Xác định môi trường là một trong những yếu tố then chốt đánh giá sự phát triển toàn diện bộ mặt nông thôn của huyện, vì vậy hàng năm, huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo vệ môi trường ở các xã vùng cao biên giới vẫn gặp một số những khó khăn, nhất là bài toán về rác thải sinh hoạt. Nguyên nhân là do nhận thức của Nhân dân còn hạn chế trong việc phân loại và xử lý rác thải; điểm tập kết rác của các xã chưa phát huy hết hiệu quả.
Ông Trần Bảo Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Huyện chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phối hợp với xã trong việc tăng cường hướng dẫn Nhân dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng khó khăn, biên giới phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày; thực hiện các hoạt động lao động sản xuất, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, huyện thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở, hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ ăn uống; tổ chức thực hiện ký cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời tập trung các nguồn lực để thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, huyện lồng ghép các nguồn vốn xây dựng NTM và các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông liên bản, liên xã; sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng “chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước sạch”.
Hiện nay, toàn huyện có trên 64% đường trục xã, trục bản đã được cứng hóa, khang trang, sạch đẹp. Huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 10 công trình nước sinh hoạt, nâng tổng số công trình nước sinh hoạt toàn huyện lên 159; nhờ đó trên 88% dân số của huyện được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường. huyện đã hỗ trợ cho các xã 134 xe đẩy rác, 320 thùng đựng rác.
Ngoài ra, hàng năm, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo nhằm chung tay bảo vệ môi trường. Điển hình như, các cơ sở Đoàn trong toàn huyện tổ chức các chiến dịch ra quân tình nguyện trồng cây xanh, dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh nhân dịp Tháng Thanh niên, Ngày Môi trường thế giới (5/6); khắc phục sự cố sau mưa lũ.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng “nhà sạch, vườn đẹp”, Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Hiện nay, toàn Hội đã duy trì 6 mô hình trồng con đường hoa, 43 mô hình vệ sinh môi trường, tổ thu gom rác thải với gần 2 nghìn hội viên tham gia. Qua bình xét thi đua, trên địa bàn huyện có hơn 13 nghìn hộ đạt “3 sạch” (sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ) của Cuộc vận động. Các đơn vị trường học, cơ quan, doanh nghiệp trong huyện chung tay bảo vệ môi trường sống thông qua việc tích cực tham gia các phong trào thi đua: xây dựng cơ quan xanh – sạch – đẹp; môi trường không khói thuốc; trường học thân thiện…
Hiện nay, huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch xây lò đốt rác tại các bản. Tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức chính trị-xã hội, các xã, thị trấn đẩy mạnh triển khai những giải pháp sáng tạo, hiệu quả bảo vệ môi trường phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương, từng đơn vị. Nhân dân duy trì dọn vệ sinh đường, ngõ bản hàng tuần, hàng tháng; không chăn thả gia súc, gia cầm bừa bãi; bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Vận động, khuyến khích các hộ làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh.