Duy Xuyên - Quảng Nam: Ai bao che cho bãi tập kết cát của Cty Phạm Thăng Long

10/05/2017 00:00

(TN&MT) - Vừa qua, Báo Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) có nhận được đơn thư của bà con nhân dân xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam phản ánh về việc bãi tập kết cát của Công ty TNHH MTV vận chuyển và khai thác khoáng sản Phạm Thăng Long (Công ty Phạm Thăng Long) không có giấy phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động với tần suất lớn khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, tai nạn giao thông luôn rình rập người đi đường.

Các xe tải cỡ lớn, chở có ngọn từ bãi tập kết cát sỏi trái phép Phạm Thăng Long
Các xe tải cỡ lớn, chở có ngọn từ bãi tập kết cát sỏi trái phép Phạm Thăng Long

Nhiều người dân bức xúc

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Trần Duy An, một người dân xã Duy Hòa bức xúc: Công ty Phạm Thăng Long tiền thân là một đơn vị chuyên tổ chức vận chuyển người bằng đò qua bến đò Giao Thủy. Mấy năm gần đây, công ty có mở thêm mỏ khai thác và bãi tập kết cát khiến lưu lượng giao thông tăng đột biến với nhiều trăm lượt ô tô tải cỡ lớn, chở cát đầy có ngọn ra vào vận chuyển cát, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguy cơ về mất trật tự ATGT luôn rình rập, nhất là quanh khu vực đó có nhiều trường học với hàng nghìn em học sinh thường xuyên qua lại.

Bà Thủy, một người dân sống gần đó cho biết: trước tình hình hoạt động bất chấp nguy cơ về môi trường, tính mạng người dân, cuối năm 2006, bà con nhân dân 2 thôn Gia Hòa và Phú Lạc đã đồng loạt ký đơn khiếu nại gửi đến các cấp. Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Duy Xuyên đã có công văn số 27/UBND-TNMT ngày 16/1/2017 khẳng định Công ty Phạm Thăng Long khai thác đúng vị trí và yêu cầu “Công an huyện Duy Xuyên kiểm tra, chỉ đạo công an xã Duy Hòa theo dõi, giám sát những cá nhân có hành vi gây cản trở trái pháp luật với hoạt động của công ty, kiên quyết đấu tranh với các đối tượng kích động, không để tạo ra điểm nóng về trật tự an toàn xã hôi trên địa bàn”. “Vì quá ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ATGT nên người dân 2 thôn cực chẳng đã mới phải khiếu kiện, giờ huyện lại yêu cầu công an cấm chúng tôi bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, như thế chúng tôi biết kêu vào đâu, rất mong Báo TN&MT lên tiếng để bảo vệ cho chúng tôi”- bà Thủy cầu cứu.

Xe tưới nước tự chế không biển số tham gia giao thông
Xe tưới nước tự chế không biển số tham gia giao thông

Không chỉ vậy, bà con có con đường để đi ra cánh đồng canh tác cũng bị chính quyền địa phương ưu ái cho Công ty Phạm Thăng Long thuê lại khiến công ty ngang nhiên thiết lập barie ngăn cản các phương tiện đi lại với lý do “sợ khai thác trộm cát của công ty”, trong khi diện tích canh tác của người dân rộng hàng trăm ha, công ty chỉ có hơn 3ha diện tích mỏ. Ông Nguyễn Khánh Hưng, một người dân địa phương vừa nói vừa thở dài.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân: bãi tập kết cát của Công ty Phạm Thăng Long là đất nông nghiệp nên chưa được cấp phép, nhưng vẫn hoạt động trong thời gian dài mà “không hề hấn” gì. Công ty cũng có một xe phun nước tự chế, không có biển số, không đăng kiểm hàng ngày vẫn ngang nhiên chạy ra đường ở trung tâm xã khiến người dân bất an. “Vì là xe phun nước tự chế nên không đảm bảo về mặt môi trường, xe lại không có biển số, đăng ký, đăng kiểm đầy đủ nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đề nghị chính quyền các cấp kiểm tra chặt chẽ vấn đề này”- ông Nguyễn Khánh Hưng đề nghị.

Barie lập trái phép của Công ty Phạm Thăng Long
Barie lập trái phép của Công ty Phạm Thăng Long

Bãi tập kết cát sỏi trái phép

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Phạm Thăng Long- Giám đốc Công ty Thăng Long thừa nhận công ty chỉ giấy phép hoạt động mỏ, còn đối với bãi tập kết cát, ông Long cho biết: “ đây là đất nông nghiệp của gia đình và anh em trong gia đình, rộng khoảng 5 sào (2.500m2) nên công ty thành lập bãi tập kết”. Khi được phóng viên cho biết, đất nông nghiệp không được tập kết kinh doanh cát mà phải chuyển đổi mục đích sử dụng, ông Long lớn tiếng tuyên bố: “Đây là đất của nhà, gia đình muốn làm gì thì làm” và lớn tiếng thách thức: đố ai có thể làm bãi tập kết này ngừng hoạt động; sau đó ông quay sang nói với một người phụ nữ “gọi cho chú Sáu đi con”???.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cho biết: Trước khi cầu Giao Thủy hoàn thành (thông xe tháng 3/2017), Công ty Phạm Thăng Long là đơn vị vận chuyển người người qua bến đò Giao Thủy. Để thuận lợi cho hoạt động của công ty, ngày 29/10/2012, Chủ tịch UBND xã Duy Hòa lúc bấy giờ là ông Ngô Bá Lợi đã ký hợp đồng cho thuê 100m2 đất để công ty làm đường đi. Tuy nhiên, việc cho thuê này là chưa đúng luật nên sau khi nhận được phản ánh của phóng viên báo TN&MT, UBND xã sẽ ngay lập tức thu hồi lại hợp đồng trên. Còn đối với việc thành lập barie không hợp lý, UBND xã sẽ xem xét tháo dỡ trong thời gian gần.

Xe chở cát của Công ty Phạm Thăng Long không che bạt, gây ô nhiễm trầm trọng
Xe chở cát của Công ty Phạm Thăng Long không che bạt, gây ô nhiễm trầm trọng

Cũng trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Hùng cũng thừa nhận: có biết việc bến tập kết kinh doanh trái phép của Công ty Phạm Thăng Long. Tuy vậy, việc cấp phép hoạt động cũng như đình chỉ các hoạt động khai thác, kinh doanh cát khi chưa đủ điều kiện lại không nằm trong thẩm quyền xử lý của xã. “Nếu cấp trên làm cương quyết, đình chỉ hoạt động các bến bãi chưa đủ điều kiện thì chính quyền xã sẽ cương quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm trong khả năng của mình”- ông Hùng khẳng định.

Có hay không việc bảo kê?

Tại thông báo số 127/TB-UBND ngày 11/4/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam đã nêu rõ ý kiến của đồng chí Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành ở địa phương, tổ chức kiểm tra tất cả các bến, bãi tập kết, mua bán cát sỏi trên địa bàn, kết hợp với kiểm tra hoạt động các mỏ khoáng sản trên địa bàn; đình chỉ ngay các bến, bãi tập kết, mua bán cát sỏi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật”.

Xe từ mỏ về bãi tập kết trái phép không che bạt, làm hư hỏng đường sá
Xe từ mỏ về bãi tập kết trái phép không che bạt, làm hư hỏng đường sá

Như vậy, đã tròn 1 tháng trôi qua từ khi có thông báo của UBND tỉnh Quảng Nam, đã có nhiều đoàn liên ngành thực hiện thanh kiểm tra các bến, bãi tập kết, mua bán cát sỏi trái phép, nhưng bến tập kết cát sỏi trái phép của Công ty Phạm Thăng Long vẫn tồn tại và hoạt động ngày một mạnh hơn. “Liệu có hay không việc bảo kê cho bãi tập kết cát sỏi trái phép?”, đây chính là câu hỏi mà dư luận đặt ra cho UBND huyện Duy Xuyên trong thời gian qua.

Bài & ảnh:Đức Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy Xuyên - Quảng Nam: Ai bao che cho bãi tập kết cát của Cty Phạm Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO