Du lịch cộng đồng, hướng đi mới của huyện miền Tây tỉnh Yên Bái

Thanh Ngà - Tiến Dũng| 28/02/2020 10:20

(TN&MT) - Miền Tây của tỉnh Yên Bái với tiềm năng về cảnh sắc thiên nhiên, sự độc đáo trong phong tục tập quán cùng với sự thân thiện, hiền hòa mến khách của đồng bào dân tộc đã tạo điều kiện cho phát triển du lịch cộng đồng, đây cũng là hướng đi mới đầy tiềm năng giúp người dân xóa đói, giảm nghèo giữ gìn bản sắc dân tộc.

Tiềm năng được đánh thức

Mù Cang Chải là một trong bốn huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm thành phố gần 200km. Con đường tới huyện đã khiến bao người say mê bởi những con đèo quanh co, những mùa hoa hay mùa lúa chín vàng rực trên những thửa ruộng bậc thang. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn với phong cảnh hùng vĩ, nên thơ và các bản làng vẫn còn giữ nguyên nét truyền thống, nguyên sơ, nét văn hóa đậm đà bản sắc cùng con người mộc mạc chân thành chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch này.

Lượng du khách tới Mù Cang Chải trải nghiệm du lịch cộng đồng khá ổn định

Bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải là một trong những bản được chọn làm bản điểm xây dựng du lịch cộng đồng, mọi người luôn xác định mỗi vị khách ghé bản thăm quan cũng chính là một khách hàng tiềm năng. Bởi vậy, khi mọi người đến đều được người dân chào đón bằng nụ cười và sự mến khách.

Anh Giàng A Dê – Bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn chia sẻ: “Vợ chồng tôi cũng xác định làm du lịch cộng đồng là đưa giá trị văn hóa của cộng đồng người Mông mình tới cho du khách trải nghiệm. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức để khi du khách tới bản có thể cảm nhận rõ nét nét văn hóa của người bản địa qua các trải nghiệm như: Cho du khách đi làm nương, trải nghiệm phong tục văn hóa, đi đám cưới, đi lễ hội, đi dệt vải, nhuộm chàm…Bên cạnh đó, trong các phòng ngủ của du khách chúng tôi trang trí hoàn toàn bằng thổ cẩm của người Mông để du khách khi tới bản sẽ cảm nhận rõ nét văn hóa của đồng bào mình”.

 Nghề dệt thổ cẩm đã phát triển trở lại sau một thời gian dài trầm lắng

Cũng nhờ phát triển du lịch cộng đồng mà người Mông huyện Mù Cang Chải đã tận dụng thế mạnh để đưa nghề dệt thổ cẩm đi lên sau một thời gian dài trầm lắng. Đến năm 2019, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp bằng công nhận Làng nghề Dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, làng nghề dệt thổ cẩm hiện có 35 hội viên là phụ nữ tham gia, những sản phẩm này được đưa bán ra thị trường và phục vụ cho khách du lịch khi tới huyện, nhờ đó mà chị em phụ nữ người Mông cũng có thu nhập tương đối ổn định.

Các sản phẩm thổ cẩm của người Mông luôn được du khách ưa chuộng

Bên cạnh phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng, huyện Mù Cang Chải đã khai thác những thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng. Vào mùa lúa chín du khách trong và ngoài nước sẽ đắm mình trong sắc vàng hương lúa và lễ hội dù lượn trên đỉnh đèo Khau Phạ, còn mùa xuân hoa cải vàng nở rộ như những tấm thảm vàng uốn quanh các triền núi, nhờ đó đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn cho nhiều du khách khi tới đây.

Mù Cang Chải đã khai thác những thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch

Cuộc sống được nâng lên

Huyện Mù Cang Chải được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, người dân có thêm thu nhập, đời sống được nâng lên.

Ông Hảng Sáy Chông – Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết: Trước năm 2015 xã La Pán Tẩn chưa có du lịch cộng đồng, những sau đó xã đã đưa một số hộ gia đình trong bản đi học hỏi kinh nghiệm ở Sapa, Mộc Châu về làm du lịch. Bắt đầu từ năm 2016 xã bắt đầu làm du lịch cộng đồng, chỉ sau một thời gian loại hình du lịch này đã phát triển khá nhanh, đến giờ trong xã đã có nhiều hộ làm du lịch.

“Du lịch cộng đồng so với vùng thấp thì thu nhập chưa cao nhưng so với đồng bào vùng cao chúng tôi đã phát triển rất nhanh tạo được nguồn thu cho gia đình. Trước kia chưa làm du lịch người dân không biết bán hàng chỉ ở nhà lên nương, cấy lúa trồng ngô. Nhưng giờ chị em may váy, thuê thùa làm thổ cẩm cho du khách thuê và bán, mỗi ngày cũng thu được từ 100.000 -150.000 đồng”, ông Hảng Sáy Chông chia sẻ.

Để du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, trong những năm gần đây huyện Mù Cang Chải đã quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ người dân.

Bà Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Trong thời gian qua, huyện đã hướng dẫn cho người dân làm du lịch cộng đồng và người dân cũng đã nhận thấy hiệu quả từ loại hình du lịch này. Bắt đầu từ năm 2014, huyện đã cho các hộ gia đình ở khu vực thị trấn bản Thái và một số hộ người Mông vay tiền không lãi suất trong 2 năm, mỗi gia đình 20 triệu đồng để người dân tu sửa làm thêm các công trình vệ sinh. Nhờ đó, mà thu nhập của mỗi hộ dân hàng năm đều rất cao, từ việc có hiệu quả bà con ở các xã đã tự làm rất nhiều. Hiện huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ cho người dân ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt và Khau Phạ để phát triển du lịch.

Nhờ du lịch mà cuộc sống của người dân dần được nâng lên

Bà Lương Thị Xuyến cho biết thêm, huyện đã giao cho phòng văn hóa và cơ quan chuyên môn mở các lớp 3 lớp tiếng anh và sở ngoại vụ đã giúp huyện mở 1 lớp tiếp Pháp. Ngoài ra, huyện đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn viên và hướng dẫn cho người dân biết cách giới thiệu về Mù Cang Chải. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn và xây dựng các trường học du lịch để mỗi giáo viên và học sinh ở mỗi trường cũng là một hạt nhân tuyên truyền để sau này đào tạo ra các lớp hướng dẫn viên tốt hơn bây giờ.

 

Có thể nói, phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới đầy tiềm năng cho việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân các huyện miền Tây của tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, ngoài giá trị về mặt kinh tế hoạt động du lịch cộng đồng còn giúp người dân hiểu và trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc mình nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đầy cuốn hút, có giá trị cho du khách khi đặt chân tới đây.

 

Theo Bài tự viết
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch cộng đồng, hướng đi mới của huyện miền Tây tỉnh Yên Bái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO