Đường 60m (Điện Biên): GPMB chậm vì đâu?

24/09/2016 00:00

(TN&MT) – Hạng mục bổ sung đoạn tuyến đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu TĐC Noong Bua (đường 60m), thành phố Điện Biên Phủ, thuộc dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La đang chậm tiến độ thi công. Nguyên nhân do công tác quản lý đất đai thiếu chặt chẽ dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB), ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tăng chi phí đầu tư.

Dự án Đường 60m, thuộc Dự án di dân, TĐC thủy điện Sơn La, khó khăn trong công tác GPMB
Dự án Đường 60m, thuộc Dự án di dân, TĐC thủy điện Sơn La, khó khăn trong công tác GPMB

Ông Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc Ban QLDA TP Điện Biên Phủ, đơn vị thi công Dự án TĐC thủy điện Sơn La trên địa bàn thành phố cho biết: Đối với dự án đường 60m, khối lượng thi công đạt được tính đến ngày 29/6 chỉ khoảng 38%. Công tác GPMB gặp nhiều khó khăn do nhân dân không đồng ý bàn giao mặt bằng. Đến nay, mới chỉ có 83/199 hộ bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công. Tính riêng TDP 12, phường Him Lam còn 28 hộ chưa cho vào kiểm đếm, lập phương án bồi thường. Do đó, đến nay chưa lập, thẩm định, phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC.

Những vướng mắc trong công tác GPMB bởi rất nhiều nguyên nhân. Theo UBND TP. Điện Biên Phủ, do quy hoạch và ảnh hưởng từ Dự án đường Vành đai II bị treo từ năm 2003, đã làm hạn chế quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân sở tại. Vì nhu cầu cuộc sống, người dân đã tự ý xây dựng làm nhà ở mới, sửa chữa, cải tạo khi nhà xuống cấp, một số hộ tự chia tách cho con cái ra ở riêng... mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, khi Nhà nước thực hiện dự án đường 60m, các hộ này không được xem xét bồi thường hỗ trợ do địa phương đã có văn bản ngăn chặn xử lý.

Bên cạnh đó, một số hộ dân thắc mắc đơn giá bồi thường tài sản, vật kiến trúc theo Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của UBND tỉnh Điện Biên còn thấp so với mặt bằng giá thị trường. So sánh đơn giá bồi thường hiện hành của tỉnh Điện Biên với các tỉnh Sơn La, Lai Châu cho thấy các tỉnh Sơn La, Lai Châu có đơn giá bồi thường cơ bản cao hơn hẳn, cụ thể: Đơn giá bồi thường nhà xây trung bình cao hơn 22%; bồi thường nhà gỗ, nhà tạm trung bình cao hơn 55%; công trình phụ độc lập cao trên 140%; không có hạng mục đơn giá bồi thường thấp hơn.

Nền đất yếu khiến công tác thi công dự án Đường 60m gặp nhiều khó khăn
Nền đất yếu khiến công tác thi công dự án Đường 60m gặp nhiều khó khăn

Không chỉ thế, theo chính sách Thủy điện Sơn La, một số khoản hỗ trợ chi theo tiến độ như: Phải được bố trí TĐC trên thực địa, khởi công xây dựng nhà mới được chi trả hỗ trợ xây dựng nhà; hỗ trợ sản xuất chỉ thực hiện khi bàn giao đất sản xuất... Tuy nhiên, các hộ dân đề nghị được nhận toàn bộ tiền bồi thường, gây cản trở cho công tác GPMB.

Khi quy hoạch khu TĐC thủy điện Sơn La tại TP. Điện Biên Phủ, chỉ quy hoạch khu TĐC đô thị đã không tính đến đối tượng hộ nông nghiệp trong đô thị. Các hộ nông nghiệp có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp bị thu hết hồi đất sản xuất (các hộ dân ở tổ 17, 18 phường Him Lam chỉ có đất ao và đất trồng màu) không còn tư liệu sản xuất. Chính điều đó khiến người dân lo ngại về việc ổn định cuộc sống sau TĐC. Vướng mắc về tạo việc làm, sinh kế của hộ TĐC nông nghiệp cần phải được xem xét, giải quyết và có những chính sách hỗ trợ để đảm bảo đời sống, sản xuất của các hộ phụ thuộc vào nông nghiệp.

Để đẩy mạnh công tác GPMB, trao trả mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đã đến lúc UBND tỉnh Điện Biên cần có sự chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vướng mắc còn tồn tại, xem xét, điều chỉnh đơn giá bồi thường phù hợp với thực tiễn và giá cả thị trường. UBND TP. Điện Biên Phủ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân, giúp người dân hiểu và đồng thuận với những chủ trương, chính sách pháp luật trong chính sách di dân TĐC thủy điện Sơn La, qua đó, tạo điều kiện cho dự án được đảm bảo tiến độ thi công và sớm đưa vào sử dụng.

Bài & ảnh: Hà Thuận

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường 60m (Điện Biên): GPMB chậm vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO