Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đang tăng cường kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường xung quanh trước khi lũ về. Đặc biệt là đối với các cơ sở, hộ nuôi cá sấu, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra kỹ rào chắn, chuồng nuôi, không để tình trạng cá sấu sổng chuồng.
Theo Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh Đồng Tháp có 503 cơ sở và hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận đăng ký gây, nuôi động vật hoang dã, với hơn 340.000 cá thể các loài: Cá sấu nước ngọt, trăn đất, trăn gấm, kỳ đà vân, kỳ đà hoa, càng đước, rùa đất lớn, rùa núi vàng, rắn ráo trâu, rắn sọc dưa, khỉ đuôi dài, cầy vòi hương, tắc kè, chim trĩ đỏ khoang cổ... Riêng loài cá sấu nước ngọt có tổng đàn gây nuôi là 57.477 cá thể ở 289 cơ sở. Trong số 503 cơ sở đăng ký gây nuôi động vật hoang dã, có 01 cơ sở được Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt Cơ quan quản lý CITES Việt Nam) cấp giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại.
Qua kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hầu hết các cơ sở nuôi động vật hoang dã có quy mô nhỏ, được đầu tư chuồng trại kiên cố, tách biệt với môi trường xung quanh, có hệ thống thu gom và xử lý đối với chất thải rắn, xử lý lọc sinh học đối với chất thải lỏng, do đó ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và cộng đồng dân cư. Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tiến hành tổng kiểm tra định kỳ về an toàn chuồng trại đối với các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, kiểm tra đột xuất về biến động số lượng, số loài đang nuôi, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chậm thực hiện việc đăng ký gây nuôi hoặc xuất bán vật nuôi không khai báo. Qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm đã lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng các quy định về gây nuôi động vật hoang dã; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với các cơ sở cố ý không chấp hành; đồng thời thường xuyên tuyên truyền các hộ dân phải tuân thủ pháp luật đối với việc gây nuôi động vật hoang dã, bảo đảm an toàn về môi trường, vật nuôi và các Công ước quốc tế về gây nuôi động vật hoang dã.
Gây nuôi sinh sản động vật hoang dã là một trong những biện pháp để bảo tồn nguồn gen, giảm áp lực lên việc khai thác, săn bắn động vật hoang dã ngoài tự nhiên, góp phần duy trì, bảo tồn được nguồn gen, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Để quản lý việc gây nuôi động vật hoang dã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho ngành kiểm lâm tỉnh tiếp tục theo dõi, cấp phát sổ khai báo nhập, xuất động vật hoang dã đến từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở nuôi nhằm đảm bảo điều kiện an toàn cho vật nuôi và môi trường, cộng đồng dân cư. Hiện nay, 100% cơ sở gây nuôi đều đã có sổ theo dõi. Công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên từ 1 - 2 kỳ/năm về điều kiện chuồng trại an toàn, về công tác vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh, kiểm tra việc ghi chép sổ sách theo dõi nhập và xuất bán, các phát sinh tăng, giảm đàn...; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là lợi dụng được phép gây nuôi để mua động vật hoang dã không rõ nguồn gốc.
Nhằm phòng, tránh thiệt hại cho các hộ gây nuôi động vật hoang dã trước mùa lũ về, ngành kiểm lâm tỉnh đang tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã cho công chức thực thi công vụ; tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động gây nuôi, giết mổ động vật hoang dã và hướng dẫn thực hiện đúng quy định của pháp luật; đ ồng thời h ướng dẫn các cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng bệnh, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra và lây lan rộng.
Nguyễn Văn Trí