Dự án tôn tạo Khu di tích Cánh mạng căn cứ Kon Tum: Chưa xong giai đoạn 2, đã phải trùng tu giai đoạn 1

03/06/2017 00:00

(TN&MT) - Việc tôn tạo, trùng tu, sửa chữa Khu di tích lịch sử Cánh mạng căn cứ của Tỉnh ủy Kon Tum tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) giai đoạn 1 với tổng kinh phí gần 66 tỷ đồng nhưng vẫn không cải thiện hết những khiếm khuyết, hư hỏng mà lại còn nhếch nhác hơn.

Hạng mục cổng vào khu di tích ở giai đoạn 1 chỉ được thực hiện bằng những thanh củi
Hạng mục cổng vào khu di tích ở giai đoạn 1 chỉ được thực hiện bằng những thanh củi

Trước đây (năm 2007), Khu căn cứ Cách mạng Tỉnh ủy Kon Tum được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Đến năm 2011, tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án tôn tạo, xây dựng khu di tích căn cứ Cách mạng trên với tổng mức đầu tư lên đến 81 tỷ đồng được chia ra làm 2 giai đoạn và giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, với mục đích trùng tu, tôn tạo nhằm tạo thành điểm tham quan, du lịch và là địa chỉ “về nguồn” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Giai đoạn 1 đã thực hiện xong vào năm 2015, với số vốn đã “ngốn” lên gần 66 tỷ đồng nhưng kết quả sau khi thực hiện tôn tạo, tổng thể khu di tích vẫn như một khu nhà hoang phế. Những hạng mục được thực hiện trong giai đoạn 1 gồm: nhà đón tiếp, cổng, sân lễ hội, nhà Ban cơ yếu, hội trường, hầm làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhà hậu cần, nhà bộ phận phục vụ…, giai đoạn 2 xây dựng nhà trưng bày, nhà bia, cụm tượng đài.

Giai đoạn 2 chưa xong nhưng mái nhà giai đoạn 1 đã mục nát
Giai đoạn 2 chưa xong nhưng mái nhà giai đoạn 1 đã mục nát

Đến nay, dù chưa xây dựng xong nhưng bê tông hai bên bậc lên xuống đã nứt nẻ, cổng chào làm bằng những "cây củi" nhỏ, cỏ mọc um tùm giữa đường trông rất nhếch nhác. Bên trong, các ngôi nhà làm việc thời trước được tu bổ nhưng phần tranh mái đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Nhói lòng hơn, nhìn ngôi nhà trưng bày được xây dựng mới, đã qua mấy năm nhưng vẫn trống trơn, nội thất bên trong chỉ là mạng nhện. Bên cạnh đó, hệ thống điện và nhà vệ sinh cũng "đắp chiếu" vì không có nước và điện lưới.

Theo báo cáo của UBND huyện Tu Mơ Rông, các hệ thống chòi nghỉ chân hiện nay đã bị người dân địa phương viết chữ lên tường, trụ rất bẩn và đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt. Nhà Ban cơ yếu, hội trường, hầm làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhà hậu cần, nhà bộ phận phục vụ đã bị mục nát hoặc đã vùi lấp chưa được phục dựng.

Hệ thống nhà đón tiếp, làm việc và quản lý cũng như hệ thống nhà vệ sinh của Khu di tích hiện nay xuất hiện tình trạng mối mọt, rong rêu, cỏ lá bao phủ và một số hệ thống điện, nước bị hư hỏng… Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, con đường lên Khu di tích cũng có một số điểm, rãnh thoát nước bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.

Khu nhà trưng bày dột nước, chỉ có vỏ mà không có ruột
Khu nhà trưng bày dột nước, chỉ có vỏ mà không có ruột

“Đáng lo ngại nữa là bà con trong vùng đã phát rẫy gần đến Khu Di tích, nếu không bảo vệ thì có nguy cơ xâm hại Khu di tích. Các công trình phục dựng, tôn tạo thì chưa có biển báo và biển chỉ dẫn để du khách đến xem nên không nhận ra các điểm di tích cụ thể. Cùng với đó chưa có hạng mục bia di tích để cho du khách tham quan biết về giá trị lịch sử của di tích tích này trong tiến trình lịch sử của tỉnh Kon Tum trong những năm chống Mỹ cứu nước”- một cán bộ huyện Tu Mơ Rông chia sẻ.

Tại buổi làm việc với đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND huyện Tu Mơ Rông kiến nghị giao tổng diện tích 3,75ha khuôn viên Khu di tích để địa phương quản lý và đưa công trình đã đầu tư giai đoạn đầu gần 66 tỷ vào quản lý, khai thác tiềm năng du lịch… Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí tôn tạo các hạng mục giai đoạn 2 và tu bổ, sửa chữa các hạng mục đã bị xuống cấp, đồng thời chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Di tích cấp Quốc gia…

Khu nhà vệ sinh đắp chiếu chờ điện, nước
Khu nhà vệ sinh đắp chiếu chờ điện, nước

Ông A Hơn- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm, Khu di tích được giao về cho huyện quản lý nhưng không có kinh phí nên trước mắt huyện đã phải trích tiền thuê hai người hàng ngày làm công tác chăm sóc, bảo vệ.

Khu di tích lịch sử Cách mạng căn cứ tỉnh Kon Tum có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một địa chỉ đỏ, thu hút rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc. Việc trùng tu, tôn tạo cũng như gìn giữ để lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau là rất cần thiết và cấp bách. Dự án chưa thực hiện xong giai đoạn 2 mà nhìn lại những hạng mục được thực hiện ở giai đoạn 1 đã xuống cấp như vậy thì quả thật quá lãng phí tiền của. Rất mong chủ đầu tư, đơn vị quản lý có biện pháp giám sát về chất lượng công trình, đưa ra giải pháp gìn giữ và phát huy tiềm năng du lịch đúng theo định hướng của huyện.

Bài & ảnh:Võ Hà - Lê Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án tôn tạo Khu di tích Cánh mạng căn cứ Kon Tum: Chưa xong giai đoạn 2, đã phải trùng tu giai đoạn 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO