Dự án kè hơn 84 tỷ trên sông Hồng vừa ban giao đã đổ sập

11/01/2018 12:50

(TN&MT) - Được đầu tư với tổng số vốn khoảng 84 tỷ đồng, Dự án kè chỉnh trị (nắn dòng) trên sông Hồng (đoạn chảy qua địa bàn xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, Vĩnh...

(TN&MT) - Được đầu tư với tổng số vốn khoảng 84 tỷ đồng, Dự án kè chỉnh trị (nắn dòng) trên sông Hồng (đoạn chảy qua địa bàn xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc và xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) dù mới được bàn giao và đưa vào sử dụng không lâu nhưng tại một số điểm kè đã bị gãy, đổ gập… 

Kè WB6 "oằn mình" kêu cứu

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của nhiều hộ dân thôn 2, 3, 4, 5 xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cùng với khu vực xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội phản ánh về việc tình trạng khai thác khoáng sản gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất đất nông nghiệp sản xuất, đặc biệt nhất là ảnh huởng đến mũi bờ kè thôn 2 và thôn 5 đang ngày đêm "oằn mình" cầu cứu các cơ quan chức năng, trong đó có mũi kè L06 đã bị đổ gãy.

Theo phản ánh, đa số người dân xã Trung Hà (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) ở ven sông Hồng nhiều năm về trước do diện tích đất canh tác bị thu hẹp vì nạn khai thác cát, đất ở bị sạt lở xuống sông nên đã “đội đơn” đi kêu cứu đến các cấp chính quyền cùng các cơ quan chức năng để mong được giải quyết dứt điểm vẫn đề này nhưng cho đến nay vẫn gần như vô vọng.

Ghi nhận phản ánh, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã đến địa điểm thôn 5 xã Trung Hà để tìm hiểu rõ sự việc.
Dự án kè hơn 84 tỷ trên sông Hồng vừa ban giao đã đổ sập… vì khai thác cát trái phép?
Hàng chục chiếc tàu nằm dài chờ đợi tại điểm kè nắn dòng.
Theo đó, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn T (người dân xã Trung Hà) cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc với nạn khai thác cát trên sông, điển hình nhất là khu vực xã Trung Hà, một trong những điểm nóng của huyện Yên Lạc. Ở đây hàng ngày có đến hàng trăm chiếc thuyền qua lại, cùng với việc khai thác cát trái phép khiến người dân chúng tôi vô cùng lo lắng”.

Tương tự, bà Trần Thị H, một người dân tại xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội cũng cho biết: "Tại khu vực mép sông bên xã Tiến Thịnh, phía bên kia là xã Trung Hà, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi được biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép các công ty được khai thác khoáng sản cùng với việc nạo vét khơi thông luồng lạch cho cả 2 bên nhưng bên kia không có cát, bờ bên này các bãi bồi cùng với trữ lượng cát rất nhiều nên họ chỉ tập trung khai thác phía bên này”.

“Cứ cho là họ được phép khơi thông, tận thu nhưng tại sao các công ty này họ không thực hiện theo đúng quy định, họ khai thác cả ngày lẫn đêm, rất nhiều tàu Cuốc, tàu hút cát vô tội vạ, không hề khơi thông dòng chảy mà họ tận thu cạn kiệt, ăn lấn sâu vào đất nông nghiệp của người dân chúng tôi, không chỉ vậy tại các mũi kè hiện nay đã bị đổ sập cùng với việc sạt lở đất nông nghiệp của chúng tôi thì ai là người phải chịu trách nhiệm".

Theo tìm hiểu của PV, Dự án xây dựng kè nắn dòng có tổng mức đầu tư 84.110.125.000 đồng, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư. Sau đó, dự án được giao cho Ban quản lý các dự án đường Thủy - PMU-W (Bộ Giao thông Vận tải) là đại diện chủ đầu tư. Nhà thầu chính là Liên danh Thanh Xuân và Vinacco thực hiện.
Mũi kè L06 thuộc Dự án kè chỉnh trị (nắn dòng) trên sông Hồng gần như đã đổ gãy hoàn toàn.
Mũi kè L06 thuộc Dự án kè chỉnh trị (nắn dòng) trên sông Hồng gần như đã đổ gãy hoàn toàn.

Mục tiêu của việc xây dựng dự án này nhằm chỉnh trị dòng chảy, nắn dòng chảy ra giữa để thực hiện việc bồi lấp tự nhiên, tránh tình trạng sạt lở đất nông nghiệp và bảo vệ hành lang an toàn đê tả sông Hồng, trên địa bàn 2 xã Trung Hà và Tiến Thịnh.

Dự án có tất cả 6 mũi kè, thứ tự là L01, L02, L03, L04, L05 và L06, với thứ tự độ dài của bờ kè chạy thẳng từ trong bờ ra ngoài lòng sông là: 799.64m, 501.21m, 319.15m, 192.4m, 151.73m, và 211.42m.

Theo thiết kế công trình thì mũi kè L06 có tổng chiều dài là 211.42m, kết cấu mỏ hàn chỉnh trị dạng bê tông cốt thép, có dầm mũ bằng bê tông cốt thép kết hợp đá đổ: Chiều cao tới đỉnh kè là +9,5 mét; cọc bê tông cốt thép có kích thước tiết diện cọc là 40 cm x 40 cm. Bước cọc theo phương dọc kè 1 hàng cọc a=1,2m: 2 hàng cọc a=1.5m. Bước cọc theo phương ngang kè: a=1.2m. Độ xiên cọc chống 6:1.

Lăng thể đá: Chiều rộng đỉnh 3 m, mái dốc thượng lưu m=1,5m, mái dốc hạ lưu m=2. Cao trình đỉnh tại gốc kè +9,5m. Cao trình đỉnh tại mũi kè: +1.0m.

Phạm vi, kết cấu chống xói: Phạm vi chống xói thượng lưu thân kè là 6m. Phạm vi chống xói hạ lưu thân kè là 12m. Kết cấu chống xói: bằng thảm đá (khung thép bọc nhựa PVC), kích thước 6m x 2m x 0.3m, và rọ tre kích thước 1,5m x 1m x 0,3m.

Đá hộc lõi kè là 10 – 100kg/viên lớp dưới, cao trình +0,3m; Đá lát lớp trên D>35 dày 70cm. Đầu kè phía thượng lưu kết cấu: Vải đại kỹ thuật, đá dăm 4x6 dày 20cm, đá hộc loại D>35 dày 50cm.

Với tổng số vốn đầu tư xây dựng là hơn 84 tỷ đồng, cùng thiết kế theo những quy chuẩn như trên. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại mũi kè L06 thuộc Dự án kè chỉnh trị (nắn dòng) trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Tiến Thịnh (Mê Linh, Hà Nội), toàn bộ mũi kè L06 với tổng chiều dài 211.42m từ bờ chạy thẳng ra sông đã bị gãy, đổ gập hoàn toàn.

Kè gãy sập do… khai thác cát trái phép?

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng phòng Quản lý 2 - Ban Quản lý các dự án đường Thủy (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, mục đích của Dự án này nhằm chỉnh trị dòng chảy, tạo luồng cho chảy ra giữa dòng sông, tránh tình trạng sạt lở bờ sông và đe dọa an toàn đê tả sông Hồng, bảo đảm cho giao thông đường thủy được thuận tiện. 

Tuy nhiên, ông Thưởng cũng thừa nhận trong thời gian khoảng 1 năm trở lại đây, tại vị trí này luôn trọng tình trạng báo động đỏ về hoạt động khai thác cát, quá trình kè này phát huy tác dụng là thời điểm cát được bồi lấp.

“Tại đây, do cát đẹp nên việc kiểm soát hoạt động khai thác cát là điều vô cùng khó khăn và cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng đổ kè…”, ông Thưởng cho biết.

Cũng theo ông Thưởng, tại các điểm xen giữa các mũi kè, có nhiều bãi tập kết cát của nhiều hộ kinh doanh cát sỏi trên địa bàn. “Họ nạo vét khối lượng cát tại đó nhằm mục đích đưa tầu vào tập kết hàng hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự việc trên”, vị này cho hay.
Điểm mỏ khai thác trên sông Hồng của Công ty CP Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô
Điểm mỏ khai thác cát trên sông Hồng của Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô nhìn từ trên cao.

Trong khi đó, để làm rõ việc vì sao mũi kè số L06 bị đổ sập dù mới được đưa vào sử dụng, PV cũng đã có buổi làm việc với đại diện Hạt Quản lý đê điều huyện Mê Linh.

Theo đó, ông Nam - Hạt phó Hạt Quản lý đê điều huyện Mê Linh cho biết: "Sau khi biết được dự án WB6 này triển khai vào khoảng tháng 2/2014, mũi kè này khi mới làm xong thì đã bị đổ rồi, nếu xét về góc độ quản lý thì Hạt quản lý đê điều cũng phải giám sát dự án này theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình bắt đầu khởi công đến sau khi thi công xong thì ngay từ đầu chúng tôi cũng đã chủ đầu tư cung cấp hồ sơ liên quan đến công trình này để giám sát nhưng không được cung cấp”.

Theo ông Nam, trong quá trình triển khai thi công, Hạt quản lý đê điều huyện Mê Linh chỉ giám sát theo góc độ bằng hình ảnh và bằng mắt thường, không nắm được hồ sơ để giám sát, tất cả mọi khâu nghiệm thu liên quan đến công trình thì Hạt quản lý đê đều không được mời đến và cho đến khi sử dụng cũng không bàn giao gì cho Hạt quản lý đê điều.

Theo tìm hiểu của PV, liên quan đến việc khai thác cát thì trên địa bàn xã Trung Hà (Vĩnh Phúc) đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp là Công ty Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô và Công ty TNHH An Viên, khai thác cát trên sông Hồng làm vật liệu xây dựng thông thường.

Cụ thể, ngày 25/5/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Giấy phép số 1346/GP-UBND (thời hạn 12 năm) về việc cho phép Công ty CP Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô khai thác cát sông Hồng (khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) thuộc xã Trung Hà, diện tích 32,57 ha, mức sâu khai thác đến có +2,5m; trữ lượng công suất khai thác, sản lượng khai thác 30.000 m3/năm; mức sâu đến cao trình tuyệt đối cost + 2,5m; trữ lượng khai thác 803.935 m3 và công suất khai thác 84.000 m3/năm.
Điểm mỏ khai thác trên sông Hồng của Công ty TNHH An Viên.
Điểm mỏ khai thác cát trên sông Hồng của Công ty TNHH An Viên nhìn từ trên cao.

Tại Giấy phép số 1907/GP-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho Công ty TNHH An Viên ngày 14/7/2015, cho phép doanh nghiệp này khai thác cát trên sông Hồng làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ xã Trung Hà, diện tích 3,6 ha; công suất khai thác là 21.000 m3/năm; thời gian thực hiện là 5 năm bắt đầu từ ngày được cấp phép.

Liên quan đến việc khai thác cát của 2 công ty này, PV cũng đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Nhặt - Phó Chủ tịch xã Trung Hà.

Theo đó, ông Nhặt xác nhận hiện nay trên địa bàn xã Trung Hà có 2 công ty đang thực hiện khai thác khoáng sản đó là Công ty Hoàng Phát Thủ Đô và Công ty TNHH An Viên.

“Vừa qua, qua các cuộc họp cùng với những lần kiểm tra thì chúng tôi được biết 2 công ty này vẫn đang khai thác đúng quy định chung với giấy phép được cấp, nhưng liên quan đến đơn thư hay phản ánh của người dân với nội dung thế nào thì chúng tôi không quan tâm vì việc họ khai thác như vậy thì qua kiểm tra chúng tôi chỉ biết rằng họ đang làm đúng theo quy định”, ông Nhặt nói.

Ghi nhận ý kiến của vị Phó chủ tịch, PV đề nghị được tiếp cận các biên bản liên quan đến việc kiểm tra giám sát khai thác của 2 công ty này thì ông Nhặt cho biết do chưa được sự đồng ý của Chủ tịch và cũng không nắm được nên từ chối cung cấp thêm.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án kè hơn 84 tỷ trên sông Hồng vừa ban giao đã đổ sập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO