Đồng Tháp: Thiệt hại vì tùy tiện chuyển đất trồng lúa sang nuôi thủy sản

04/11/2016 00:00

(TN&MT) - Nhiều hộ dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, tùy tiện chuyển đất trồng lúa sang đào ao nuôi thủy sản đã bị thiệt hại vì cung vượt cầu, tuột giá và còn bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính…

Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự Nguyễn Văn Khơi (bên phải) kiểm tra thực tế tại xã Thường Phước 2 (Ảnh: CTTHN).
Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự Nguyễn Văn Khơi (bên phải) kiểm tra thực tế tại xã Thường Phước 2 (Ảnh: CTTHN).

Hai năm gần đây, thương lái thu mua cá lóc giá hơn 40.000 đồng/1kg, người nuôi lãi hơn 8.000 đồng/1kg. Nhiều hộ tại địa phương này đã đua nhau đào ao trên đất ruộng trồng lúa chuyển sang nuôi cá lóc, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng địa phương. Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự thống kê trên địa bàn có 11ha ao nuôi cá lóc với 430 hộ nuôi và 1ha lồng bè. Riêng xã Thường Thới Tiền hiện có 46 hộ nuôi cá lóc với diện tích 97.000m2 ao nuôi.

Theo ông Hồ Văn Nhơn, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền, người dân ùn ùn đào thêm ao để nuôi nên cung vượt cầu, thương lái đến mua ngày càng giảm dần (trước đây, mỗi ngày họ thu mua 20 tấn, nay giảm còn 10 tấn). Mặc dù xã đã khuyến cáo nhưng người dân vẫn không chú ý đến thị trường tiêu thụ nên đúng vụ thu hoạch mà vẫn phải chịu thua lỗ đậm.

Bình quân 1kg cá lóc thương phẩm người nuôi bị lỗ 4.000 đồng.
Bình quân 1kg cá lóc thương phẩm người nuôi bị lỗ 4.000 đồng.

Đầu vụ (trung tuần tháng 5/2016), Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự - Nguyễn Văn Khơi, đã trực tiếp xuống địa bàn xã Thường Phước 2 kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp đào ao nuôi cá lóc tự phát ngoài quy hoạch, trong đó có cả người dân tỉnh An Giang sang mua đất ruộng để đào ao nuôi cá với giá 130 triệu đồng/1 công đất và cho rằng chính quyền địa phương quản lý thiếu chặt chẽ.

Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự đã chỉ đạo UBND xã Thường Phước 2 tiến hành điều tra, cho làm cam kết và xử phạt hành chính các hộ tự phát đào ao nuôi cá lóc ngoài quy hoạch, kiên quyết ngăn chặn các trường hợp phát sinh mới, nhằm chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, chăn nuôi không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các hộ lân cận. Giao Phòng Tư pháp phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã xác lập trình tự hồ sơ, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính từng trường hợp cụ thể về việc tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thuỷ sản trái phép.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn không cải thiện được tình hình. Trung tuần tháng 10/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Văn Dương, đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo kiểm tra, giải quyết tình trạng nhiều hộ nuôi cá tự phát không theo quy hoạch, không có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải, dùng thức ăn tự chế và nuôi thả với mật độ dày đặc. Lượng nước bẩn từ các ao nuôi cá thải trực tiếp ra môi trường, nhất là mô hình nuôi cá lóc gây bức xúc trong người dân do mức độ gây ô nhiễm môi trường khá lớn.

Ngày 31/10, UBND huyện Hồng Ngự đã có văn bản báo cáo nhìn nhận, việc xác lập hồ sơ xử phạt còn chậm nên tình hình tự ý đào ao còn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn. Mặt khác, UBND huyện Hồng Ngự cũng cho rằng việc các hộ dân chăn nuôi tự phát cải tạo đất nông nghiệp, đất ven sông, ao hầm nuôi các loại thuỷ sản khác chuyển sang nuôi cá lóc thương phẩm, là sinh kế của nhiều hộ dân ít đất hoặc không có đất canh tác. Do đó, yêu cầu đặt ra với địa phương này là phải có giải pháp cụ thể cho từng trường hợp, như: hướng dẫn biện pháp chăn nuôi hạn chế gây ô nhiễm môi trường đối với những trường hợp nuôi quy mô nhỏ; buộc cam kết đầu tư ao lắng lọc, khu vực chứa bùn thải, chất thải… xử lý trong quá trình nuôi đối với những trường hợp có diện tích, quy mô nuôi lớn.

Hùng Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Thiệt hại vì tùy tiện chuyển đất trồng lúa sang nuôi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO