DPM vừa công bố hợp đồng mua khí đầu vào và cước phí vận chuyển khí cho năm 2020 |
Theo đó, nguồn cung khí sẽ đến từ bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn với gía khí đầu vào tính theo 46% giá dầu nhiên liệu trung bình, không thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, khí lấy từ bể Nam Côn Sơn sẽ áp dụng mức giá sàn 3 USD/triệu BTU.
Trong khi đó, cước phí vận chuyển khí sẽ dựa theo: Nguồn cung khí từ mỏ khí Bạch Hổ và mỏ khí Rồng (tại bể Cửu Long) sẽ có mức cước phí 1,02 USD/triệu BTU; nguồn cung khí từ các mỏ khí khác tại bể Cửu Long sẽ có mức cước phí 3,22 USD/triệu BTU và nguồn cung khí từ bể Nam Côn Sơn sẽ có mức cước phí 1,43 USD/triệu BTU. Trong trường hợp nguồn cung khí từ mỏ Bạch Hổ không đủ để đáp ứng nhu cầu, nguồn cung khí cần thiết sẽ được lấy từ các mỏ khí khác tại bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn theo tỷ lệ lần lượt là 60% và 40%.
DPM cũng vừa công bố Nghị quyết của HĐQT Tổng công ty về việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019 bằng tiền với mức 500 đồng/cổ phần (tương ứng với mức 5% mệnh giá cổ phần) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2019 của Tổng công ty. Ngày giao dịch không hưởng quyền cổ tức và ngày thanh toán vẫn chưa được công bố chi tiết. Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến DPM sẽ chi gần 200 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này cho cổ đông.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra khuyến nghị “Mua” cho DPM với giá mục tiêu 17.000 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời dự phóng 31,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,3%). DPM hiện đang giao dịch ở mức giá 13.700 đồng/cổ phiếu.