Dự án của Tập đoàn Trung Nguyên "treo", dân khổ trăm bề

22/03/2016 00:00

(TN&MT) - Hàng chục héc-ta đất "vàng" giữa lòng thành phố trở thành nơi tập kết rác, bị khai thác đất trái phép; hàng chục hộ dân trong khu quy hoạch phải sống...

 

(TN&MT) - Hơn 6 năm kể từ ngày được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Cty Trung Nguyên) vẫn bị “treo”. Kéo theo đó, hàng chục héc-ta đất “vàng” giữa lòng thành phố trở thành nơi tập kết rác, bị khai thác đất trái phép; hàng chục hộ dân trong khu quy hoạch phải sống lay lắt vì chịu cảnh ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch...

Gần 20 hộ dân ở tổ dân phố 1 (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đang phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn.
Gần 20 hộ dân ở tổ dân phố 1 (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đang phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn.

Đất vàng thành…bãi rác

Vào năm 2009, Cty Trung Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương và phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái Suối Xanh trên quy mô 45,45ha với tổng vốn đầu tư khoảng 2.128 tỷ đồng. Với mục đích tạo nên khu vui chơi lành mạnh, mang đậm màu sắc văn hóa Tây Nguyên; tạo việc làm cho người lao động; thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển... UBND tỉnh Đắk Lắk đã chọn 1 doanh nghiệp địa phương và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm từ ngày dự án được phê duyệt, Cty Trung Nguyên vẫn chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng và cũng chưa triển khai đầu tư bất kỳ hạng mục nào trong số 15 hạng mục của dự án.

Sáng 22/3, PV Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường có mặt tại khu vực để dự án khu du lịch Suối Xanh. Sau tấm bảng to đùng được quy hoạch chi tiết không gian kiến trúc cảnh quan của dự án nằm ngay mặt đường Nguyễn Đình Chiểu là một bãi đất bằng phẳng, đã được bê-tông hóa và cho một nhà hàng gần đó thuê làm bãi giữ xe. Qua khu vực này không xa, đập vào mắt chúng tôi là một bãi đất ngập rác thải với mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bay tứ phía. Theo phản ánh của các hộ dân sống xung quanh, hễ vào mùa nắng nóng là ruồi muỗi xuất hiện rất nhiều, thường xuyên bay vào nhà cửa của họ. Còn vào mùa mưa, nước chảy xuống con đường đi lại của gần 20 hộ đen xì, rất mất vệ sinh.

Tiếp tục tiến sâu vào bên trong khu đất thực hiện dự án, chúng tôi thêm bất ngờ vì sự xuất hiện nhiều vết xe tải. Lần theo vết xe, một vùng đất tương đối rộng được múc tương đối sâu hiện ra trước mắt chúng tôi. Một người dân cho biết, vào trước Tết Nguyên đán 2016, một nhóm người đã đưa máy móc, ô tô tải vào khu vực trên múc hàng chục xe đất đưa đi. Người dân không biết họ đào đất để làm gì nhưng việc múc đất, vận chuyển đất gây ra bụi bặm, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ nên đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương.

Ông Trần Đăng Bắc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lợi, xác nhận: “Vào thời điểm cận Tết, 1 người dân trên địa bàn đã “tự ý” đưa máy móc, phương tiện vào khu vực trên khai thác đất. Sau khi nắm bắt được sự việc, phường đã cho người xuống ngăn chặn kịp thời, đưa phương tiện về trụ sở và báo cáo sự việc lên cấp trên để xử lý theo thẩm quyền”.

Cũng theo ông Bắc, do dự án không triển khai nên nhiều năm nay, một phần đất nhỏ trong khu quy hoạch đã bị biến thành... bãi rác thải. Phần lớn diện tích đã thực hiện giải phóng mặt bằng thuộc chương trình hỗ trợ đất sản xuất cho người đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn trong thành phố nên người dân đồng lòng trả lại để thực hiện dự án. Nhưng nhiều năm dự án không triển khai, thấy đất bỏ hoang nên người dân đã “tranh thủ” trồng một số cây ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập.

Nhà cửa bị hư hỏng, xuống cấp nhưng người dân không dám đầu tư sửa chữa, nâng cấp vì thuộc vùng đã quy hoạch dự án
Nhà cửa bị hư hỏng, xuống cấp nhưng người dân không dám đầu tư sửa chữa, nâng cấp vì thuộc vùng đã quy hoạch dự án

Cuộc sống của dân “treo” cùng dự án

Dự án khu du lịch Suối Xanh “treo” trong suốt 6 năm đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của những hộ dân có nhà cửa, đất đai trong vùng quy hoạch.

Chị Nguyễn Thị Thảo (khối 1, TDP1, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), chia sẻ: “Gia đình tôi mua đất rồi xây nhà, sinh sống ổn định ở đây từ những những năm 1990. Khi dự án được quy hoạch, cán bộ đã nhiều lần xuống đo đạc nhưng từ đó đên nay chẳng thấy động tĩnh gì. Đất đã quy hoạch nên không thể làm sổ đỏ, nhà cửa hư hỏng cũng chẳng dám đầu tư sửa chữa, nâng cấp vì sợ họ thu hồi lúc nào chẳng biết”.

Không chỉ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực này cũng không được đầu tư vì dự án đã được quy hoạch. Con hẻm đầu đường Nguyễn Đình Chiểu có hàng chục hộ dân sinh sống nhưng đường vào rất khó khăn, lởm chởm đất đá. Gần 20 hộ dân ở khối 1 (TDP1, phường Tân Lợi) không có nước máy để sinh hoạt, họ buộc phải sử dụng nguồn nước giếng có nguy cơ bị ô nhiễm vì rò rỉ nước thải từ hệ thống xử lý của Bệnh viện đa khoa TP. Buôn Ma Thuột vốn đã xuống cấp, nằm cách đó không xa. Bên cạnh đó, họ phải chung tiền của để mua dây, dựng cột tạm để kéo đường điện hơn 200m từ đầu đường về dùng.

Chị Đào Thị Hà (cùng ở khối 1), chia sẻ: “Chúng tôi sống giữa lòng thành phố mà thiếu nước, ruồi muỗi bay khắp nhà các chú à! Mùa mưa thì con đường lầy lội, đất đá tràn cả vào trong nhà. Họ có làm hay không thì thông thì cho dân chúng tôi biết chứ cứ sống thiếu thốn, tạm bợ thế này thì khổ lắm!”.

Trong lúc dự án chậm triển khai, một người dân đã đưa máy móc vào múc hàng chục xe đất đưa ra ngoài
Trong lúc dự án chậm triển khai, một người dân đã đưa máy móc vào múc hàng chục xe đất đưa ra ngoài

Ông Trần Đăng Bắc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lợi, cho biết: “Những năm gần đây, người dân ở khu vực trên thường xuyên có ý kiến về vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc cử tri của phường và thành phố. Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án đã được phê duyệt trước đó. Nếu không thực hiện được thì cũng xem xét hướng giải quyết thích hợp để đảm bảo quyền lợi cho những người dân trên địa bàn”.

Theo bà Nguyễn Thị Trương - Phó phòng Quản lý quỹ đất (Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột), thời gian gần đây, trung tâm có nghe thông tin dự án khu du lịch Suối Xanh sẽ khởi động lại nhưng hiện vẫn chưa thấy chủ đầu tư có động tĩnh gì. Về các hộ dân có nhà cửa, đất đai trong khu vực thực hiện dự án, bà Trương cho biết chủ đầu tư mới chỉ thuê người xuống đo đạc, chưa xây dựng phương án đền bù chi tiết. Khi nào thực hiện, trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền xuống xác minh cụ thể, chi tiết để đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, ngoài dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh, Cty Trung Nguyên còn có 1 dự án khác tại phường Tân Lợi là dự án Nhà khách Trung Nguyên (phê duyệt từ tháng 6/2014) với quy mô 5,9ha và vốn đăng ký khoảng 139 tỷ đồng. Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu Cty Trung Nguyên tích cực đẩy nhanh tiến độ, có văn bản cam kết hoàn tất các thủ tục trước ngày 31/12/2015, khởi công xây dựng trong tháng 1/2016 nhưng hiện dự án vẫn nằm “treo”.

Bài & ảnh: Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án của Tập đoàn Trung Nguyên "treo", dân khổ trăm bề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO