Kênh Nhà Lê đón nhận bằng Di tích Quốc gia. Ảnh: MH9 |
Lịch sử và huyền thoại
Kênh Nhà Lê khởi nguồn từ thời tiền Lê, được đích thân vua Lê Hoàn quan tâm đốc thúc với tham vọng nối các con sông nội địa với nhau, mở ra tuyến vận tải thủy cho mục đích giao thương và quân sự. Do đó, kênh Nhà Lê được đào từ Hoa Lư (Ninh Bình) vào tận tới Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Suốt các triều đại lịch sử sau đó, từ Lý, Trần, hậu Lê tới thời nhà Nguyễn, kênh Nhà Lê đều được chăm chút mở mang, trở thành chứng nhân của các sự kiện dân tộc.
Kênh Nhà Lê qua Nghệ An cũng được đào cùng thời gian với đoạn kênh Nhà Lê tại Thanh Hóa, có chiều dài 128km, chảy qua thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP Vinh. Qua mỗi địa phương, kênh lại có những tên gọi riêng như sông Mơ, kênh Dâu, kênh Sắt, kênh Gai…
Đến năm 1003, vua Lê Đại Hành đã cho nạo vét, mở rộng kênh Đa Cái phía Nam Nghệ An. Từ đây, hệ thống kênh đào đã kết nối với các con sông tự nhiên, tạo thành hệ thống đường thủy thông suốt từ Thanh Hóa đến sông Lam. Tàu thuyền từ các bến cảng của Nghệ An như Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội bắt đầu lưu thông ra được Thanh Hóa và kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).
Trong quá trình đào kênh Nhà Lê, đoạn kênh Sắt là kỳ công, gian nan, vất vả nhất. Các thế hệ ông cha phải mất đến hơn 800 năm đoạn kênh này mới được khơi thông. Kênh Sắt là tên gọi đoạn kênh Nhà Lê chảy qua Truông Sắt thuộc xã Diễn An (huyện Diễn Châu) và xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc), Nghệ An hiện nay.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi, trong quá trình đào kênh, đến Truông Sắt thì gặp khó khăn vì đây là vùng núi, lại có các mỏ sắt, đá rắn bên dưới nên rất khó đào. Các triều đại về sau cũng đã cố công đào tiếp đoạn kênh Sắt nhưng vẫn không thành công. Cho đến đầu triều Nguyễn, đoạn kênh này vẫn chưa thể khơi thông.
Dưới thời vua Tự Đức, trong dân gian lan truyền bài vè “Đi phu đào kênh Sắt” để diễn tả nỗi khổ cực của người dân khi bị triều đình huy động đi đào kênh. Khi Hoàng Tá Viêm nhậm chức Tổng đốc Nghệ An, ông đã viết thư mời Nguyễn Trường Tộ là người có nhiều kiến thức khoa học, đã từng học môn địa chất ở Pháp để nhờ giúp đỡ. Nguyễn Trường Tộ lúc bấy giờ đang bị bệnh, nằm điều trị ở nhà thờ Xã Đoài cách đó hơn chục cây số, nhận được thư, ông đã nhờ người cáng ông đến nơi để thị sát. Với vốn kiến thức khoa học, địa chất đã học được, ông cho cắm mốc, chỉ cách đào để tránh những nơi có đá, quặng rắn... Sau khoảng 1 tháng đào theo hướng dẫn của Nguyễn Trường Tộ thì kênh Sắt được khơi thông.
Đường mòn trên sông
Năm 1964 đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, các tuyến đường sắt, đường bộ vào Quảng Bình, Quảng Trị bị hủy diệt, con đường vận chuyển từ Bắc vào Nam đứng trước nguy cơ tắc nghẽn. Bộ GTVT đã có sáng kiến khai thông lại tuyến kênh Nhà Lê làm con đường vận tải đường thủy đưa hàng hóa qua trọng điểm đánh phá miền Trung. Khoảng 500 km kênh từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh được nạo vét, khơi thông lập bến bãi, rà phá bom, thủy lôi, bảo đảm an toàn cho tàu bè qua lại. Từ chuyến tàu đầu tiên năm 1965 đến khi hòa bình lập lại ở miền bắc cuối 1972, khó có thể đếm được đã có bao nhiêu con thuyền, bao nhiêu tấn hàng được chuyên chở trên con kênh nối dài lịch sử này.
Tại đoạn kênh Sắt, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với sông Cấm là nơi đánh phá ác liệt suốt ngày đêm của máy bay Mỹ hòng phá cầu Cấm, cắt đứt con đường huyết mạch quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam. Các cựu chiến binh kể lại rằng, thời đó, đoạn kênh này mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Do kênh Nhà Lê nối với sông Cấm ở ngay cầu Cấm, nơi máy bay Mỹ ngày đêm tập trung trút bom nên khi tàu thuyền chở lương thực, vũ khí qua đây gặp muôn vàn khó khăn, nhiều tàu thuyền đã bị trúng bom. Đã có 130 cán bộ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh trên dòng kênh này. Để ghi công, năm 1996, ngành GTVT Nghệ An cho dựng Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê tại xóm Tây Sơn (xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Phạm Thu Hà