Đồng Nai: Triển khai các giải pháp quản lý chất thải rắn hiệu quả

07/07/2016 00:00

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực...

 

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường…, góp phần nâng cao hiệu quả quản Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Một góc nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt thành phân compost ở Đồng Nai
Một góc nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt thành phân compost ở Đồng Nai

Tình hình phát sinh, xử lý

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, năm 2000, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 931/QĐ-CT.UBT về việc phê duyệt quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Năm 2006, UBND tỉnh ban hành quyết định số 7480/QĐ-UBND về việc về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Tuy nhiên, các nội dung Quy hoạch nêu trên chỉ phục vụ cho chất thải rắn sinh hoạt, trong khi các quy định, cơ chế khuyến khích kêu gọi đầu tư chưa có. Vì vậy trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 01 Khu xử lý Trảng Dài được đưa vào hoạt động, chất thải được chôn lấp hoàn toàn.

Đến năm 2011, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định số 2862/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, toàn tỉnh có 9 khu xử lý chất thải với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 430 ha.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai nhận định, mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình lập hồ sơ, triển khai thi công, tuy nhiên cùng với sự nổ lực của nhà đầu tư, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền và Sở ngành chuyên môn, nên chỉ trong giai đoạn năm 2012-2015, Đồng Nai đã thu hút được 15 dự án tại tất cả khu xử lý còn lại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã đưa vào hoạt động 12 dự án, đáp ứng được chức năng xử lý các chủng lại chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, 03 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng tại 02 khu xử lý: Khu xử lý Vĩnh Tân có 02 dự án, phần 30 ha giao cho Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) đang thực hiện các thủ tục đầu tư, dự án của Công ty CP Môi trường Đồng Xanh đã được UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm; Khu xử lý Bàu Cạn có 01 dự án của Công ty TNHH Tân Thiên Nhiên diện tích 10 ha, xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại. 

Hiện toàn tỉnh Đồng Nai có lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 1.612 tấn/ngày; lượng thu gom, xử lý khoảng 1.515 tấn/ngày. Trong đó, lượng các hộ dân tự xử lý theo hướng dẫn của chính quyền địa phương 369 tấn/ngày; lượng thu gom, xử lý tại các khu xử lý 1.145 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 94%; đốt - sản xuất compost 277 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 24% và chôn lấp 868 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 76%.

Lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 1.079 tấn/ngày; lượng thu gom, xử lý 1.079 tấn/ngày, đạt 100%. Về cơ bản, chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được thu gom, tái chế ở từng nhóm chất thải như: nhóm giấy, nhóm gỗ, nhóm nhựa, nhóm kim loại, tỷ lệ đã thực hiện thu gom, xử lý (tái chế), đạt 93%.

Cũng theo Sở TN&MT Đồng Nai, những năm trước đây, do việc triển khai các khu xử lý chất thải theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu nên tại các địa phương đã hình thành các bãi rác tạm để tiếp nhận chất thải sinh hoạt.

Toàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành 47 bãi rác tạm tổng diện tích khoảng 24 ha, diện tích các bãi rác tạm dao động từ khoảng 300m2 (bãi rác tạm tại xã Phú Điền, huyện Tân Phú) cho đến khoảng 50.000 m2 (bãi rác tạm Đồng Mu Rùa tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch). Tất cả các bãi rác tạm này đều không phù hợp quy hoạch, tồn tại theo dạng bãi hở không hợp vệ sinh, cần được xử lý để giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, thời gian qua, việc xử lý các bãi rác tạm đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm, chỉ đạo xử lý quyết liệt, bên cạnh đó sự tập trung thực hiện của Sở TN&MT và các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan, đến nay đã xử lý dứt điểm 45/47 bãi rác tạm với tổng khối lượng rác tồn lưu đã xử lý khoảng 240.481 tấn.

Tính riêng trong năm 2015, Sở TN&MT Đồng Nai đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan hoàn thành xử lý đối với 20 bãi rác tạm. Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn 02 bãi rác tạm (bãi rác tạm Đồng Mu Rùa và bãi rác tạm tại xã Bắc Sơn) đang trong quá trình xử lý để hoàn thành trong quý III/2016.

Sản xuất phân compost từ chất thải sinh hoạt
Sản xuất phân compost từ chất thải sinh hoạt

Mở rộng phân loại tại nguồn

Hiện nay, 11/11 huyện của Đồng Nai đã đồng bộ triển khai thực hiện thí điểm nhiệm vụ phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, chủ yếu chỉ triển khai tại một số khu vực đông dân cư, phường, thị trấn… Trong tổng số 20.719 hộ dân được hướng dẫn triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh, có 12.193 hộ dân thực hiện theo đúng hướng dẫn, đạt tỷ lệ 58,8%, tăng 2,8% so với năm 2014 (đạt 56%).

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì việc phân loại tại các địa bàn nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 1431/UBND-CNN ngày 02/3/2016 về việc tăng cường nhiệm vụ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, giao Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh về Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ phối hợp tổ chức triển khai phân loại chất thải thành 03 nhóm:  Nhóm 1 - chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng như: giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông…; Nhóm 2 - chất thải hữu cơ dễ phân hủy như: thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật…; Nhóm 3 - các loại chất thải còn lại.

Song song đó, tổ chức mở rộng, thêm các nhóm đối tượng yêu cầu thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, gồm: Các trường học; siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi; các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động; các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, việc triển khai mở rộng đối tượng, địa bàn thực hiện nhiệm vụ phân loại rác trong thời gian tới sẽ được tổ chức đồng thời với thực hiện các điểm trung chuyển, các phương tiện vận chuyển và đầu tư, đưa vào vận hành các hạng mục tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải tại các khu xử lý chất thải, góp phần nâng cao hiệu quả của việc phân loại rác, giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải tại các khu xử lý.

Theo nhận xét, đánh giá của Sở TN&MT Đồng Nai, thời gian qua, các chủ dự án đã quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình để tiếp nhận, xử lý chất thải trên địa bàn, góp phần nâng tỷ lệ xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường quy định. Tuy nhiên, việc triển khai các còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, trên thực tế nhiều đơn vị chỉ chú trọng tập trung đầu tư hạng mục xử lý chất thải công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, chưa đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình xử lý chất thải sinh hoạt theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt nhằm giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp dưới 15%; chất thải sinh hoạt sau khi được thu gom chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp.

Chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay có sự chênh lệch giữa việc áp dụng các công nghệ tái chế và chôn lấp hợp vệ sinh, chưa khuyến khích chủ dự án trong việc đầu tư các công trình tái chế. Việc tiêu thụ sản phẩm (compost) từ xử lý chất thải còn gặp nhiều khó khăn do chưa có thị trường ổn định.

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chưa được phân loại gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp. Các hộ dân vùng xa chưa có tuyến thu gom, phương tiện vận chuyển, các điểm trung chuyển trên địa bàn chưa đáp ứng các quy chuẩn về xây dựng.

Giải pháp quản lý hiệu quả

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai nhấn mạnh, nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất thải rắn thông thường trong thời gian tới, nhất là việc tăng khối lượng tái chế, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải, giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp dưới 15%, Đồng Nai tiếp tục tập trung chỉ đạo việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, 100% đô thị trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; hoàn thiện mạng lưới thu gom, xây dựng các điểm trung chuyển của địa phương đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật liên quan nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải, đảm bảo chất thải được đưa về khu xử lý theo đúng quy hoạch.

Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy xử lý chất thải theo đúng lộ trình, nhất là các hạng mục công trình tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để đảm bảo hiệu quả xử lý, giảm thiểu tỷ lệ chất thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh; rà soát, xây dựng và ban hành đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt để khuyến kích các nhà đầu tư xử lý chất thải áp dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ từ chất thải.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT ban hành các công cụ, hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế chất thải, cũng như các quy định, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể trong việc xử lý chất thải, công cụ về kiểm toán chất thải; có các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được sản xuất, tái chế từ rác thải, tạo điều kiện cho các chủ dự án đầu tư hạng mục công trình tái chế, thu hồi năng lượng từ xử lý rác.

Trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng như xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các dự án xử lý chất thải, Đồng Nai kiến nghị  Bộ TN&MT yêu cầu các chủ dự án phải đảm bảo việc đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình phân loại, tái chế chất thải, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15% theo QCVN 07:2010/BXD của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trước khi đi vào hoạt động chính thức.

Hiện nay, Khu xử lý Trảng Dài dự kiến “đóng cửa” vào tháng 6/2016, tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn thực hiện của Bộ TN&MT. Vì vậy, Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ TN&MT sớm xem xét hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường và quy trình đóng cửa bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động để địa phương làm cơ sở thực hiện theo Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Bài & ảnh: Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Triển khai các giải pháp quản lý chất thải rắn hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO