Đồng Nai: Ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Nguyễn Tú (thực hiện)| 08/04/2021 09:54

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai, công tác quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Để hiểu rõ hơn về những công việc đặc biệt quan trọng này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của tỉnh Đồng Nai trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH?

Ông Võ Văn Phi:

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, sự nỗ lực tham mưu công tác quản lý của ngành TN&MT Đồng Nai cùng với sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các Sở, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị và với sự chấp hành của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong công tác quản lý, hoạt động bảo vệ môi trường, nên các chỉ tiêu về môi trường đều được tỉnh Đồng Nai hoàn thành, đạt mục tiêu duy trì bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng môi trường sống và giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo Chương trình Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết Tỉnh ủy Đồng Nai hàng năm đề ra.

Về ứng phó với BĐKH, Đồng Nai là tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi BĐKH, song theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho thấy, tác động của BĐKH đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động quan trọng như: Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Đồng Nai; Hợp phần BĐKH thuộc Chương trình Mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Đồng Nai đã đưa 64 dự án ứng phó với BĐKH vào danh mục ưu tiên, với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu tập trung cho công tác chống ngập, thoát nước, các hồ đập thủy lợi và công trình chống xâm nhập mặn..., qua đó tình trạng ngập nước vào mùa mưa trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã giao Sở TN&MT thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH theo Hợp phần BĐKH thuộc Chương trình Mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh.

PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là không để hình thành các “điểm nóng” về môi trường trên địa bàn tỉnh?

Ông Võ Văn Phi:

Với mục tiêu “phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường” đảm bảo cho việc phát triển bền vững, Đồng Nai chỉ cho phép mở rộng khu công nghiệp khi đảm bảo điều kiện về môi trường; hạn chế thu hút đầu tư các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; đồng thời, đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động nước thải, khí thải để đảm bảo kiểm soát chất lượng nguồn nước, không khí ra môi trường. Tỉnh Đồng Nai còn “siết” công tác thẩm định hồ sơ đánh giá tác động môi trường của các nhà đầu tư mới và có chế tài mạnh với các doanh nghiệp để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Đồng Nai cũng rất chú trọng đến công tác quy hoạch, triển khai hạ tầng kỹ thuật về môi trường của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu xử lý chất thải và sắp xếp, di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp hoặc cụm sản xuất tập trung của địa phương, đáp ứng nhu cầu và lựa chọn các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh; đồng thời, tăng cường bảo vệ, khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đó là những giải pháp cơ bản mà Đồng Nai đã và đang áp dụng trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai còn tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính “răn đe” của pháp luật xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường với mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc hơn, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, chủ dự án đã quan tâm đầu tư và vận hành thường xuyên các công trình xử lý chất thải, đảm bảo chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn về môi trường; đồng thời, có biện pháp quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn theo đúng quy định.

Đồng Nai rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

PV: Vậy, tỉnh Đồng Nai sẽ có các giải pháp thiết thực, hiệu quả nào để bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững, thưa ông?

Ông Võ Văn Phi:

Trong thời gian tới, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh sẽ được tỉnh Đồng Nai chú trọng triển khai, nhất là thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại địa phương; xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, đánh giá, khoanh vùng các nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. UBND tỉnh Đồng Nai cũng sẽ phối hợp với Bộ TN&MT trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải” trên phạm vi cả nước sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế phát sinh rác thải nhựa; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết hàng năm của Tỉnh ủy Đồng Nai; đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Dự án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Cụ thể, thực hiện 12 nhóm dự án liên quan đến bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quan trắc môi trường, kịp thời phát hiện, cảnh báo ô nhiễm; đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, có khả năng tiếp cận, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quan trắc các thành phần môi trường như: đất, nước, không khí, nước dưới đất, trầm tích theo mạng lưới quan trắc giai đoạn 2020 - 2025; quan trắc nước thải tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung và tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO