Đợt mưa lũ lịch sử: Các địa phương liên tục nhận được tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất...

12/10/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là quan điểm của ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí thượng thủy văn Quốc gia khi ông trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường vào tối ngày 12/10. Ông Lê Thanh Hải cho biết:

Đây là một đợt mưa lớn diện rộng với đặc điểm xảy ra trên nền một khu vực trước đó đã phải liên tục trải qua nhiều đợt mưa khác khiến cho các điều kiện thủy văn, thổ nhưỡng, môi trường ở tình trạng bão hòa và dễ bị biến đổi. Do vậy mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua đã khiến các yếu tố như lũ ống, lũ quét, lũ xảy ra dồn dập và mức độ ảnh hưởng nặng nề cho các khu vực chịu tác động.

ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí thượng thủy văn Quốc gia khi ông trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ngày 12/10. Ảnh: Lê Hạnh
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí thượng thủy văn Quốc gia (bên trái) khi ông trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ngày 12/10. Ảnh:Lê Hạnh

Hạ lưu sông Mã mực nước đỉnh lũ tương đương năm 2007

PV:- Xin ông cho biết đánh giá của Trung tâm KTTV Quốc gia về đợt mưa lũ vừa xảy ra ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ trong vài ngày vừa qua?

Ông Lê Thanh Hải: Đợt lũ ngày 09-11/10/2017 trên sông Đà đến hồ Hòa Bình với lưu lượng đỉnh lũ đạt

Nguyên nhân chính của đợt mưa lớn lần này do ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Hà Tĩnh-Quảng Bình, sau đó là kết hợp với quá trình tăng cường yếu của không khí lạnh từ phía Bắc gây ra đới gió đông ẩm và gây mưa liên tục cho khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Cường độ mưa lớn ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung vào ngày 9-10/10, trong khi ở Bắc Bộ xảy ra tập trung từ đêm 10/10 đến đêm 11/10.

Đặc biệt lượng mưa lớn nhất cực đoan tập trung ở khu vực Hòa Bình với tổng lượng mưa ở khu vực này đạt 300-400, có nơi xấp xỉ 500mm, cá biệt có điểm như: Bất Một (Thanh Hoá) gần 600mm hay Kim Bôi (Hoà Bình) 550mm trong khi ở các khu vực khác phổ biến 100-200mm, có nơi hơn 300mm.

15940m3/s ngày 11/10 đạt giá trị lớn nhất trong lịch sử cùng kỳ tháng 10/2007 (Tháng 10/2007, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5, vùng hồ Hòa Bình đã có mưa lớn, lưu lượng đỉnh lũ đến hồ Hòa Bình đạt mức 14500m3/s. Trong đêm ngày 4-5/10/2007, thủy điện Hòa Bình đã phải mở 6 cửa xả đáy).

Đợt lũ ngày 10-11/10/2017,lũ lịch sử trên sông Đà tại hồ Hòa Bình xảy ra khi mực nước hồ Hòa Bình đã ở gần. mực nước dâng bình thường (Theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, từ cuối tháng 8 các hồ chứa được tích nước phục vụ phát điện và cấp nước trong mùa khô). Khi lũ xuất hiện, Thủy điện Hòa Bình đã vận hành xả lũ để đảm bảo an toàn công trình với lưu lượng xả lớn nhất từ khi hồ bắt đầu đi vào vận hành (8 cửa xả đáy trong tổng số 12 cửa).

Lũ lớn lịch sử đã xuất hiện trên sông Hoàng Long tại trạm Bến Đế. Mực nước đỉnh lũ tại Bến Đế: 5,53m (trên BĐ3: 1,53, trên mực nước lũ năm 1985: 0,29m).

Bên cạnh đó, do thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy kết hợp với lũ trên sông Thao truyền về, mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội trong đợt lũ này lên cao nhất từ năm 2010 đến nay…

Mưa lũ tàn phá Sơn La những ngày vừa qua. Ảnh: Nguyễn Nga
Mưa lũ tàn phá Sơn La những ngày vừa qua. Ảnh: Nguyễn Nga

PV:- Ông có thể so sánh đợt mưa lũ này với các đợt mưa lũ trước đây?

Ông Lê Thanh Hải: Khi so sánh với trận lũ năm 2007 thì trận lũ này (trận lũ trên hệ thống sông Mã) có sự khác biệt đó là lũ vùng trung và thượng lưu nước sông lên chậm hơn và đỉnh lũ đều ở mức thấp hơn trận lũ năm 2007, tuy nhiên vùng hạ lưu sông (tại trạm Giàng) lại ở mức tương đương (năm 2007 đỉnh lũ tại Giàng là 7,28m, năm 2017 là 7,26m). Nguyên nhân mưc nước hạ lưu sông Mã ở mức cao như vậy là do lũ thượng lưu về đúng thời điểm đỉnh triều cao nhất ngày, làm gia tăng mực nước đỉnh lũ.

So sánh với các chuỗi số liệu lịch sử cho thấy, lượng mưa trung bình nhiều năm (TBNN) trong tháng 10 tại Hòa Bình là khoảng 200mm, Yên Bái 180mm, Sơn La 65-70mm; các tỉnh Trung Bộ có lượng mưa tháng lớn hơn như Hà Tĩnh 850mm, Vinh 570mm, Thanh Hóa 320mm. Riêng tại khu vực Hòa Bình, lượng mưa 2 ngày 10 và 11 đều trên 180mm, xấp xỉ lượng mưa ngày cao nhất trong tháng 10 xảy ra ngày 27/10/1974 - 198.2mm, trong đó ngày 10/10 cao thứ 2 và ngày 11/10 cao thứ 3 trong chuỗi số liệu mưa ngày của tháng 10.

Lũ lớn trên BĐ3 đã xuất hiện trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ, sông Đáy tại Phủ Lý; lũ lịch sử đã xảy ra trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, lũ lịch sử cùng kỳ tháng 10 xảy ra tại sông Đà tại hồ Hòa Bình. Lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ.

Đợt lũ này đối với hệ thống sông Cả (Nghệ An), La (Hà Tĩnh) được xác định là lũ vừa và nhỏ, riêng hệ thống sông Mã (Thanh Hóa) được xác là trận lũ đặc biệt lớn, vùng hạ lưu sông Mã mực nước đỉnh lũ lên tương đương năm 2007, chỉ thấp hơn lũ lịch sử năm 1980 là 0,24m...

Dự báo viên Trung tâm dự báo KTTV Trung ương ứng trực 24/24 để cập nhật liên tục về diễn biến Báo số 10
Dự báo viên Trung tâm dự báo KTTV Trung ương ứng trực 24/24 để cập nhật liên tục về thông tin thời tiết, bão lũ, lũ ống. lũ quét... 

Liên tục phát tin cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất cho các địa phương

PV:- Thưa ông, công tác dự báo đợt mưa lũ vừa qua của Trung tâm được thực hiện ra sao?

Ông Lê Thanh Hải: Ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã có bản tin dự báo do ảnh hưởng của Enso pha trung tính nghiêng về LaNina nên mùa mưa năm nay đã được cảnh báo từ rất sớm (tháng 3/2017) sẽ là bão mạnh và mùa mưa kết thúc muộn hơn, mưa nhiều hơn. Khả năng xuất hiện lũ muộn cuối mùa trên các sông ở Bắc Bộ là rất cao.

Tháng 10 năm nay cũng đã được nhận định mưa nhiều hơn trung bình từ 30 đến 40%. Nếu so với 3 năm liên tiếp (2014-2016), thì năm nay sẽ mưa nhiều và đặc biệt mùa mưa sẽ kéo dài và kết thúc muộn. Tháng 10 năm nay được nhận định là sẽ có mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm.

Trong đợt mưa lũ do áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh những ngày qua, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã theo dõi chặt chẽ, cảnh báo sớm áp thấp nhiệt đới và khả năng mưa to đến rất to cho các khu vực từ ven biển Trung bộ, mở rộng ra Nam Đồng bằng và phía tây Bắc bộ.

PV:- Thưa ông, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục nhận được các bản tin cảnh báo chi tiết về mưa, lũ, lú ống lũ quét… vậy bản tin như thế sẽ được chuyến đến Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Thiên tai và Chính quyền các địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố… như thế nào để đảm bảo công tác phòng chống được thực hiện tốt nhất?

Ông Lê Thanh Hải: Từ ngày 7/10 đến ngày 12/10 đã kịp thời cung cấp tin gần 40 bản tin dự báo, cảnh báo về áp thấp nhiệt đới, bản tin cảnh báo lũ trên lưu vực các sông Bắc Bộ và Trung Bộ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương còn thường xuyên liên lạc tư vấn cho các nhà máy thủy điện Hòa Bình trong việc vận hành hồ chứa. Các Đài KTTV khu vực và các Đài tỉnh như: Hà tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Yên Bái đã theo dõi chặt chẽ và cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo cho các Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các địa phương chủ động phòng chống, kịp thời chỉ huy, chỉ đạo ứng phó và điều hành xả lũ, chống lũ và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong các ngày từ 6/10 đến 7/10 đã có cảnh báo về đợt mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Trong bản tin cảnh báo, dự báo Đợt áp thấp nhiệt đới từ ngày 8/10, Trung tâm đã liên tục phát tin cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất cho khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Ngày 10/10, phát tin lũ khi mực nước các sông ở Thanh Hóa đang ở mức rất thấp. Sáng 11/10, Trung tâm đã chủ động phát tin lũ khẩn cấp sớm hơn quy định (theo quy định mực nước trên sông lên mức BĐ3 và còn tiếp tục lên thì mới ra tin lũ khẩn cấp), tại thời điểm phát tin hầu hết mực nước các trạm đều còn ở dưới mức báo động 2.

Cùng với đó Trung tâm cũng luôn cảnh báo mực nước trên hệ thống sông Mã có khả năng lên tương đương mực nước lũ cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử (năm 1980 tại Giàng 7,51m).

Đặc biệt, tại Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương chiều ngày 11/1/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có đánh giá “… Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã ra bản tin rất sớm, gửi tin đến Ban Chỉ đạo kịp thời để phục vụ cho công tác chỉ đạo…”. Tuy nhiên do mưa lớn nhiều ngày trước đó cộng với đợt mưa dồn dập của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh tạo nên sự cộng hưởng lớn gây nhiều thiệt hại lớn cho các vùng dân cư dễ bị tổn thương bởi mưa bão lũ quét và sạt lở đất…

Chúng tôi có thể khẳng định, trong đợt mưa lũ vừa qua, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia từ Trung ương, khu vực, và các Đài KTTV tỉnh đã cảnh báo kịp thời tình hình đồng thời đưa ra những cảnh báo. Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố… tiên tục nhận được đầy đủ các bản tin của chúng tôi để chủ động phòng chống, giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra...

PV:Trân trọng cám ơn ông!

Việt Hùng(thực hiện)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đợt mưa lũ lịch sử: Các địa phương liên tục nhận được tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO