Dự án KĐT biển Tiên Trang (Thanh Hóa): Chậm tiến độ, nhiều khuất tất trong đền bù, tái định cư

20/10/2018 21:51

(TN&MT) – Đã 10 năm trôi qua, khu du lịch biển Tiên Trang tại 3 xã ven biển huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vẫn nằm trên giấy. Dự án cũng có nhiều bất cập trong việc đền bù, tái định cư, mượn đất nông nghiệp khiến người dân liên tục khiếu kiện, khiếu nại suốt nhiều năm.  

Dự án Khu du lịch biển Tiên Trang do Công ty TNHH SOTO (Công ty SOTO) làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 100,9ha nằm dọc đường bờ biển dài 2,5km thuộc địa phận ba xã: Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Thạch. Đây là dự án khu du lịch sinh thái biển tổng hợp, được quy hoạch xây dựng các khu chức năng gồm: Khu dân cư, biệt thự, trung tâm thương mại, khu vui chơi- giải trí sinh thái...
 

Sau 10 năm dự án vẫn dang dở, chưa đưa vào hoạt động.
Sau 10 năm dự án vẫn dang dở, chưa đưa vào hoạt động.


Dự án Khu du lịch biển Tiên Trang được chia làm 2 dự án: Dự án Khu du lịch thể thao sinh thái Tiên Trang được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 tại các xã Quảng Lợi, Quảng Lĩnh và Quảng Thạch, diện tích 427.000 m2 chủ yếu là đất nông, lâm nghiệp ven biển và Dự án Khu đô thị du lịch biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái theo Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 2/3/2011, diện tích 448.631m2.
 

Như vậy, quyết định số 616/QĐ-UBND chỉ về việc chuyển đổi, giao đất để Cty SoTo xây dựng hạ tầng thực hiện dự án đô thị du lịch biển Tiên Trang. Đồng nghĩa với việc, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có một văn bản nào khác liên quan đến việc giao cho Cty SoTo quỹ đất ở, hay đất ở nhà liền kề để phục vụ cho việc cấp đất cho các hộ gia đình thuộc dạng TĐC.
 

Cty SoTo rào đường ra biển, khiến hàng trăm ngư dân bức xúc.
Cty SoTo rào đường ra biển, khiến hàng trăm ngư dân bức xúc.

Thế nhưng, trong quá trình giải phóng mặt bằng, Cty SoTo đã tự ý bố trí tái định cư cho các hộ dân trên đất chưa có quy hoạch đất ở, có những hộ đã giao đất nhưng đến nay chưa nhận được đất TĐC.
 

Một người dân xã Quảng Lợi phản ánh: “Cty SOTO thường gây khó dễ, bịt lối, rào đường của người dân đi ra biển, hiện tại chỉ còn 1 con đường đi ra biển do người dân đấu tranh mãi mới giữ được khiến chúng tôi rất bức xúc. Cty SOTO còn múc đất rừng phòng hộ mang đi nơi khác san lấp làm thay đổi hiện trạng môi trường biển khiến khi bão lũ về gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Nhiều hộ dân tái định cư ở ổn định gần chục năm nay nhưng không làm được sổ đó, do cty SoTo tự ý bố trí tái định cư vào đất lâm nghiệp.”.
 

Khi mới triển khai dự án, chính quyền và người dân hồ hởi, phấn khởi vì môt dự án được đầu tư quy mô, hoành tráng sẽ thay đổi bộ mặt, phát triển du lịch biển của các xã ven biển huyện Quảng Xương suốt bao nhiêu đời chỉ biết ra khơi đánh bắt. Thế nhưng, những mục tiêu, phương châm trên vẫn chỉ là trên giấy tờ. Sau 10 năm trời kể từ khi dự án được duyệt, nơi đây mới chỉ có một khu quảng trường xây dựng dang dở, còn trơ cả bê tông, cốt thép, cỏ mọc um tùm và vài ba điểm kinh doanh dịch vụ. Từng khoảng đất rừng phòng hộ đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hạng mục đầu tư; nhân lực chỉ xuất hiện lác đác một vài người, máy móc gần như không hoạt động.
 

Cty SoTo mượn đất nông nghiệp của dân làm bãi tập kết vật liệu, thế nhưng hết thời hạn vẫn không trả lại đất
Cty SoTo mượn đất nông nghiệp của dân làm bãi tập kết vật liệu, thế nhưng hết thời hạn vẫn không trả lại đất

Trước thực trạng trên, đầu năm 2017, UBND huyện Quảng Xương đã làm việc với Công ty SOTO và có kết luận về việc chủ đầu tư triển khai dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch của địa phương; chưa đầu tư các hạng mục hạ tầng theo quy hoạch; chưa đầu tư hình thành các khu chức năng, nhà nghỉ… để phục vụ du lịch; các công trình để phục vụ khu du lịch hầu như không có gì. Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh yêu cầu Công ty SOTO tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà soát lại dự án, cả về quy mô, tiến độ và cam kết thời gian thực hiện.
 

Ông Hoàng Công Đương- Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết, huyện cũng đã phối hợp với chính quyền các xã, chủ đầu tư cùng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; đến hết tháng 5/2017, đã giải phóng gần 90% diện tích. Đồng thời, Công ty SOTO mới khởi công xây dựng tuyến đường trục chính ven biển...
 

Ngoài ra, người dân vô cùng bức xúc phản ánh về việc Cty SoTo trong quá trình triển khai DA đã tự ý tập kết cát trên đất lúa của nhiều hộ gia đình ngoài phần diện tích 2,55 heta được tỉnh chấp nhận theo văn bản số11336/UBND–CN. Như trường hợp của ông Lê Xuân Từ thôn Lộc Tại, xã Quảng Lợi có thửa  đất số 08, diện tích là 500m² (Giấy nhận số  03572/QSDĐ/2185/QĐ-UB, ngày 30/9/2004 của UBND huyện Quảng Xương). Năm 2007 gia đình ông chuyển nhượng cho ông Hải - giám đốc công ty SoTo với giá 8 triệu đồng, mục đích sử dụng làm đất lúa, thời gian chuyển nhượng đến tháng 6/2013. Thế nhưng khi hết thời hạn hợp đồng, ông Hải vẫn không trả lại đất cho hộ ông Từ. Gia đình ông liên tục làm đơn kiến nghị gửi lên các cấp chính quyền nhưng tới nay vẫn không được trả lại đất để sản xuất.
 

Việc chậm tiến độ tại dự án Khu đô thị biển Tiên Trang, cũng như nhiều khuất tất trong đền bù, tái định cư mượn đất nông nghiệp khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc và liên tục khiếu kiện và chờ đợi câu trả lời từ các ngành chức năng.                                                                                                                            
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án KĐT biển Tiên Trang (Thanh Hóa): Chậm tiến độ, nhiều khuất tất trong đền bù, tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO