Đường tiền tỷ mới làm, mới nâng cấp đã hư hỏng nặng do thiên tai? ​​​​​​​

11/10/2018 10:30

(TN&MT) - Ba tuyến đường ở Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) chỉ dài khoảng 3 cây số song lại được đầu tư và nâng cấp...

 

(TN&MT) - Ba tuyến đường ở Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) chỉ dài khoảng 3 cây số song lại được đầu tư và nâng cấp với tổng số vốn lên đến gần 30 tỷ đồng, nghĩa là khoảng 10 tỷ đồng/km. Song dù chưa sử dụng được bao lâu và cũng rất ít phương tiện qua lại nhưng đã bị hư hỏng...
 

Ảnh các con đường hỏng nát như bánh tráng bể (1)



Đường tiền tỷ mới làm, mới nâng cấp đã hư hỏng nặng?
 

Nhiều hộ dân sinh sống, kinh doanh tại khu kinh tế mới Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) phản ánh, hàng trăm mét đường D7, D8 vào khu dân cư I-1 khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y dù chưa được đưa vào sử dụng đã bị sạt lở, sụt lún, không chỉ gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước mà còn khiến dân cư vô cùng bất an.
 

Mục tận sở thị thấy rằng phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, con đường dù vẫn còn mới nguyên nhựa đường nhưng nhiều chỗ đã bị đứt gãy, sụt lún thành từng mảng lớn. "Dù con đường chưa hề có phương tiện giao thông qua lại nhưng đã bị hư hỏng khiến chúng tôi đặt nghi vấn về chất lượng... liệu có việc rút ruột công trình ở đây chăng", một người dân hồ nghi đặt câu hỏi.
 

Ảnh các con đường hỏng nát như bánh tráng bể (4)

 

Theo điều tra của chúng tôi, công trình đường vào khu dân cư Khu I-1 (đoạn nối từ đường D1 đến D2) có chiều dài 252,82m, nền đường rộng 7,5m, tổng vốn đầu tư là hơn 3,4 tỷ đồng; nhà thầu khảo sát, thiết kế là Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum, nhà thầu giám sát thi công là Công ty CP TVXD Bắc Hải Vân, đơn vị thi công là Liên danh Công ty TNHH MTV Lộc Quý và Công ty TNHH MTV Nguyên Bình; hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 26/9/2014, nghĩa là mới sử dụng được 4 năm. Đường này bị hư hỏng từ đoạn Km0+096 đến Km0+207 với chiều dài 101m. Hiện trạng là mái ta luy âm nền đường sụt trượt, sạt lở lớn đến hết bề rộng nền đường kéo theo toàn bộ mặt đường bê tông xi măng, vỉa hè và hệ thống thoát nước lún xuống hư hỏng và đổ sập xuống bãi đậu xe GT5; kích thước khối sụt trượt sâu khoảng 12m, dài 100m, rộng 15m, khối lượng đất sạt lở khoảng 18.000m3; diện tích mặt đường hư hỏng khoảng 350m2; vỉa hè hư hỏng 400m2; hệ thống thoát nước, bó vỉa lề đường hư hỏng khoảng 100md.
 

Ảnh các con đường hỏng nát như bánh tráng bể (9)

 

Công trình đường D7 có chiều dài 1.088,62 m, nền đường rộng 15,5 m, tổng vốn thực hiện là 5,772 tỷ đồng; nhà thầu khảo sát, thiết kế là Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum, nhà thầu giám sát thi công là Xí nghiệp TVTK xây dựng Hoàng Dương, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Đức Minh; hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2006. Sau đó, đường D7 và đường D9 cùng được nâng cấp mặt đường bê-tông xi măng với tổng kinh phí 12,141 tỷ đồng; nhà thầu thiết kế là Công ty TNHH Thắng Lợi, đơn vị giám sát là Công ty CP tư vấn Xây dựng Bắc Hải Vân, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng-Thương mại Trường Sơn; hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2015, nghĩa là mới 3 năm. Vị trí sạt lở nằm ở bên trái tuyến đoạn từ Km0+326 đến Km0+373 với chiều dài 47m. Hiện trạng hư hỏng là sạt lở nền đường và mái taluy âm gia cố bê tông xi măng dài 47m, rộng 3m, sâu 10m, khối lượng sạt lở khoảng 1.400m3; vỉa hè hư hỏng dài 40m, rộng 4m, diện tích khoảng 160m2.
 

Ảnh các con đường hỏng nát như bánh tráng bể (11)

 

Công trình đường D8 có chiều dài 1.743,94 m, nền đường rộng 10 m, tổng vốn thực hiện là 6,148 tỷ đồng; nhà thầu khảo sát, thiết kế là Công ty tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum, nhà thầu giám sát thi công là Công ty tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Đức Thành và Công ty Nam Hải; hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2006. Sau đó, đường D8 được nâng cấp làm mặt đường bê-tông xi măng với tổng vốn là 7,7 tỷ đồng; nhà thầu thiết kế và giám sát là Công ty TNHH tư vấn đầu tư và xây dựng Thọ Lộc; đơn vị thi công là Công ty TNHH Nhật Á Châu; hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2017, kết thúc thời gian bảo hành công trình vào ngày 17-4-2018, nghĩa là chưa được 1,5 năm. Đường này bị sạt lở tại đoạn Km1+ 659,2 và mái taluy âm gia cố bê tông xi măng dài 30m, rộng 8m, sâu 5m, khối lượng sạt lở khoảng 1.200m3; diện tích mặt đường bê tông xi măng hư hỏng khoảng 100m2; toàn bộ hệ thống cửa phai chắn nước hồ Âu Cơ tại vị trí cống hộp 3 cửa 360x360 cm bị hư hỏng hoàn toàn.
 

Ảnh các con đường hỏng nát như bánh tráng bể (10)

 

Về việc này, các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum sau khi đi kiểm tra đã kết luận rằng, nguyên nhân các công trình trên hư hỏng là do thiên tai. Theo đó, sau khi phát hiện các tuyến đường giao thông vào khu dân cư Khu I-1 (đoạn nối từ đường D1 đến D2), đường D7 và đường D8 Khu I bị hư hỏng, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các cơ quan chức năng đi kiểm tra và đã kết luận rằng nguyên nhân các con đường trên hư hỏng là do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 3 và số 4 năm 2018.
 

Ảnh các con đường hỏng nát như bánh tráng bể (5)

 

Tiền trảm hậu tấu?
 

Vào ngày 1-10-2018, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có công văn số 219/BC-BQLKKT gửi đến UBND tỉnh Kon Tum báo cáo về các tuyến đường hư hỏng mà các cơ quan báo chí nêu.
 

Ngay sau đó, ngày 3-10-2018, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 2769/UBND-NNNT chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo cụ thể tình hình thiệt hại thực tế và nhu cầu kinh phí thực hiện theo chế độ quy định hiện hành. Trong đó lưu ý, lập chi tiết nội dung bị thiệt hại, số lượng, định mức hỗ trợ, kinh phí thực hiện, nguồn kinh phí đã cân đối, bố trí thực hiện...; chủ động sử dụng từ nguồn vốn dự phòng của ngân sách cấp mình để khắc phục sửa chữa theo đúng quy trình quy định. Trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương đề nghị các huyện, thành phố báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum để tổng hợp theo quy định. Trong đó, báo cáo cụ thể nhu cầu kinh phí khắc phục cấp bách, nêu rõ từng hạng mục cần hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ khắc phục theo thứ tự ưu tiên như dân sinh, sản xuất, công trình cơ sở hạ tầng... trước ngày 15-10-2018. UBND tỉnh Kon Tum còn giao cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hướng dẫn các đơn vị thực hiện, theo dõi, tổng hợp, đồng thời chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, theo khả năng ngân sách địa phương và đúng quy định hiện hành.
 

Ảnh biên bản kết luận đường hư là do thiên tai (1)

 

Báo cáo số 219 cho rằng sự việc các con đường trên hư hỏng là do thiên tai mà không nhắc đến các công tác khảo sát thiết kế, khảo sát đầu tư xây dựng và việc thi công... khiến dư luận không khỏi hoài nghi. Bởi, rõ ràng là các tuyến đường trên đã hư hỏng từ lâu, Ban này đã nắm rõ, biết rõ song phải đợi đến khi báo chí vào cuộc "rầm rộ" thì mới làm báo cáo cho UBND tỉnh Kon Tum.
 

Minh chứng là, vào ngày 16-8-2018, Ban này đã đến hiện trường và xác định được khối lượng các con đường hư hỏng. Sau đó, vào ngày 20-8-2018, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có tờ trình số 43/TTr-BQLKKT gửi UBND tỉnh Kon Tum xin chủ trương khắc phục 3 tuyến đường trên với kinh phí khái toán là khoảng 5 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn được lấy từ ngân sách nhà nước và quỹ phòng chống thiên tai. Cũng trong tờ trình này, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y cũng xin thêm 15 tỷ đồng vốn ngân sách để khắc phục các hồ chứa nước Lạc Long Quân và Âu Cơ.
 

Qua những gì đã nêu thì thấy dường như chưa có sự kiểm chứng việc Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, các đơn vị khảo sát, thiết kế, thi công đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao hay chưa?.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường tiền tỷ mới làm, mới nâng cấp đã hư hỏng nặng do thiên tai? ​​​​​​​
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO