Dòng tiền sẽ đổ về bất động sản trong những tháng cuối năm 2021

Thục Vy| 06/10/2021 19:04

(TN&MT) - Theo dự báo của các chuyên gia, hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản (BĐS) tìm cơ hội đầu tư. Đặc biệt, những tháng cuối năm nay, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đón nhận dòng tiền do các tỉnh, thành đã nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Ảnh minh họa

Báo cáo thị trường quý 3/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, thị trường BĐS chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khiến bức tranh chung khá ảm đạm. Nguồn cung và nhu cầu trên thị trường giảm khá mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể, lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến BĐS toàn trang giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7. Tháng 8 tiếp tục có mức giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng liền trước.

Các tỉnh/thành có mức giảm mạnh trong tháng 7 là Bình Dương (35%), Đồng Nai (35%), TP.HCM (33%) và trong tháng 8 là Bình Dương (40%), Đồng Nai (35%). Đây đều là những khu vực có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất cả nước. Loại hình BĐS có mức sụt giảm mạnh nhất cả về nguồn cung và nguồn cầu là nhà riêng, nhà mặt phố, căn hộ chung cư và đất nền.

Với TP.HCM, dù lượt quan tâm có giảm nhưng đây vẫn là thị trường có sức hấp dẫn và được ưa chuộng nhất cả nước. Trong khi số ca nhiễm tại TP.HCM có xu hướng tăng gấp nhiều lần các địa phương khác, nhu cầu tìm mua và sự quan tâm dành cho thị trường này vẫn ghi nhận mức độ cao nhất, mức giảm cũng chỉ ở tầm 17% so với con số 35-40% tại Bình Dương hay các tỉnh có dịch bệnh khác.

Đáng chú ý, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá BĐS tại TP.HCM vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng so với cùng kỳ. Theo đó, giá chào bán chung cư tại TP.HCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Lý giải việc giá BĐS vẫn có xu hướng tăng trong khi giao dịch giảm, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào BĐS tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính. Hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.

“Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào BĐS tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào BĐS trước khi dịch Covid-19 bùng phát chiếm đến 75%. Các tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào BĐS mà tập trung vào chứng khoán. Nhưng sau đó dòng tiền sẽ lại quay trở về với BĐS. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, lại không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào BĐS, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn. Tâm lý nhà đầu tư với thị trường BĐS hiện tại vẫn là tin tưởng vào sự phục hồi”, ông Anh cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam phân tích, không thể phủ nhận, BĐS vẫn là kênh được ưu tiên hàng đầu so với các kênh đầu tư khác, bởi nó đảm bảo tính an toàn, lâu bền và lợi nhuận tốt. Theo ông Hoàng, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Một năm qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường BĐS vẫn phát triển, giá vẫn tăng. Trong đó, nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác, cuối cùng cũng hiện thực hóa lợi nhuận bằng tài sản BĐS.

Nhận định về thị trường BĐS cuối năm 2021, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất vay mua nhà giảm, trong khi đó nhiều chủ đầu tư lại đưa các chính sách, gói ưu đãi sản phẩm hợp lý cũng mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho cả người đầu tư lẫn khách hàng có nhu cầu sở hữu nhà ở. Thị trường khó khăn chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn, bởi họ luôn hướng đến khoản lợi nhuận từ 3-5 năm chứ không kỳ vọng lướt sóng tức thì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền sẽ đổ về bất động sản trong những tháng cuối năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO