Dự án cơ sở giết mổ ở Hương Trà - Thừa Thiên Huế: Đừng vì doanh nghiệp mà đánh đổi môi trường!

18/08/2017 00:00

(TN&MT) - Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn giao cấp dưới tiếp tục vận động bà con để thực hiện Dự án cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phía Bắc tại phường Hương An (Thị xã Hương Trà), dù cho người dân đưa ra những ý kiến trái chiều...

Một trang trại của người dân nằm trong khu vực dự kiến xây dựng lò mổ
Một trang trại của người dân nằm trong khu vực dự kiến xây dựng lò mổ

Thực tế thời gian qua, trong quá trình triển khai các dự án giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, do nhà đầu tư không đủ điều kiện nên đa phần các lò giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn vệ sinh và môi trường. Hệ lụy là các cơ sở giết mổ tập trung như ở Xuân Phú, Hương Sơ (TP. Huế)... ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Dân phản đối dữ dội

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, trong khi chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa tham vấn ‎ý kiến người dân... nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phía Bắc tại phường Hương An (Thị xã Hương Trà).

Theo tìm hiểu, dự án có tổng vốn đầu tư gần 59 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm do Công ty Cổ phần Cung ứng thực phẩm An Thịnh làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng khoảng 5ha, trong đó giai đoạn 1 sử dụng 3 ha và giai đoạn 2 là 2 ha. Dự án chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 công suất thiết kế 2.000 con lợn, 100 con bò và 5.000 con gia cầm/ngày; giai đoạn 2 dự kiến đầu tư sau năm 2020. Công trình dự kiến khởi công vào quý III/2017 và đầu năm 2018 sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Khi biết được chủ trương này, hàng trăm người dân thôn Bồn Trì (phường Hương An) đã bức xúc và đồng loạt ký đơn gửi lên tận Bộ TN&MT và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phản đối dự án.

Đơn kiến nghị của người dân thôn Bồn Trì gửi lên Bộ Tài nguyên & Môi trường; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Đơn kiến nghị của người dân thôn Bồn Trì gửi lên Bộ Tài nguyên & Môi trường; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo đó, người dân cho rằng không chỉ lấy đi diện tích đất nông nghiệp của người dân mà dự án đặt sát miếu Khai Canh (nơi thờ người có công lập làng), nơi người dân tập trung thờ cúng, sinh hoạt cộng đồng trong các sự kiện trọng đại của làng vào các dịp lễ, tết. Ở đây, còn có mồ mả tổ tiên ông bà, là nơi nhiều gia đình đang sống, nuôi trồng và sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở trên sẽ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của nhân dân cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của rất nhiều hộ dân trong vùng...

Bà Trần Thị Thuỷ (thôn Bồn Trì) bức xúc: “Việc xây dựng cơ sở giết mổ ngay trên đầu làng sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và cuộc sống của người dân do khu vực này không có dòng sông nào chảy qua, không có hồ lớn; khi xả thải giết mổ động vật sẽ gây tù đọng, mùi hôi thối phát tán vào không khí và ô nhiễm môi trường”.

Mặt khác, người dân cũng cho rằng, vị trí xây dựng cơ sở giết mổ nằm trên đất sản xuất của nhân dân, nằm ngay đầu làng, là vùng trũng hứng nước của 7 con suối đổ về. Khi mùa đông đến gây ngập úng cánh đồng từ 3-4 tháng; đồng thời là nơi đầu ngọn gió thổi sẽ mang theo các mùi hôi thối và mầm dịch bệnh vào làng...

“Cả nhà tôi bao năm nay sống nhờ vào 1,5 mẫu ruộng nằm bên khu đất mà dự án được phê duyệt, nếu xây lò mổ ở đây thì không những không khí bị ô nhiễm mà mùa mưa đến chất thải tràn vào gây hại cho cây trồng, chúng tôi sẽ sống bằng gì?”- ông Nguyễn Đăng Cường (48 tuổi, thôn Bồn Trì) chia sẻ.

Nhiều chữ ký của người dân trong thôn để phản đối dự án
Nhiều chữ ký của người dân trong thôn để phản đối dự án

Đánh đổi môi trường vì doanh nghiệp, liệu có nên?

Liên quan đến sự việc xây dựng lò mổ nêu trên, PV được biết UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở NN&PTNT phối hợp cùng UBND Thị xã Hương Trà họp với địa phương và người dân để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, tại cuộc họp này đã có nhiều ý kiến không đồng tình với việc triển khai thực hiện dự án.

Những tưởng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những điều chỉnh nhằm đảm bảo môi trường sống cho người dân; thế nhưng, tại cuộc họp ngày 18/7 vừa rồi, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch tỉnh khi chủ trì họp vẫn kết luận: Giao Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và UBND Thị xã Hương Trà tuyên truyền vận động người dân đồng thuận chủ trương để chủ đầu tư triển khai dự án.

Trước thông tin trên, nhiều người dân đã vô cùng bức xúc và cho rằng chính quyền thay vì bảo vệ người dân thì lại quay sang ủng hộ doanh nghiệp. Nhiều người cho biết sẽ phản đối đến cùng, thậm chí, ra Trung ương để khiếu nại bởi khu đất được chọn ngoài việc là phần đất ít ỏi còn lại của bà con để trồng lúa còn được ví như long mạch của làng (có 7 khe nước chảy xuống, có miếu Khai Canh...), nên việc xây dựng nhà máy giết mổ gia súc ở đây không những không có đường thoát nước thải mà còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự tôn kính…

“Bà con mong muốn chính quyền đưa dự án ra xa khu dân cư hoặc đưa vào các cụm, khu công nghiệp tập trung có hệ thống xử l‎ý nước thải để đảm bảo môi trường, chứ cố làm cho bằng được trong khu dân cư thì khác gì bức tử người dân”- ông Châu Văn Hoạch, Đội trưởng Đội sản xuất thôn Bồn Trì cho hay.

“Chính quyền cần xem xét lại, đừng đưa người dân vào thế phải đối đầu với chính quyền bởi môi trường là yếu tố sống còn không chỉ của bà con Bồn Trì mà của cả đất Kinh thành này”, một vị cao niên nói.

 

Khu vực dự kiến sẽ xây lò mổ (ảnh) khiến người dân bất an, phản đối... vì ảnh hưởng đến đời sống của họ
Khu vực dự kiến sẽ xây lò mổ (ảnh) khiến người dân bất an, phản đối... vì ảnh hưởng đến đời sống của họ

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Vang thông tin, theo chiều dài Sở TN&MT đã đo đạc, so với quy định 500m thì vị trí này cách khu dân cư 650m. Nếu nói cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư, gần đình làng, gần miếu thờ dân gian... thì qua kiểm tra thực địa không phải như vậy?.

Theo ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong vòng 3 năm tới, nếu Huế không có cơ sở giết mổ hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường thì tình trạng giết mổ nhỏ lẻ sẽ càng phát triển, ảnh hưởng đến môi trường. Việc đầu tư cơ sở giết mổ trên khiến người dân băn khoăn là đúng bởi lâu nay, đa phần các cơ sở chăn nuôi, giết mổ luôn “đi kèm” hình ảnh ô nhiễm môi trường trong suy nghĩ nhiều người.

“Dự án cần khẩn trương hoàn thành đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở giải đáp những vấn đề người dân quan tâm. Qua đó, tiếp tục vận động người dân trên cơ sở pháp lý, hợp lý, hợp tình. Đồng thời, nếu bà con chưa có điều kiện đi tham quan thì sẽ trình chiếu hình ảnh, phim về quy trình xử lý môi trường, chất thải... để bà con hiểu”- ông Thọ giải trình.

Thiết nghĩ, phát triển kinh tế là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn là môi trường sống của người dân phải được đảm bảo. Trước lo lắng của người dân Bồn Trì và nhãn tiền từ những dự án đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác mà tỉnh Thừa Thiên Huế phải xử lý như các cơ sở giết mổ ở Xuân Phú, Hương Sơ (TP. Huế), nên chăng chính quyền tỉnh cần tỉnh táo lựa chọn địa điểm thích hợp để triển khai dự án, tránh “đưa dân vào thế phải đối đầu”.

Nghị Định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường quy định: Dự án xây dựng cơ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có công suất từ 200 gia súc/ngày trở lên và từ 3000 gia cầm/ngày trở lên phải đánh giá tác động môi trường.

Tại Thông tư 27/2015/NĐ-CP quy định việc đánh giá tác động môi trường phải lấy‎ kiến tham vấn của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Vậy nhưng ở đây quy định trên đã chưa được thực hiện.

Bài & ảnh: Thế Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án cơ sở giết mổ ở Hương Trà - Thừa Thiên Huế: Đừng vì doanh nghiệp mà đánh đổi môi trường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO