Đông Nam bộ: Cây trồng héo úa, giếng kiệt nước trong mùa khô

05/04/2015 00:00

(TN&MT) - Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, hạn hán kéo dài từ cuối tháng 1/2015 đến nay trên địa...

 

(TN&MT) - Ngày 4/4, ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, hạn hán kéo dài từ cuối tháng 1/2015 đến nay trên địa bàn tỉnh khiến cho gần 11.000ha cây trồng bị thiệt hại nghiêm trọng.

Nông dân huyện Đồng Phú (Bình Phước) đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng mùa hạn
Nông dân huyện Đồng Phú (Bình Phước) đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng mùa hạn

Trong đó, có 7.224ha lúa, rau màu, gần 3.000ha cây công nghiệp dài ngày bị héo úa, ước tính thiệt hại ban đầu là khoảng 75 tỷ đồng. Không chỉ thế, hiện ở các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Đồng Phú, Chơn Thành và thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), người dân còn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt.

Theo thống kê có khoảng 11.000 hộ dân (chiếm khoảng 10% số hộ dân toàn tỉnh) đang rất bức xúc về nguồn nước. Do chủ yếu dùng giếng đào, nay khô cạn, phần đông người dân phải mua nước vận chuyển bằng xe bồn với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/m3. Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh Bình Phước cho biết, nhiệt độ mấy ngày gần đây ở Bình Phước lên đến 37 độ C, nắng nóng sẽ còn kéo dài. Dự báo đến trung tuần tháng 4/2015 trên địa bàn tỉnh mới có thể có mưa.

Trong khi đó, tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), do hạn xảy ra trên diện rộng, nhiều nhà vườn đang đầu tư nạo vét, đào  giếng khoan để lấy nước tưới cho cây trái, có nơi phải đào sâu 80 – 100m mới có mạch nước ngầm. Chi phí mà mỗi hộ gia đình đầu tư cho giếng khoan lên đến hàng chục triệu đồng.

Còn tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), hơn 1.000ha mía tới ngày thu hoạch nhưng đang phải phơi khô ngoài đồng vì các kênh rạch trong vùng khô hạn, cạn nước, các phương tiện chở mía không thể di chuyển ra khỏi ruộng. Để giúp nông dân giảm bớt khó khăn, Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch đã tổ chức dẫn nước từ sông Đồng Nai vào các kênh rạch, tuy nhiên, mực nước trong kênh vẫn ở mức thấp, có nơi thuyền chở mía vẫn chưa thể vào được. Điều nguy hại của việc làm này là do độ mặn của nguồn nước từ sông Đồng Nai chảy qua huyện Nhơn Trạch hiện khá cao, sẽ khiến đất sản xuất trong vùng bị nhiễm mặn, ảnh hưởng tới việc canh tác mía những mùa vụ sau.

Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong tháng 4 này đã xuất hiện tình trạng ao hồ, nước giếng khô cạn, dẫn đến thiếu nước sản xuất nông nghiệp ở các huyện Xuyên Mộc, Tân Thành, Châu Đức. Lão nông Trần Văn Pha, người dân ấp Nhơn Hòa, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc than thở: “Mặc dù cả nhà đã tìm mọi cách để có được nguồn nước tưới, nhưng vẫn không cứu được cả vườn nhãn trĩu quả trong cơn hạn khốc liệt này. Do thiếu nước tưới nên nhãn trong vườn có quả nhỏ, cùi mỏng, năng suất thấp hơn hẳn mọi năm”. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến đầu tháng 4, toàn tỉnh có hơn 5.000ha cây trồng các loại bị hạn nặng, nông dân thiệt hại gần 20 tỷ đồng.

                                                                             Bài & ảnh: Thục Vy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam bộ: Cây trồng héo úa, giếng kiệt nước trong mùa khô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO