(TN&MT) - Sau vụ hai phóng viên (PV) Báo Khánh Hòa bị nhóm đối tượng lạ chặn đường, hành hung, lột đồ, dọa giết và tạm giữ trái pháp luật khi tác nghiệp tại khu vực bãi quặng khai thác trái phép, tại vùng rừng đầu nguồn xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, PV đã “đột kích” hiện trường bãi quặng.
Xuất phát từ xã Khánh Thành, phải mất gần 3 giờ đồng hồ đánh vật với gần hai chục cây số đường núi dốc đứng, đất đá lổn nhổn, trơn trượt trong mưa và vượt qua 4 con suối, chúng tôi có mặt tại hiện trường bãi khai thác quặng vonfram trái phép.
Trước đó, tại Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, Hạt trưởng Nguyễn Danh cho biết, khu vực bãi quặng thuộc các tiểu khu 193 và 203, do Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa, quản lý. Tình trạng rừng là rừng phục hồi sau khai thác. Tình trạng phá rừng, khai thác quặng trái phép tại vùng rừng này, diễn ra từ nhiều năm nay.
Bà Cao Thị Thêm - Chủ tịch UBND xã Khánh Thành xác nhận, tình trạng khai thác quặng vonfram trái phép trên địa bàn xảy ra từ năm 2012. Lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã nhiều lần tổ chức truy quét, đẩy đuổi người khai thác quặng trái phép ra khỏi địa bàn. Nay, tình trạng khai thác quặng trái phép chỉ còn lác đác.
Ông Dương Văn Hải- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Khánh Thành, chia sẻ: Trước đây, sau khi có thông tin từ đoàn khảo sát về việc có quặng vonfram ở rừng Khánh Thành, dân các nơi đổ về khai thác trái phép rất đông. Nhưng, lực lượng chức năng làm mạnh, cộng với lượng quặng thực tế là khá ít, người khai thác quặng giảm dần.
Vấn đề ở chỗ, ông Hải nói, khu vực bãi quặng là khu vực rừng đầu nguồn, cũng là đầu nguồn nước. Nước từ đây đổ xuống suối và chảy vào sông Khế, nơi cung cấp nguồn nước sinh cho người dân xã Khánh Thành và một số địa bàn ở huyện Khánh Vĩnh. Việc khai thác quặng như vậy khiến nguồn nước bị ô nhiễm, trong khi các công trình cấp nước trên địa bàn xã khá đơn giản, chỉ là các bể chứa nước, hầu như lấy nước rồi cung cấp nước trực tiếp cho dân sử dụng, không qua xử lý.
Trở lại với hiện trường bãi quặng, quả đồi sát bãi quặng, rừng đã bị phá từ bao giờ, trơ những sườn dốc trọc lốc. Con đường dẫn vào bãi quặng dốc đứng, lầy lội, rải rác những thân cây và gỗ cắt khúc. Một trạm cưa dã chiến bên đường như vừa được chuyển đi, mùn cưa còn vàng rộm và những phiến gỗ còn thơm mùi nhựa. Cạnh đó, những can dầu dùng dở lăn lóc, ai đó còn chưa kịp mang đi.
Tiến sau hơn vào bãi quặng, nhiều cây rừng bị chặt hạ, thân cây và đám cành lá ngổn ngang. Nhiều gốc cây có đường kính đến 50- 70 cm, nhựa vẫn còn rịn ra, như máu.
Khu vực bãi quặng là một quả đồi lớn, xen lẫn rừng non là những cây gỗ ngất ngưởng vươn cao, đường kính gần cả mét. Nhìn từ xa, đã thấy một khung cảnh nham nhở với màu đỏ nhức mắt của đất đá bị đào bới. Cùng với việc khai thác quặng trái phép; rừng tất nhiên cũng bị tàn phá. Những cây gỗ lớn chỉ còn lại trên đầu ngón tay. Khi đã đặt chân vào bãi quặng, mới thấy, nó như thể một trận địa bom. Cả quả đồi, từ chân lên đến đỉnh,mặt đất đã bị xới tung, tạo ra cơ man những thùng hố sâu hoắm như những hố bom. Đất không còn, cây cũng mất. Những cây rừng cao hàng chục mét, có đường kính 60- 70 cm, số bị chặt hạ, số khác bị đổ, do đã bị đào quanh gốc.
Dưới chân đồi, nhiều hồ chứa nước tạm bợ và cẩu thả được đắp lên, màu đất còn khá mới. Ngoài công dụng làm nơi đãi quặng, những hồ chứa đó, có vai trò gom nước ô nhiễm từ bãi quặng chảy xuống, lắng lọc để nước bớt đục trước khi tràn ra ngoài môi trường, chảy về suối. Nó như một hình thức che đậy vụng về và vô nghĩa, bởi sau mỗi cơn mưa thượng nguồn, với sức nước và độ dốc lớn, hầu như tất thảy mọi thứ đều bị cuốn phăng về phía hạ lưu.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận được tại hiện trường bãi quặng: