Trong bài viết Kim Bảng – Hà Nam: Dân khốn khổ vì dự án sân golf nghìn tỷ, báo TN&MT đã phản ánh thông tin liên quan tới quá trình thi công xây dựng sân golf Kim Bảng (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường; làm nứt nhà dân; gây bồi lắng và làm ách tắc dòng chảy của những con suối xung quanh khu vực ... Người dân tại tổ dân phố số 5, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng để phản ánh nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa được giải quyết.
Tại buổi làm việc với chính quyền thị trấn Ba Sao phóng viên được biết, việc vận chuyển đất đá trong khi thi công sân golf Kim Bảng ra bên ngoài là dựa theo văn bản số 1407/UBND – NN & TNMT ngày 2/6/2017 của UBND tỉnh Hà Nam về việc thu hồi, tận dụng lớp đất phủ và thảm thực vật khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, để tăng cường công tác bảo vệ vệ sinh môi trường khi thi công, ngày 15/6/2017, UBND thị trấn Ba Sao đã làm việc với công ty xi măng Vicem Bút Sơn (nhà thầu vận chuyển đất, đá – PV), đề nghị doanh nhiệp thực hiện cam kết phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường vận chuyển.
Những đoàn xe tải nối đuôi nhau chở đất, đá ra khỏi công trường thi công sân golf Kim Bảng |
Chưa hết, ngày 24/7/2017 UBND thị trấn Ba Sao, tổ dân phố số 5 và đại diện công ty xi măng Vicem Bút Sơn tổ chức hội nghị, đề nghị công ty thực hiện các cam kết, tổ chức tưới nước, quét đường, hạn chế thấp nhất bụi bẩn gây ra trên tuyến đường đoạn từ nơi xúc đất đến đoạn qua cầu Suối Ngang. Thời gian vận chuyển từ 6h sáng đến 21h 30 hàng ngày. Thế nhưng cam kết đã không được thực hiện.
Theo biên bản hội nghị làm việc ngày 5/8/2017 giữa đại diện UBND thị trấn Ba Sao, tổ dân phố số 5 với công ty xi măng Bút Sơn và chủ đầu tư dự án là công ty cổ phần golf Trường An, nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị nhà thầu, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng như cam kết.
Ý kiến của ông Lê Văn Hảo, tổ dân phố số 5 được ghi trong biên bản nêu rõ: “Khi làm sân golf, Công ty không thực hiện đúng cam kết, gây ô nhiễm, lụt lội, nhân dân rất bức xúc”. Cũng tại biên bản này, ý kiến của ông Nguyễn Văn Đoạt, đại diện công ty golf Trường An cũng thừa nhận: “Tổ quét dọn thực hiện chưa tốt, công ty rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng xử lý khoảng 70% lượng bùn đất ra đường. Công ty cũng sẽ giám sát công ty xi măng Bút Sơn vận chuyển đất trước khi ra khỏi khu vực”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Văn, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức 3 lần hội nghị, mời hết các hộ dân tổ dân phố số 5 cùng với đại diện một số ban ngành, các đơn vị thi công, chủ đầu tư lên làm rõ việc thực cam kết trong quá trình thi công dự án. Người dân đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng sân golf, tuy nhiên, bà con yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thi công là phải thực hiện ít nhất 70% nội dung đã cam kết. Nhưng thực tế tôi thấy không đảm bảo, cũng thật sự thấy bức xúc. Vừa rồi chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, nhiều xe vào hoạt động nên người dân bức xúc chặn xe, kiến nghị với chính quyền. Nhưng chức năng của chính quyền thị trấn thì có hạn”.
Đất, đá trôi xuống các khe suối làm tắc dòng chảy, vùi lấp một số ngôi mộ của người dân? |
Để rộng đường dư luận, phóng viên báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Đoạt, đại diện chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần golf Trường An. Tại buổi làm việc, ông Đoạt khẳng định, trong những ý kiến mà người dân phản ánh lên cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, có thông tin là chính xác và có thông tin chưa chính xác. “Hiện tượng một số hộ dân bị nứt tường, nứt nhà đã xảy ra từ lâu. Thời điểm đó, chủ đầu tư cũ là Tập đoàn Xuân Trường đã thực hiện việc bồi thường xong cho những hộ dân đó. Giờ người dân cho rằng chúng tôi thi công làm nứt nhà dân là không chính xác” – ông Đoạt nói.
Liên quan tới phản ánh con đường dân sinh chạy ra nghĩa trang bị các đơn vị thi công “chiếm dụng” và làm hư hỏng, ông Đoạt chia sẻ: “Đây vốn là con đường đất thuộc sự quản lý của nhà nước chứ không của riêng ai. Khi thực hiện dự án, chúng tôi đều tuân thủ theo kế hoạch thi công đã được phê duyệt từ trước. Tất nhiên, công ty cũng đáp ứng nguyện vọng của người dân là khi nào thi công xong, chúng tôi sẽ đổ bê tông cho bà con đi cho sạch sẽ. Tổng chiều dài con đường ước chừng 600m”.
Liên quan tới một số bất cập khác như bụi, tiếng ồn, đất đá rơi vãi trên đường, bùn thải ... ông Đoạt cho rằng: “Chúng tôi cảm ơn những ý kiến phản hồi từ người dân và báo chí. Bản thân chủ đầu tư sẽ coi đây là một động lực để tiếp tục giám sát chặt chẽ hơn những nhà thầu thi công trong việc tuân thủ các cam kết bảo vệ môi trường. Còn đối với một số nguyện vọng, yêu cầu của bà con, chúng tôi sẽ ghi nhận và cố gắng thực hiện. Tuy nhiên việc này cần phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương. Chẳng hạn như yêu cầu của bà con muốn chúng tôi khơi rộng lòng suối để việc thoát nước được nhanh hơn. Tuy nhiên nếu chính quyền các cấp không có ý kiến chính thức thì chúng tôi cũng không thể tùy tiện thực hiện được”.
Như vậy là, cả chính quyền địa phương lẫn chủ đầu tư đều có nỗi “khổ tâm” riêng. Ấy nhưng những bất cập thì vẫn còn đó. Vậy ai mới là người có thể “giải cứu” người dân khỏi ô nhiễm, khỏi bùn thải và hàng loạt hệ lụy khác? UBND huyện Kim Bảng hay UBND tỉnh Hà Nam?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Xuân Phương - Nguyễn Hiếu – Phạm Thiệu