Cùng với Moderna, trong số vắc-xin nhập khẩu, AstraZeneca là một trong vắc-xin thông dụng, được sớm tiêm chủng trên diện rộng và là câu chuyện về một hành trình đầy cố gắng và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam.
Trở lại năm 2020, khi dịch bệnh trên thế giới bắt đầu diễn biến phức tạp, hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford đã bắt tay nghiên cứu loại vắc-xin đặt tạm tên là AZD1222 và nếu thành công thì chắc chắn phải được ưu tiên sử dụng cho thị trường châu Âu - quê hương nơi nó ra đời, sau đó mới tính chuyện xuất khẩu khắp 5 châu.
Ảnh minh họa |
Tháng 11/2020, để “giành” quyền được ưu tiên mua vắc-xin, Chính phủ Việt Nam, thông qua Công ty CP Vắc-xin Việt Nam (VNVC), thay vì đứng sắp hàng chờ đợi, đã quyết định chi một số tiền rất lớn để đặt mua AstraZeneca ngay khi đang trong quá trình thử nghiệm. Đã là “thử nghiệm” thì có thể thành công nhưng cũng có khi thất bại, vậy nên, gọi là “đặt” nhưng cũng được xem là đầu tư cho quá trình nghiên cứu vắc-xin AstraZeneca để sớm nhận lại ưu đãi cho Việt Nam.
Linh động trong nguyên tắc, Bộ Y tế đã sớm nỗ lực, báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc trên tinh thần ưu tiên cao nhất cho mục tiêu chống dịch và VNVC là một điển hình.
Còn với 2 triệu liều Moderna, một số anh em đang “nhảy đồng” lên hoan nghênh Hoa Kỳ viện trợ 2 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam. Nói lại cho rõ, chả có viện trợ nào ở đây cả, mà đó là Chính phủ Mỹ thực hiện cam kết của một thành viên tham gia Sáng kiến tiếp cận vắc-xin toàn cầu thông qua Cơ chế COVAX như những thành viên khác. Vì Việt Nam là 1 trong 192 quốc gia tham gia cơ chế COVAX nên đương nhiên được ưu tiên nhận vắc-xin từ cơ chế này.
Trên quy định, các Chính phủ tham gia cơ chế COVAX phải cam kết thực hiện những điều kiện nhất định như đóng góp tài chính, đóng góp vắc-xin do quốc gia mình sản xuất được (nếu có). (Hơn 140 quốc gia kém phát triển không có đóng góp cũng vẫn sẽ được nhận vắc-xin từ COVAX nhưng sẽ là nhỏ giọt và chờ đợi). Đến nay, ngoài số tiền 500.000 USD đã đóng góp cho COVAX thì Việt Nam cũng cam kết rằng sẽ là một quốc gia cung cấp vắc-xin cho COVAX để hỗ trợ các quốc gia nghèo khi Việt Nam sản xuất thành công vắc-xin ngừa Covid-19 cũng như các loại vắc-xin khác với giá thành ưu đãi. Hiện Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên đóng góp tài chính cũng như cam kết cung cấp vắc-xin cho COVAX.
Tóm lại, Việt Nam nhận được vắc-xin từ Mỹ thực chất không phải do Chính phủ Mỹ viện trợ, mà đó là vắc-xin do Mỹ sản xuất, đóng góp cho Sáng kiến tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX, cũng giống như các loại vắc-xin khác trong chương trình này, được chuyển giao cho Việt Nam trong thời gian qua, như Astrazeneca chẳng hạn.
Và do sự điều phối, COVAX sẽ điều luôn vắc-xin từ nơi sản xuất chuyển thẳng sang Việt Nam để đỡ mất thời gian và chi phí qua các khâu trung gian. Tức là, nếu Mỹ không chuyển thì sẽ có quốc gia khác chuyển. Và nếu không phải Việt Nam đã đóng góp tài chính và cam kết đóng góp vắc-xin thì… hãy đợi. Cho nên, anh em nào đang tưởng rằng Mỹ tài trợ vắc-xin cho Việt Nam vô điều kiện thì nên “tém tém” lại.
Hiện nay, từng mũi tiêm đã ghé đến bắp tay nhân dân sau rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... chứ không phải vắc-xin được mang về từ... bàn phím, cũng không phải từ mối quan hệ “ảo tưởng ngôn tình”. Vậy nên, tham gia mạng xã hội, để bảo vệ não bộ của mình, chúng ta không nên nghe các “nhà khoa học - nhà ngoại giao... bàn phím” mổ xẻ vấn đề, tung hô ngoại quốc, soi mói chính quyền và doanh nghiệp về giải pháp chống dịch và chiến lược vắc-xin mà quên rằng, trong đại dịch khủng khiếp này, chúng ta thật sự may mắn vì được sống bình yên trong một đất nước với thể chế chính trị ưu việt và những con người đang cống hiến cho những mục tiêu cao cả của Tổ quốc. Hãy nhìn rộng ra thế giới để xác nhận cho mình một chính kiến đúng đắn, vững vàng, âu cũng là góp phần cho công cuộc chống dịch của nước nhà vậy.