Sáng 9/8, hội thảo Khoa học đất “Tài nguyên đất đai tiềm năng và phát triển” được tổ chức tại TP. Cần Thơ.
Theo Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), biến đổi khí hậu hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, đất sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL đã được xác định có 18 vùng thích nghi trong điều kiện hiện tại thông qua nghiên cứu từ 260 đơn vị đất đai.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã thảo luận đất đai vùng ĐBSCL bị tác động xấu làm thay đổi quá lớn, trong đó đất sản xuất nông nghiệp bị tác động nhiều nhất. Ví dụ như xâm nhập mặn, ngập do mưa lũ, khô hạn… tác động mạnh đến các mô hình như lúa 3 vụ, 2 vụ, lúa - màu, cây ăn trái, chuyên màu và mía, khóm.
Mặc dù vậy, tại các tỉnh ven biển, yếu tố xâm nhập mặn cũng có thể là cơ hội cho sự chuyển đổi kiểu sử dụng đất nuôi trồng thủy sản mặn mang lại hiệu quả cao.
Do vậy, để phát triển nông nghiệp mang tính bền vững trong tương lai và thích ứng với biến đổi khí hậu cần có những biện pháp hoàn thiện hệ thống đê bao, ngăn lũ, tạo vùng trữ nước ngọt. Đồng thời thay đổi giống cây trồng, lịch thời vụ phù hợp với tự nhiên và chuyển đổi cơ cấu hợp lý trong vùng.