Đồng Tháp: Nhiều khó khăn trong xử lý rác thải nguy hại

07/06/2016 00:00

(TN&MT) - Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 775 tấn/ngày (bao gồm địa bàn thành thị và nông thôn). Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Tháp, thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trong 7 năm qua (từ 2009 - 2016) công tác thu gom chất thải rắn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư.

Tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt khoảng 55%; 100% chất thải rắn công nghiệp được thu gom; 100% chất thải nguy hại tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom đúng quy định.Công tác xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn được đẩy mạnh, đến nay có 12/12 huyện, thị, thành phố có các Doanh nghiệp và Hợp tác xã đảm nhận thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

Nhiều bãi rác trên địa bàn nhiều địa phương trong tỉnh đã quá tải
Nhiều bãi rác trên địa bàn nhiều địa phương trong tỉnh đã quá tải

Tận dụng tốt các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn. Hiện tại, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 04 dự án xây dựng nhà máy xử lý rác tại bãi rác Đập Đá (huyện Cao Lãnh), bãi rác Sa Đéc (thành phố Sa Đéc) và bãi rác Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự). Trong đó, có 01 dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại và chất thải y tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn một số khó khăn, vướng mắc như: Các đơn vị chưa thu gom đầy đủ tất cả lượng rác phát sinh trong dân, hiện nay chủ yếu thu gom rác từ các khu vực đô thị, tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nông thôn còn thấp; Phương tiện thu gom còn hạn chế: số lượng các xe ép rác còn ít, tải trọng nhỏ nên tần suất cũng như khả năng thu gom, vận chuyển rác còn kém; Chất thải rắn chủ yếu được xử lý dạng chôn lấp nhưng đa số các bãi rác này nằm trong khu vực dân cư, không được thiết kế bao che kỹ lưỡng nên gây ô nhiễm môi trường xung quanh, đặc biệt là ô nhiễm do khói thải khi đốt rác; Trên địa bàn tỉnh, các chất thải nguy hại ở một số bệnh viện chưa được xử lý đạt yêu cầu. Hầu hết các bệnh viện có lò đốt rác y tế, nhưng chưa đạt quy chuẩn môi trường. Đây là nhân tố gây ô nhiễm nghiêm trọng đến các khu vực lân cận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết: công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chưa đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2015 của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết trong thời gian tới là phải tăng cường nhân lực, trang thiết bị cho hoạt động thu gom, vận chuyển cũng như khẩn trương xây dựng các nhà máy xử lý rác; nâng cấp, mở rộng các bãi rác hiện hữu, rà soát điều chỉnh quy hoạch các bãi xử lý rác theo vùng, liên huyện để tăng cường khả năng xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Bài & ảnh: Giang Sơn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Nhiều khó khăn trong xử lý rác thải nguy hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO