Dự án JICA 2: Môi trường Vịnh Hạ Long sẽ tốt hơn

14/09/2016 00:00

(TN&MT) - Nhằm hỗ trợ Quảng Ninh giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã triển khai các hoạt động như:...

(TN&MT) - Nhằm hỗ trợ Quảng Ninh giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã triển khai các hoạt động như: Trồng rừng ngập mặn, vận động giáo dục về môi trường cho người dân Vịnh Hạ Long, hỗ trợ tàu vận chuyển rác thải trên Vịnh… Trong đó, Dự án cơ sở JICA giai đoạn 2 (Dự án JICA 2) bắt đầu từ tháng 10/2013 đến 9/2016, với tổng số vốn được tài trợ là 60 triệu Yên, được đánh giá là giải pháp bền vững, có tác động lâu dài, qua đó, góp phần gìn giữ và nâng cao giá trị Di sản.
 
 Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Quảng Ninh
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Quảng Ninh
 
Dự án cơ sở JICA 2 thực hiện với hai nội dung trọng tâm: Thiết lập một hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên Vịnh Hạ Long sử dụng nhiên liệu sinh học về bờ xử lý, xây dựng mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Như vậy, thay vì dùng loại xăng truyền thống, tháng 9/2015, Dự án cơ sở JICA 2 đã bàn giao 1 tàu thu gom vận chuyển rác thải trên Vịnh Hạ Long chạy bằng 100% nhiên liệu sinh học (Tàu môi trường Hạ Long xanh - PV) cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. 
 
Tàu môi trường Hạ Long xanh được thực hiện thử nghiệm vận chuyển rác bằng đường biển với điểm xuất phát từ cảng Vinashin đến thu gom rác thải tại khu vực Vung Viêng, Cống Đỏ, Vụng Ong, sau đó, di chuyển về bờ để chuyển rác thải cho đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý rác. Qua đó, dự án đã tìm ra phương án vận chuyển tối ưu, đồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn việc vận chuyển rác thải bằng đường biển. Cùng với đó, Dự án đã hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
 
Ngoài việc tiết kiệm nguồn dầu mỏ tự nhiên, nhiên liệu sinh học còn là loại năng lượng ít tiêu cực tới môi trường cũng như sức khỏe con người. Bởi, nhiên liệu sinh học là loại năng lượng không sử dụng phụ gia chì như loại xăng truyền thống. Thay vào đó, một số chất lỏng được tinh chế từ các nguồn vật liệu tự nhiên như chất béo động vật, tinh bột, chất xơ... sẽ được pha chế với xăng tự nhiên để thay thế. Vì vậy, Dự án cơ sở JICA giai đoạn 2 cũng tiến hành trồng thử nghiệm các loại cây lấy dầu như: Jatropha, trẩu, sở và thông pongamia pinatas tại bãi thải của Công ty CP Than Núi Béo. Việc trồng các loại cây chứa tinh dầu này nhằm mục tiêu hoàn nguyên môi trường, phủ xanh các bãi thải sau khai thác than; ngăn ngừa lượng nước chứa nhiều kim loại nặng từ đây chảy ra Vịnh. 
 
Đồng thời, từ các loại cây này chiết xuất ra dầu, có thể pha trộn với dầu diesel để tạo ra loại nhiên liệu sinh học sạch phục vụ cho hệ thống tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Hiện có hơn 600 tàu du lịch thường xuyên hoạt động trên Vịnh, lượng khí thải từ các tàu đã gây ô nhiễm không nhỏ tới môi trường không khí nói chung, môi trường của Vịnh Hạ Long nói riêng. Vì vậy, việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng dầu sinh học cho các tàu hoạt động trên Vịnh Hạ Long sẽ là một giải pháp tích cực nhằm bảo vệ môi trường Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, góp phần phát triển bền vững, phù hợp với kế hoạch, hành động tăng trưởng xanh của tỉnh.
 
Song song, Dự án cũng tăng cường hoạt động trồng rừng ngập mặn trên Vịnh Hạ Long. Trong 3 năm (2013 - 2016), Dự án đã tiến hành trồng trên 3.500 cây đước, sú... các loại, góp phần cải thiện đáng kể môi trường sinh thái. Không chỉ vậy, Dự án đã mở các lớp học giáo dục môi trường tại Trường Tiểu học và THCS Hùng Thắng; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thiết kế và phát 4.000 tờ rơi về môi trường Vịnh Hạ Long; tổ chức 3 chuyến tập huấn cho 30 cán bộ Quảng Ninh tại TP Sakai, Osaka về bảo vệ môi trường... Đặc biệt, JICA cũng hướng tới giáo dục thế hệ trẻ, lực lượng chủ đạo trong việc bảo vệ môi trường. Do đó, Dự án đã phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng thành công bộ tài liệu giáo dục môi trường cho học sinh từ tiểu học đến THPT. Theo đó, học sinh được học bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất, về tầm quan trọng của việc đo chất lượng nước và cách sử dụng dụng cụ đo, xử lý triệt để nước thải.
 
Ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: Qua việc tham gia Dự án, thầy, cô giáo và học sinh đã được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa về bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Từ đây, chúng tôi cũng hình thành đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt để hướng dẫn, giáo dục công tác bảo vệ môi trường trong các trường học trên địa bàn TP. Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Chúng tôi hy vọng rằng, Dự án tiếp tục được mở rộng để Quảng Ninh có thể học tập những tiến bộ KHKT về bảo vệ môi trường, đồng thời mở rộng giao lưu hợp tác văn hóa Nhật - Việt.
 
Ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, cho biết: Qua 3 năm (2013 - 2016) triển khai, Dự án cơ sở JICA giai đoạn 2 đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long xanh - sạch - đẹp. Bằng nhiều hoạt động đã và đang triển khai có thể khẳng định, Dự án không chỉ phù hợp với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh, mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường trên Vịnh Hạ Long nói riêng. 
 
Đồng thời, là cầu nối cho mối quan hệ ngoại giao giữa 2 tỉnh Quảng Ninh và Sakai ngày càng gắn bó, chặt chẽ hơn. Với trách nhiệm là đơn vị cầu nối và trực tiếp hưởng thụ những kết quả của Dự án, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những thành quả mà Dự án mang lại, đồng thời, mong muốn các bên liên quan, cơ quan đối tác tiếp tục quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, cùng đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn Dự án JICA tiếp tục nghiên cứu ứng dụng KHKT xử lý rác thải, trồng cây lấy dầu làm nhiên liệu sinh học tại Quảng Ninh.
 
Tường Vi - Lê Xuân
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án JICA 2: Môi trường Vịnh Hạ Long sẽ tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO