Trao đổi với phóng viên Báo TNMT, ông Nguyễn Bốn, Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: Do muốn hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số hộ dân, doanh nghiệp tại địa phương làm ăn, phát triển kinh tế- xã hội, không muốn xã hội hóa ngoài địa phương nên huyện đã đầu tư vùng nuôi tôm tập trung tại khu vực 2 xã Duy Vinh và Duy Phước.
 

Bản đồ quy hoạch dự án 8,5 tỉ
Bản đồ quy hoạch dự án 8,5 tỉ


Với quy hoạch và muốn phát triển theo kiểu nuôi tôm công nghiệp nên huyện đầu khá lớn và bài bản với tổng chi phí khoảng 8,5 tỉ đồng. Ban đầu UBND huyện tính toán với chi phí lớn như vậy, mức cho thuê lại sẽ là 10 nghìn đồng/m2 ao nuôi, trong khoảng 10 năm sẽ đủ vốn. Tuy nhiên, một phần do tập quán canh tác chưa quen với sản xuất kiểu công nghiệp, một phần cho rằng, với giá 10 nghìn đồng/m2 ao nuôi/năm là quá lớn nên người dân không mặn mà, vì vậy dự án đã bỏ hoang từ năm ngoái đến nay.

Trước sức ép từ thu hồi vốn, một phần muốn hỗ trợ bà con sản xuất, những ngày đầu tháng 2/2018, UBND huyện đã họp với một số phòng ban chức năng, tư vấn thiết kế và UBND 2 xã có dự án để họp bàn tháo gỡ. Tại cuộc họp, UBND huyện đã thống nhất giảm giá thuê từ 10 nghìn đồng/m2 ao nuôi xuống còn 6,5 nghìn đồng/m2 ao nuôi. Trong thời gian tới, bên tư vấn thiết kế và UBND các xã có dự án có trách nhiệm họp dân để giải thích cho người dân hiểu và tham gia vào dự án, tránh bỏ không gây lãng phí.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy Xuyên (Quảng Nam): Lãng phí công trình tiền tỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO