Du lịch cộng đồng – hướng đi mới

25/07/2015 00:00

(TN&MT) - Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch thì Việt Nam có cộng đồng dân cư đa dạng về sắc tộc và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều đó sẽ...

 

(TN&MT) - Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch được sở hữu bằng quản lý cộng đồng, cư dân địa phương được trực tiếp tham gia và được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch. Du lịch cộng đồng có thể là du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, du lịch bản địa, du lịch văn hóa vv... Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch thì Việt Nam có cộng đồng dân cư đa dạng về sắc tộc và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều đó sẽ là lợi thế rất lớn để phát triển loại hình du lịch này.

Về Đồng bằng sông Cửu Long, tàu thuyền dọc ngang sông nước, du khách nào cũng hào hứng. Từ Mỹ Tho – Tiền Giang, sang Bến Tre, Bạc Liêu, về đến đất mũi Cà Mau, mọi người thỏa thuê đắm mình giữa những vùng quê xanh mát cây trái, thăm các cơ sở chế biến các sản phẩm từ dừa, ăn tại chỗ kẹo dừa, mua dầu dừa, phấn hoa, mật ong, nghe đờn ca tài tử, được những người dân sông nước chiêu đãi món ăn bình dân ngon đến… không thể quên.

Anh Nguyễn Văn Nhuần  (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), chủ nhân của một cơ sở du lịch tự tay bưng bê, bày biện mâm bát, cụng ly với khách và trò chuyện hết sức cởi mở. Anh vốn là nông dân “đặc sệt”, năm trước, được Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và tổ chức Sida Thụy Điển hỗ trợ vốn để làm du lịch. Anh bảo, mới đầu cũng lo, xưa nay chỉ quanh quẩn buôn bán tôm cá, đâu làm du lịch bao giờ. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm về, quyết định thêm tiền cất chòi, mua xuồng máy để  đưa đón khách. Là dân sông nước chính gốc, nên anh Nhuần thông thạo ngóc ngách, giới thiệu vanh vách từng loại cây con, đặc sản trong vùng: cá dứa, thòi nòi, sò huyết, ốc len, tôm sú;  các loài cây đước, mắm, sú vẹt,… Anh Nhuần cho biết, gia đình anh cùng 4 hộ khác được chọn vào dự án du lịch cộng đồng từ tháng 3-2013, mới đầu ít khách, nhưng rồi qua thông tin trên báo đài, nhiều du khách đã tìm đến, nhiều cơ quan, đơn vị còn đến đây tổ chức các hội thảo, đi thực tế… Thu nhập của các gia đình cũng ngày một cải thiện từ dự án này.

Du lịch cộng đồng đang là hướng đi của nhiều địa phương. Đến Đà Lạt, ngoài các điểm tham quan truyền thống, hiện các tour du lịch đều có trong chương trình về thăm các làng hoa như Vạn Thành, Thái Phiên, các vườn dâu tây… Tại đây, du khách có thể tìm hiểu kỹ thuật trồng rau hoa công nghệ cao của nhà vườn. Có những đoàn khách còn “phượt” xa hơn trên những chiếc xe Win về tận Nam Ban, Lâm Hà thăm cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn (Cường Hoàn Silk). Có người lần đầu nhìn thấy con tằm, cái kén, biết tấm áo mình mặc từ đâu mà ra, vì sao lụa tơ tằm lại mát…

Anh Phạm Văn Cường, Chủ cơ sở Cường Hoàn Silk cho biết, để đến với du lịch, anh đã phải tìm hiểu, học hỏi nhiều cách làm du lịch ở phía bắc như làng Vạn Phúc- Hà Đông, làng  gốm sứ Bát Tràng… Anh cũng phải tham khảo nhiều sách báo để thêm kiến thức về nghề ươm tơ dệt lụa để có thể giới thiệu với khách. Du khách đặc biệt hào hứng với chương trình biểu diễn cồng chiêng tại buôn làng của người Lạch dưới chân núi Langbian (huyện Lạc Dương). Tại đây có đến 12 nhóm cồng chiêng và đến vài trăm ca sĩ không chuyên. Mùa du lịch, hằng đêm, hàng ngàn khách du lịch về đây giao lưu văn hóa, cùng múa hát, uống rượu cần, ăn thịt nướng. Những bài ca, điệu múa, tiếng cồng chiêng rộn rã khắp làng. Du khách được hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng thực sự. Các diễn viên là người dân tộc bản địa của vùng đất Đà Lạt, chủ nhân của những bài dân ca Tây Nguyên, nhạc cụ Tây Nguyên. Những bài hát do chính các nhạc sĩ người Cill, Lạch sáng tác, được trình bày bằng những giọng hát trầm khỏe của các chàng trai, giọng hát cao vút trong như nước suối của các cô gái buôn làng. Du khách hào hứng hòa vào vòng xoang uyển chuyển, ngất ngây với những bài hát đậm chất Tây Nguyên. Họ càng thích thú hơn khi biết buôn làng này có nhiều ca sĩ nổi tiếng như Cill Trinh, Cill Pơi, Krajan Druyn, nhiều em đang theo học tại các trường nghệ thuật, nhiều bài hát được yêu thích, như: “Nồng nàn cao nguyên” của nhạc sĩ Krajan Dick; “Kbing ơi”, “Giữ ấm bếp hồng”, “Langbian s’ting”… của Krajan Plin.  Nhạc sĩ Krajan Plin người lập ra nhóm nhạc “Langbian và những người bạn” cho biết: Đây cũng là cách để quảng bá văn hóa bản địa, giới thiệu về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chính sự tiếp cận với du lịch, làm dịch vụ du lịch, mà các nhóm có thể tồn tại và phát triển như bây giờ.

Ở Ninh Thuận, ngày càng đông du khách tìm đến các làng nghề của người Chăm. Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) được biết đến như là làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á, đến bây giờ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn cách làm gốm cổ truyền đặc trưng của người Chăm bản địa. Làm gốm không có bàn xoay, chỉ với đôi bàn tay khéo léo cùng với những dụng cụ giản đơn, những nghệ nhân làng gốm đã thổi hồn vào từng sản phẩm. Mỗi sản phẩm là một ý tưởng sáng tạo độc đáo, không trùng lắp, mô phỏng.

Việc đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng đang là hướng mở cho các địa phương, để làm đa đang, phong phú sản phẩm du lịch, khắc phục tình trạng sáo mòn, đơn điệu, trùng lắp lâu nay. Khám phá, trải nghiệm, cảm nhận là xu hướng du lịch hiện nay,và do đó, loại hình du lịch cộng đồng với cuộc sống thực của mỗi vùng đất, tộc người là hướng đi đầy tiềm năng. Đây cũng là cách quảng bá văn hóa bản địa một cách hiệu quả, bền vững.

 

Năm 2014, Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đã chọn chủ đề cho Ngày du lịch thế giới bằng một tiêu ngữ hết sức giản dị mà sâu sắc “Du lịch và sự phát triển cộng đồng”. Chủ đề này nhấn mạnh ngành du lịch có thể mang lại những cơ hội mới cho cộng đồng để phát triển kinh tế xã hội, tạo thu nhập trực tiếp, góp phần xóa đói giảm nghèo, để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân địa phương, cũng như các cộng đồng trên thế giới.

Bài & ảnh: Bích Hiền

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch cộng đồng – hướng đi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO