Dự kiến thu hồi hơn 149 ha đất cao su ở Nông trường Bời Lời (Tây Ninh): Ai chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho người dân?

05/11/2013 00:00

(TN&MT) - Huyện Trảng Bàng chỉ nói là cho người dân thuê đất đến tháng 6/2017, còn sau đó không đề cập tiếp theo sẽ giải quyết quyền lợi cho từng hộ dân cụ thể...

   
(TN&MT) - Cách đây hơn 20 năm, hưởng ứng chủ trương cho phép người dân khai hoang và thuê đất trồng cao su, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng kinh tế trồng cao su với Nông trường Cao su Bời Lời tại địa bàn huyện Trảng Bàng. Sau khi ký hợp đồng, các hộ dân đã bỏ vốn đầu tư cải tạo đất để trồng cao su với thời gian hợp đồng là đến hết năm 2043. Sau nhiều năm nỗ lực chăm sóc, hàng chục hộ dân đã trồng được hơn 149 ha cao su xanh tốt. Tuy nhiên, mới đây nhất, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng đã yêu cầu các hộ dân ký lại Hợp đồng thuê đất với UBND huyện Trảng Bàng chỉ với thời hạn 25 năm (1992 – 2017) và sau đó là thu hồi đất, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
   
Một góc vườn cao su đang cho mủ của người dân                                           
           
LÀM KHÓ NGƯỜI DÂN
   
  Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, các hộ dân cho biết: Ngày 25/10/2013 tại UBND xã Hưng Thuận, lãnh đạo xã Hưng Thuận và đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Trảng Bàng đã có cuộc họp với các hộ dân đang tham gia canh tác rừng cao su ở địa chỉ trên. Nội dung cuộc họp thông báo chủ trương cho thuê 149,5 ha đất tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận theo công văn số: 1706/UBND-KTN ngày 31/7/2013 của UBND tỉnh Tây Ninh và hướng dẫn trình tự thủ tục cho thuê diện tích đất này mà không đặt ra vấn đề giải quyết Hợp đồng giữa Nông trường cao su Bời Lời ký với các hộ dân đã cho họ thuê đất để trồng cao su từ thời điểm tháng 6/1992.
   
  Tại cuộc họp trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng đã đề nghị các hộ dân phải ký lại Hợp đồng thuê đất mới chỉ tính từ tháng 6/1992 đến hết tháng 6/2017. Sau thời hạn này các hộ dân phải trả lại đất cho Nhà nước mà không được phép chuyển nhượng hoặc trồng trọt canh tác cây cao su.
  Thông báo trên của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng đã khiến các hộ dân hết sức hoang mang, lo lắng, bởi họ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Các hộ dân cho biết: Trong những năm 1990, 1991, 1992, chính quyền tỉnh Tây Ninh kêu gọi và khuyến khích người dân đầu tư phát triển khai hoang những khu đất canh tác kém để trồng cây cao su, tạo công ăn việc làm và có nguồn thu nhập cho người dân trong quá trình phát triển đất nước nói chung và cho tỉnh Tây Ninh nói riêng. Các hộ dân đã được Nông trường cao su Bời Lời mời gọi và đã ký hợp đồng 50 năm để đầu tư, khai hoang và trồng cây cao su tại khu vực đất 149,5 ha hiện nay.
   
  Được biết, thời gian qua tỉnh Tây Ninh từng có chủ trương quy hoạch khu đất này thành Khu xử lý rác và đã có ý định thu hồi khu đất. Các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh cho rằng Hợp đồng kinh tế 50 năm giữa Nông trường cao su Bời Lời ký cho các hộ dân thuê 149,52 ha từ năm 1992 để quản lý, sử dụng đất và trồng cây cao su là không đúng thẩm quyền theo quy định đất đai(?!).
   
Vườn cao su xanh tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao của người dân sẽ bị chặt bỏ sau năm 2017?
    
   
BỎ NGỎ QUYỀN LỢI HỢP PHÁP CỦA DÂN
   
  Trao đổi với chúng tôi, các hộ dân cho biết họ luôn sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương của Nhà nước; tuy nhiên, nếu thu hồi đất tỉnh Tây Ninh cần phải giải quyết thỏa đáng một số vấn đề mà các hộ dân đặt ra như sau:
   
  Thứ nhất, tỉnh Tây Ninh đã áp dụng điều nào trong Luật Đất đai để cho rằng Hợp đồng giữa Nông trường cao su Bời Lời với các hộ dân là không đúng theo quy định? Khi mà năm 2011, tỉnh tuyên bố sẽ quy hoạch khu đất này thành khu xử lý rác, nhưng sau đó lại thay đổi thành Khu đô thị dịch vụ và đến nay vẫn chưa phê duyệt quy hoạch?.
   
  Thứ hai, về pháp lý, người dân đã ký Hợp đồng thuê đất với Nông trường cao su Bời Lời trong vòng 50 năm để trồng cây cao su. Nay nếu Nhà nước rút thời hạn xuống còn 25 năm thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm đền bù như thế nào đối với giá trị đầu tư mà người dân đã bỏ ra để phát triển khu đất này trong những năm qua? Nhất là khi vườn cao su đang hoạt động rất hiệu quả, đem lại nguồn lợi kinh tế cao hàng năm, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng trăm công nhân và gia đình của họ. Và nếu phải chặt bỏ toàn bộ cây cao su khi tỉnh Tây Ninh có quyết định thu hồi khu đất trên sẽ là một sự lãng phí lớn đối với người dân và xã hội.
   
  Thứ ba, sự việc đã diễn ra từ những năm 1990, 1991, vì sao mãi đến thời điểm này (năm 2013) – tức là hơn 20 năm sau tỉnh Tây Ninh mới cho là  chính quyền cấp dưới đã làm sai khi ký hợp đồng, để người dân đã đầu tư biết bao nhiêu vốn liếng và công sức vào 149,5 ha đất cao su này?. Nếu Nhà nước khẳng định Hợp đồng ký với Nông trường cao su Bời Lời là sai thì Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết hợp tình hợp lý cho cả hai bên như thế nào?. Trong khi đó, văn bản của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng chỉ nói chung chung là cho người dân thuê đất đến tháng 6/2017, còn sau đó không hề đề cập tiếp theo sẽ giải quyết quyền lợi cho từng hộ dân cụ thể ra sao?. Điều này đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân trong thời hạn 25 năm còn lại!.  
   
  Bài & ảnh: Tú Nguyễn
   
                                            
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự kiến thu hồi hơn 149 ha đất cao su ở Nông trường Bời Lời (Tây Ninh): Ai chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho người dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO