Dự án 7 năm vẫn "vướng" việc đền bù

03/07/2015 00:00

(TN&MT) - Vì không đồng thuận với cách làm của chính quyền nên 91 hộ dân thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) phản đối việc giao ruộng, nhận...

 

(TN&MT) - Vì không đồng thuận với cách làm của chính quyền nên 91 hộ dân thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) phản đối việc giao ruộng, nhận tiền đền bù xây dựng Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền. Sự việc đến nay đã “nhùng nhằng” trên 7 năm gây ra lãng phí, thiệt hại lớn về kinh tế, mất ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Hàng trăm ha đất để cho cỏ mọc, người dân không những mất “kế sinh nhai” lại mất thêm thời gian kiện cáo kéo dài và thay nhau ra trông coi bãi đất bỏ hoang không cho  doanh nghiệp thi công.

Dự án liên tục chuyển giao

Tưởng rằng việc đền bù, giải phóng mặt bằng người dân kiến nghị nhanh chóng được giải quyết triệt để nhưng không hiểu sao chính quyền mãi nhùng nhằng… khiến cho người dân bức xúc, cuộc sống vô cùng khó khăn vì không còn ruộng đất lại tốn công đi lại “gõ cửa” khắp các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương – ông Vũ Xuân Phương, thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đại diện cho hộ dân phản đối không nhận tiền đền bù, không giấu được bất bình khi trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường. Theo ông Phương cho biết: Không phải ngày một, ngày hai mới đây mà từ năm 2001, các hộ dân ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền đã bị UBND tỉnh Hải Dương quyết định thu hồi đất ruộng trồng lúa cho Công ty Shijar. Cho đến năm 2004, UBND tỉnh lại có quyết định thu hồi đất cho Công ty Sao Thái Dương để thực hiện dự án, nhưng các doanh nghiệp trên đều không triển khai thi công mà để cho cỏ mọc, đồng nghĩa với việc người dân không được hỗ trợ khi đất bị thu hồi.

Đến đầu năm 2008, người dân thôn Hoàng Xá lại được nghe trên loa truyền thanh của xã và được mời lên đình của thôn nghe cán bộ đọc Quyết định số 2078/QĐ – UBND ngày 13/6/2008 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về việc thu hồi đất và tạm giao cho Công ty Cổ phần Phúc Hưng là chủ đầu tư để kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu Công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền. Như vậy, cho đến nay 91 hộ dân thôn Hoàng Xá đã bị thu hồi 97% ruộng canh tác để cho cỏ mọc, người dân không có việc làm phải trông chờ từng ngày đồng tiền làm thuê mướn.

Trong 91 hộ dân bị thu hồi đất của thôn Hoàng Xá thì có 36 hộ gia đình chính sách bị mất 1.080 mét vuông đất hương hỏa (thờ cúng liệt sỹ). Nếu trong quá trình thực hiện, chính quyền cơ sở lấy ý kiến dân chủ người dân, làm theo đúng luật thì đã không để lại hậu quả như bây giờ đã 7 năm “vẫn chưa đâu vào đâu” khiến thiệt hại lớn về kinh tế, nghịch lý đất đai bị bỏ hoang mà dân không có đất canh tác.

Dân “tố” chính quyền sai luật?

“Việc thu hồi đất để làm khu công nghiệp theo chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, người dân chúng tôi đồng thuận, nhất trí cao…Nhưng trong quá trình thực hiện thu hồi, đền bù, hỗ trợ các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã không thực hiện đúng theo quy định của Luật nên người dân chúng tôi không đồng thuận” – ông Vũ Xuân Phương đưa ra các dẫn chứng: Các cơ quan chức năng không lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của người bị thu hồi đất. Không công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai và việc Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất là trái Luật. Theo Quyết định số 2078/QĐ – UBND ngày 13/6/2008 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương “V/v Thu hồi và tạm giao đất cho Công ty Cổ phần Phúc Hưng để kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng…”  Có nghĩa trong số gần 13 ha của 91 hộ dân thôn Hoàng Xá bị thu hồi của số diện tích 1.751.422 mét vuông theo quyết định mới tạm giao cho Công ty Cổ phần Phúc Hưng để làm 3 giai đoạn: Kiểm kê diện tích thu hồi, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong Quyết định số 2078/QĐ – UBND ngày 13/6/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: “… Khi Công ty Cổ phần Phúc Hưng hoàn tất thủ tục theo quy định và có văn bản thu hồi chấp nhận dự án đầu tư của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Văn bản thu hồi Giấy phép đầu tư của Công ty Shijar của cấp có thẩm quyền, lập thủ tục trình UBND tỉnh Quyết định thu hồi đất giao chính thức cho Công ty Cổ phần Phúc Hưng quản lý, sử dụng…”. Trên tinh thần, nội dung đó thì hiện nay Công ty Cổ phần Phúc Hưng chưa được giao chính thức diện tích đất mà Quyết định số 2078/QĐ – UBND thu hồi. Phương án đền bù cho người bị thu hồi đất chưa tuân theo đúng quy định của pháp luật nêu trên. Theo phản ánh của người dân chưa có văn bản chấp thuận đầu tư của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, văn bản chấp thuận thu hồi Giấy phép đầu tư của Công ty Shijar của cấp có thẩm quyền nhưng Công ty TNHH VSIP đã tiến hành san ủi, giải phóng mặt bằng. Hỏi như vậy có đúng theo Luật…?

Chính vì cách làm của chính quyền đền bù theo mức giá theo người dân quá thấp 16.200.000 đồng/sào nên các hộ dân phản đối. Do đó, năm 2009 được nâng lên thêm 7.200.000 đồng/sào nhưng người dân vẫn không chấp nhận bởi như vậy là vẫn chưa được thỏa đáng – bà Lê Thị Hiệu, một trong số hộ dân không nhận tiền đền bù, dù đã tuổi 83 nhưng nhiều năm bà Hiệu lặn lội mang đơn đến các cơ quan, ban, ngành… kiến nghị giải quyết. Theo bà Hiệu việc chính quyền không dân chủ, đền bù mức giá thấp và không hỗ trợ người dân lương thực ăn theo quy định khi thu hồi ruộng đất là sai phạm nghiêm trọng, khiến người dân nghi ngờ, mất lòng tin... Hiện nay, 91 hộ dân thôn Hoàng Xá với mong muốn được đối thoại trực tiếp chính quyền để tìm ra giải pháp tạo thuận lợi cho hai bên trên tinh thần theo đúng quy định của pháp luật. Những yêu cầu của người dân là hoàn toàn chính đáng, mong sớm được chính quyền đáp ứng nguyện vọng để cuộc sống nhanh chóng được ổn định.

7 năm vẫn “nhùng nhằng” chuyện đền bù

Chúng tôi đến UBND xã Cẩm Điền đúng ngày các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng làm việc với xã về giải pháp nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án. Qua đó được biết, năm 2007, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền - Lương Điền với tổng diện tích 205,28 ha. Trong đó, quy hoạch KCN là 183,96 ha và 21,32 ha diện tích cho khu nhà ở công nhân, dịch vụ. Tháng 5/2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập KCN này. Công ty CP Phúc Hưng (năm 2009 đổi thành Công ty TNHH Phúc Hưng) được giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cẩm Điền - Lương Điền. Sau đó, việc bàn giao đất xây dựng KCN bị kéo dài do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Đến tháng 9/2010, mới có khoảng 150 ha đất KCN được bàn giao (không tính phần đất quy hoạch khu nhà ở công nhân, dịch vụ). Nguyên nhân do việc thi công xây dựng hạ tầng KCN một số người dân địa phương cản trở. Chính vì vậy đến năm 2011, chủ đầu tư mới cơ bản hoàn thành san nền được khoảng 30 ha đất và xây dựng được một phần tường rào, đường trục chính. Từ năm 2011 đến năm 2014, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cẩm Điền - Lương Điền phải dừng thi công để điều chỉnh quy hoạch. Cơ sở hạ tầng KCN đầu tư dang dở dẫn tới việc không thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp, đất KCN bỏ hoang gây lãng phí lớn.

Nhằm xử lý những tồn tại, vướng mắc ở KCN Cẩm Điền - Lương Điền, năm 2012, UBND tỉnh Hải Dương đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý một số KCN kém hiệu quả, trong đó có KCN Cẩm Điền - Lương Điền. Ngày 14/7/2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1156/TTg - KTN điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN tỉnh Hải Dương, trong đó KCN Cẩm Điền - Lương Điền có diện tích quy hoạch 183,96 ha. Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam Singapore (VSIP) cũng đã đề nghị nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Phúc Hưng để tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cẩm Điền - Lương Điền. Chủ trương chuyển nhượng chủ đầu tư hạ tầng KCN Cẩm Điền - Lương Điền cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Tháng 4/2015, VSIP đã hoàn thành chuyển nhượng dự án đi kèm với quyền sử dụng đất và tài sản trên khu đất có diện tích 150 ha từ Công ty TNHH Phúc Hưng. Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.185,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày 5/8/2008 và tiến độ xây dựng hạ tầng đến hết tháng 12/2016.

Việc tiến hành bàn giao mặt bằng, đảm bảo an toàn cho nhà thầu thi công là hết sức cần thiết – ông Lê Huy Kiên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Điền trao đổi: Việc 91 hộ dân/gần 2.000 hộ được đền bù có nhiều đòi hỏi không chính đáng. Thời điểm hiện nay, các hộ đòi số tiền đền bù 250 triệu đồng/sào, dù chính quyền có nhiều giải pháp khi đối thoại trực tiếp, như: Hoàn trả ruộng cho các hộ ở địa điểm khác, đền bù tiền theo đơn giá Nhà nước và cộng thêm tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng từ khi có Quyết định thu hồi đất đến nay; người nhận đền bù được cấp 18 mét vuông đất/sào để làm dịch vụ… nhưng người dân đều không chấp thuận. Chính quyền đã thực hiện rất nhiều giải pháp: Vận động, tuyên truyền, đối thoại… đều “bất thành” đến nay sẽ thực hiện theo Luật để cho nhà thầu thi công đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Việc 91 hộ dân thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đưa ra phản ánh trên về chính quyền thực hiện sai luật, đền bù không thỏa đáng từ khi bắt đầu thu hồi đất là đúng hay sai?. Mặc dù chính quyền tỉnh Hải Dương tích cực tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay đã 7 năm dự án “treo”. Trong nhiều nguyên nhân để dự án phải “giậm chân” tại chỗ thì có việc các hộ không đồng thuận về đền bù. Để Công ty TNHH VSIP triển khai dự án theo đúng “lộ trình” là rất cần thiết, cấp bách cho phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương cần giải quyết dứt điểm “khúc mắc” về đền bù trong nhiều năm qua.

Bài & ảnh: Phạm Hoàng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án 7 năm vẫn "vướng" việc đền bù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO