Đua nhau đục khoét sông Lô

14/05/2014 00:00

(TN&MT) - Trước tình trạng bờ sông sạt lở nghiêm trọng nhưng UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn cấp phép cho Công ty CPKS Tân Hà khai thác khoáng sản.

(TN&MT) - Trong khi cả một đoạn đê dài chạy qua huyện Sơn Dương đang được cảnh báo là sạt lở nghiêm trọng thì UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn cấp giấy phép cho Công ty CP Khoáng sản Tân Hà (Công ty Tân Hà) khai thác khoáng sản tại đây.
   
Dân “t cu” đt bãi bi
   
  Thời gian qua, các tàu hút cát thi nhau "móc ruột” dòng sông Lô trên địa bàn xã Sầm Dương, Tam Đa, Lâm Xuyên… huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) khiến hàng chục ha đất nông nghiệp nơi đây bị hà bá nuốt chửng, đe dọa cuộc sống người dân. Để bảo vệ đất đai và cuộc sống người nông dân đã phải tự đứng lên đấu tranh quyết liệt với cát tặc, thậm chí đã xảy ra xô sát.
   
  Tại thôn Phú Thọ 2, xã Lâm Xuyên, giữa trưa nắng oi ả, nhưng nơi đây có 2 tàu cuốc, 4 tàu hút đang thi nhau đục khoét dòng sông Lô. Điều đặc biệt, các tàu thuyền này đều hút cát, sỏi ngay sát chân bãi bồi trồng ngô của người dân, những điểm lở do thuyền hút cát còn mới nguyên, bọt vẫn sục tăm, nước đục ngầu. Một thanh niên tên Hải, thôn Phú Thọ 2 cho biết: Đây là đội thuyền của Công ty Bảo Lâm, được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản từ lâu. Người dân chúng tôi phản đối, tổ chức xua đuổi thuyền ra khỏi khu vực bãi, nhưng cũng không khác “đá ném ao bèo”, đâu lại vào đó.
   
  Chạy theo dọc thân đê, khoảng 300m, chúng tôi rùng mình khi nhìn thấy vài chục con tàu cuốc, tàu hút cát đậu sát nhau như đang dàn trận. Trên bãi ngô là biển cấm hút cát, sỏi. Cách đó không xa, bãi Soi Dù Dì hiện lên ngày một rõ. Theo quan sát của chúng tôi, tiếng máy của tàu cuốc vẫn rít lên từng hồi, tiếng máy nổ của các “vòi rồng” gầm vang cả khúc sông.
   
  Theo sự phản ánh của người dân, hàng ngày trên bãi Soi Dù Dì có cả chục chiếc tàu của Công ty Tân Hà và một vài “tàu lạ” thi nhau cày sới dòng sông Lô. Nhiều người dân khẳng định, trong đội tàu thuyền của Tân Hà có cả sự xuất hiện tàu hút cát của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Giang (Công ty Tân Hà đang thuê tầng 2 của Công ty này làm “đại bản doanh” để hoạt động - pv). Người dân cho rằng những tàu thuyền này được Công ty Tân Hà thuê về để khai thác cát, cùng thỏa thuận chia nhau “miếng bánh” ngon này?!
   
  Đối với người dân Sầm Dương: Đây là đội quân “cát tặc”. Họ không hiểu vì sao chính quyền lại có thể cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác vào một khu vực đang xuất hiện vết nứt thân đê lớn và hàng năm, hàng chục ha đất bãi bồi bị lở trôi bởi nạn khai thác cát đã được đánh giá là nguy hiểm cho sự an toàn của người dân.
   
Khai thác cát tràn lan sẽ khiến bãi Soi Dù Dì màu mỡ này biến mất.
    
   
   Không những thế, tại thời điểm này, đội tàu hút cuả Công ty Tân Hà đang “chính thức trở thành cát tặc”khi trong giấy phép ghi chỉ được khai thác trong vòng 5 năm, thời gian khai thác từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, có nghĩa hết tháng 4/2014 là đã hết hạn, song sau 1/5/2014 Công ty Tân Hà vẫn tiến hành khai thác khoáng sản, như cố tình thách thức dư luận, thách thức chính quyền địa phương. Ông Hà Đình Bắc, thôn Đồng Tâm bức xúc: Tân Hà khai thác 24/24h, dân bức xúc lập lều canh gác để xua đuổi cát tặc, nhưng lập tới đâu thì đều bị những người lạ mặt tới phá dỡ. Dân kéo ra đông thì tàu thuyền lại chạy rạt sang phía Phú Thọ, đợi người dân về họ mới quay lại hút cát.
   
  Trong cuộc chiến chống lại "cát tặc”, đã có lần xảy ra xô sát, rất may là không có án mạng xảy ra. Anh Nguyễn Văn Đông cho biết: Có lần tàu vào khai thác giáp chân bãi, người dân tổ chức xua đuổi nhưng tàu không chịu rời đi, nhiều người lấy đất, đá ném lên thuyền thì bị “cát tặc” ném vỏ chai trở lại, khiến nhiều người bị sát thương. Sau đó do người dân đấu tranh quyết liệt chiếc tàu mới chịu rời đi.
   
  Có mặt ở xã Sầm Dương, những ngày này, chúng tôi cảm nhận được đây thực sự là một cuộc chiến hết sức nóng bỏng của những người nông dân "chân lấm, tay bùn” chống chọi với lực lượng "cát tặc” hung hãn, bất chấp thủ đoạn. Với người dân xã Sầm Dương cát tặc còn hoành hành ngày nào thì ngày đó người dân ngủ chưa yên, bởi mỗi một thuyền cát được hút đầy khoang là vài mét khối ruộng đồng của bà con bị mất. Người dân đang phải tự lo cho mình, tự đuổi cát tắc để giữ đất, giữ nguồn sống… và khi nào hết cát tặc thì cuộc chiến nơi đây mới thực sự dừng lại.
   
Chính quyn vn  “thông cm”
   
  Tuyên Quang đã công khai số điện thoại đường dây nóng của các lãnh đạo, Sở, ban ngành liên quan, với mục đích “phản ứng nhanh” trước các thông tin cát tặc. Việc này được nhân dân rất hoan nghênh và ủng hộ. Tuy nhiên, tổ công tác chống cát tặc này hoạt động không mấy hiệu quả. Bởi từ khi thành lập đến nay chỉ rất ít vụ việc được phanh phui, mức độ cát tặc trên sông Lô ngày một nhiều, có dấu hiệu manh động, liều lĩnh và xem thường cơ quan quản lí Nhà nước.
   
  Ông Nông Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Tổ trưởng Tổ công tác chống cát tặc của huyện giao cho Phó trưởng Công an Huyện, Chủ tịch các xã làm tổ phó. Dưới xã thì Chủ tịch xã làm Tổ trưởng và Trưởng công an xã làm tổ phó, các Phó chủ tịch làm thành viên thường trực. Đường dây nóng được công khai tới tận thôn, xã.
   
  Tuy nhiên, khi được phóng viên hỏi, việc Công ty Tân Hà đã hết thời hạn khai thác cát, sỏi, nhưng vẫn khai thác tại bãi Soi Dù Dì, ông Hiền khẳng định: Nếu Tân Hà tiếp tục khai thác thì địa phương sẽ xử lí tới cùng. Mọi việc đều giao cho tổ công tác chống cát tặc ở địa phương, có việc gì họ sẽ báo lên.
   
Ông Nông Văn Hiền (người bên phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương thừa nhận: Khoảng cách địa lí, phương tiện đi lại… đang cản trở việc xử lí nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn.
    
   
  Sau khi phóng viên đưa cho vị Phó Chủ tịch xem hình ảnh, đoạn video quay tại bãi Soi Dù Dì, ông Hiền mới thừa nhận: “Để tôi cho người kiểm tra lại! Thú thật với nhà báo khoảng cách địa lí, phương tiện đi lại… đang cản trở rất lớn việc đấu tranh, bắt giữ và xử lí nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn”.
   
  Tại xã Sầm Dương, việc khai thác cát còn công khai như ban ngày. Có mặt tại bãi Soi Dù Dì vào những ngày này nhận thấy nhiều “vòi rồng” đang cần mẫn hút cát, những chiếc xe công nông, ô tô tải đang “cõng” cát rời bãi. Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Sầm Dương cho biết: Người dân tự ý lấy cát về xây dựng nhà, chính quyền lâu nay vẫn “thông cảm”. Đến khi chúng tôi đưa cho ông Trường xem hình ảnh bên trong bãi Soi Dù Dì đã bị hút thành vũng sâu, rộng bằng cả cái ao và bãi tập kết cát chỉ cách UBND xã Sầm Dương không quá 60m, thì ông này mới thừa nhận: Hộ ông Hoàng Hữu Sò đứng ra tổ chức lấy cát bán cho người dân trong xã! Vậy là dưới sông, trên bãi người ta vẫn đua nhau hút cát, sỏi mà vẫn được chính quyền nơi đây “thông cảm”.
   
  Trao đổi về việc cát tặc sông Lô vẫn hoành hành và có dấu hiệu ngày một gia tăng, ông Nguyễn Trường Lâm, Chánh Thanh tra Sở TN&MT Tuyên Quang thừa nhận: Không riêng gì sông Lô mà nạn cát tặc ở nhiều sông xuối khác ở Tuyên Quang vẫn diễn ra. Do lực lượng mỏng, phương tiện và “quyền lực” hạn chế, nên nhiều khi tôi phải “thân trinh” đi kiểm tra. Ông Lâm còn cho biết: Cách đây ít lâu, tôi có đi kiểm tra việc hút cát trái phép trên sông Lô, đang kiểm tra thuyền hút cát trái phép thì bỗng dưng tàu nổ máy và một thuyền viên bảo: Anh có về em đưa anh vào bờ! Rất nguy hiểm chú ạ.
   
  Hiện tại, trên sông Lô Tuyên Quang có gần 10 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản và chỉ duy nhất Công ty Tân Hà là hết hạn thời gian khai thác khoáng sản theo quy định của Giấy phép số 06/GP-UBND ngày 27/1/2014. Ông Lâm kiên quyết: Sau 30/4 Tân Hà vẫn tổ chức khai thác cát, sỏi thì Sở sẽ xử lí nghiêm minh và không khoan nhượng. Việc phóng viên cho xem hình ảnh, video chúng tôi sẽ cho người xác minh.
   
  Điều khiến chúng tôi băn khoăn, tại sao trong nhiều cuộc xua đuổi cát tặc không thấy sự hiện diện của chính quyền địa phương mà chỉ thấy người dân nơi đây. Và nhiều bãi bồi ven sông là “pháo đài” vững chắc bảo vệ thân đê khi mùa mưa bão về, vừa mang lại đất canh tác phì nhiêu cho người nông dân, vậy mà tỉnh Tuyên Quang vẫn cấp giấy phép khai thác cát, sỏi cho nhiều doanh nghiệp, bất chấp sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương, phải chăng có sự khuất tất ở đây?
   
  Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tiếp về sự việc này.
   
Lê Xuân
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đua nhau đục khoét sông Lô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO