Đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh

29/12/2016 00:00

(TN&MT) – Kết luận tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 30 nhiệm vụ mà các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện để triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế  - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Việt Nam ở mức trung bình về môi trường kinh doanh

Nói về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, xếp hạng qua 3 năm, Việt Nam thực hiện Nghị quyết 19 (2014 - 2016), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong 10 nhóm chỉ tiêu, có đến 41 chỉ tiêu cụ thể để đánh giá, chấm điểm. Một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy, Việt Nam ở mức trung bình. Chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 và có những chỉ số đứng thứ 116 - 120.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP

Trong khảo sát năm nay, WB đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, như: thành lập doanh nghiệp, xn giấy phép xây dựng, nộp thuế hoặc tiếp cận điện năng. Việt Nam hiện, xếp hạng thứ 82, có thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24; những lĩnh vực có cải thiện là bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, nộp thuế, giao thương quốc tế, tiếp cận điện năng và xử lý khi mất khả năng thanh toán. Các mặt khác đều đứng yên hoặc tụt hạng; khởi sự kinh doanh đứng thứ 121, đặc biệt, thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn xếp thứ 167, giải quyết tranh chấp, phá sản xếp thứ 125.

So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu mức trung bình của ASEAN-4, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể. "Hiện nay, chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN-6, tính cả Singapore, chúng ta phải tiến tới vị trí 56, còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4, chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.

Tạo sức bật cải thiện các chỉ số

Nêu một số ví dụ về việc cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, nhiều người thường nghĩ là của Bộ KH&ĐT, đổi mới sáng tạo thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN hay cấp phép xây dựng thuộc Bộ Xây dựng… Tuy vậy, có rất nhiều chỉ tiêu cụ thể trong từng chỉ số là của các Bộ, ngành khác. Ví dụ trong khởi sự kinh doanh, có thủ tục khắc dấu trước đây thuộc Bộ Công an, mua bán hóa đơn thuộc Bộ Tài chính; cấp phép xây dựng đứng thứ 24/190 có thủ tục phòng cháy, chữa cháy thuộc Bộ Công an, chứng nhận về sở hữu công trình sau khi hoàn thành của Bộ TN&MT…

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có tới 80% nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 cần sự phối hợp liên ngành, vì vậy rất cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng Bộ, ngành trong từng chỉ tiêu, chỉ số về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP

Quá trình thực hiện Nghị quyết 19 trong 3 năm 2014 – 2016 cho thấy, số giải pháp được thực hiện ngày càng nhiều, đạt kết quả rõ rệt trong các chỉ tiêu. Đơn cử như năm 2016, có tới 83 nhóm giải pháp, nhiệm vụ đã thực hiện được 42% nhưng mới qua 8 tháng và nếu tính đủ 1 năm, tỷ lệ đã thực hiện sẽ vượt 30% so với các năm trước.

Rõ ràng, một số Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tuy vậy, vẫn còn khoảng cách từ văn bản xuống đến thực tế. "Nghị quyết năm nay, đưa ra khoảng 250 nhóm giải pháp, nhiệm vụ với tinh thần càng cụ thể càng tốt và giao cho từng Bộ, ngành, địa phương; cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương”, Phó Thủ tướng nói.

Đây cũng là một trong tổng số 30 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện để triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế  - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chú trọng cải thiện đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững;

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích khởi nghiệp, hướng nghiệp, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; Tập trung vốn nhà nước, huy động nguồn lực Nhà nước vào các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm; Tập trung vào vấn đề nợ xấu, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ không thể phục hồi…; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, xã hội hóa dịch vụ công, kiên quyết tinh giảm biên chế, giảm chi từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế kinh doanh phát triển…

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO