Dự án cầu Giao Thủy (Quảng Nam): Dân còn nhiều trăn trở

29/08/2016 00:00

(TN&MT) - Báo Điện tử TN&MT đã có bài phản ánh tình trạng hơn 10 hộ dân chưa chịu di dời vì tổng mức hỗ trợ đền bù cho họ quá thấp và nhiều hộ không được bố trí tái định cư tại dự án cầu Giao Thủy (xã Đại Hòa - huyện Đại Lộc - Quảng Nam). Dù chính quyền đã nhiều lần đối thoại với dân để bàn giải pháp thích hợp nhất, tuy nhiên đến thời điểm này người dân vẫn có quá nhiều trăn trở.

Công trình xây dựng cầu Giao Thủy nối hai bờ sông Thu Bồn (thuộc huyện Đại Lộc và Duy Xuyên, Quảng Nam) đang đi vào giai đoạn thi công nước rút để đưa vào sử dụng. Trong đó, hạng mục đường dẫn phía Bắc cầu Giao Thủy (xã Đại Hoà, Đại Lộc) nhắm thẳng vào khu nhà tập thể của Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy, buộc phải giải tỏa di dời. Song, hơn 10 hộ dân tại đây chưa chịu di dời vì tổng mức hỗ trợ đền bù cho họ quá thấp và nhiều hộ không được bố trí tái định cư.

Tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trong số 17 hộ thì chỉ có 10 hộ được cấp đất, số hộ còn lại địa phương xác định đã có đất ở nơi khác
Tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trong số 17 hộ thì chỉ có 10 hộ được cấp đất, số hộ còn lại địa phương xác định đã có đất ở nơi khác

Mới đây nhất, tại buổi đối thoại với các hộ dân thôn Giao Thủy (xã Đại Hòa) do lãnh đạo huyện Đại Lộc chủ trì. Hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung do ách tắc trong khâu đền bù, phía chính quyền dù đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ, song vẫn chưa giải quyết được dứt điểm những kiến nghị của người dân. Còn đại diện các hộ dân dù đã nói lên nguyện vọng của mình nhưng vẫn còn quá nhiều trăn trở.Theo các hộ dân, với khoản tiền bình quân 65 triệu đồng/hộ và đặc biệt là có một số hộ công nhân gồm: Bà Võ Thị Lựu, Lê Đức Dũng, Võ Thị Thắm và Nguyễn Thị Ngọc Liên do trước đó được gia đình cho đất hoặc nhận chuyển nhượng đất nơi khác, nay không được bố trí tái định cư; khiến họ càng khó khăn hơn.

Ông Trương Văn Đông, một hộ sống trong khu tập thể này bày tỏ: “Người dân chúng tôi đều thống nhất chủ trương di dời để phục vụxây cầu Giao Thủy, nhưng mức hỗ trợ như thế thì thấp quá. Có một vài hộ được hỗ trợ nhiều nhất là hơn 90 triệu đồng, cũng không thể trả tiền sử dụng  đất và làm nhà được. Các hộ ở đây đều nghèo khó, chứ khá giả thì lâu nay ai dại gì sống trong khu tập thể dột nát, nguy hiểm này”. Bà Nguyễn Thị Liên cho biết tại buổi đối thoại: “Tôi xin chính quyền cấp cho tôi một miếng đất tái định cư bởi lẽ chúng tôi ở đây đã lâu, sống theo cộng đồng, quyền lợi nên được hưởng như nhau”.

Một hộ dân khác là bà Lê Thị Đây nói: “Tôi làm công nhân ươm tơ tại Giao Thủy từ năm 18 tuổi, nay có cầu Giao Thủy, tôi cũng rất vui mừng là từ nay việc buôn bán, gồng gánh của tôi đỡ vất vả. Song tôi không có đất ở đây, mong chính quyền hỗ trợ để gia đình tôi bớt khó khăn vì tôi nuôi 4 con ăn học”. Còn bà Võ Thị Lựu thì cho rằng, dù sinh sống ở khu ươm tơ đã lâu năm nhưng gia đình bà vẫn chưa được cấp đất ở, còn miếng đất hiện tại là do bà vay mượn để mua, chưa làm được nhà vì còn khó khăn, còn nợ tiền ngân hàng…

Theo thông tin được công bố tại buổi đối thoại, có 7 hộ dân thuộc khu ươm tơ cũ, địa phương và các đơn vị chức năng xác định, không thể giải quyết suất tái định cư cho các hộ này bởi lẽ đây là những hộ đã được cấp đất và đã từng chuyển nhượng đất ở. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại này, 7 hộ này liên tục yêu cầu được hỗ trợ suất tái định cư.

Dù chính quyền đã nhiều lần đối thoại với dân để bàn giải pháp thích hợp nhất, tuy nhiên đến thời điểm này người dân vẫn có quá nhiều trăn trở
Dù chính quyền đã nhiều lần đối thoại với dân để bàn giải pháp thích hợp nhất, tuy nhiên đến thời điểm này người dân vẫn có quá nhiều trăn trở


Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trong số 17 hộ thì chỉ có 10 hộ được cấp đất, số hộ còn lại địa phương xác định đã có đất ở nơi khác. Hiện khu vực các hộ dân được bố trí suất tái định cư tối thiểu thuộc thôn Hòa Thạch (xã Đại Hòa) và hiện UBND xã Đại Hòa - đơn vị chủ đầu tư đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, san lấp mặt bằng, riêng phần đầu tư cho khu tái định cư đã xong. Cụ thể, quy mô quỹ đất xây dựng là hơn 2.369m2, bao gồm đất giao thông (đường và hành lang an toàn hơn 1.249m2) và đất phân lô bố trí đất ở là 1.140m2. Khu này có tổng cộng 16 lô đất ở, trong đó 15 lô có diện tích 70m2/lô và 1 lô chiếm diện tích 90m2, đang chờ bố trí người dân vào ở.

Trong khi đó, 10 hộ được giải quyết hưởng suất tái định cư tối thiểu. Bên cạnh các chế độ hỗ trợ khác như hỗ trợ 60% nhà, tiền di dời, hỗ trợ cơi nới, bồi thường hoa màu, cây cối, khen thưởng…, 10 hộ này còn được tỉnh hỗ trợ 60% giá trị đất ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, được hỗ trợ chênh lệch bằng tiền giữa số tiền hỗ trợ 60% giá trị đất (13,3 triệu đồng) theo Quyết định số 48/2014 của UBND tỉnh với suất tái định cư tối thiểu (diện tích 70m2, trị giá lô đất 44,3 triệu đồng). Các chủ hộ được hỗ trợ gồm Nguyễn Xuân Linh, Bùi Thị Sớm, Nguyễn Thị Hóa, Trương Văn Đông, Trương Thị Liên, Trương Phô, Phan Thị Sương, Huỳnh Thị Sinh, Tô Thị Bích Liên, Trần Thị Xuân.

Với những tâm tư, nguyện vọng của người dân, nếu được giải quyết thấu đáo và nhanh gọn chắc rằng tiến độ dự án Công trình xây dựng cầu Giao Thủy nối hai bờ sông Thu Bồn (thuộc huyện Đại Lộc và Duy Xuyên, Quảng Nam) sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án cầu Giao Thủy (Quảng Nam): Dân còn nhiều trăn trở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO