Đồng Nai sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được phép tách thửa

09/06/2017 00:00

  (TN&MT) - Để khắc phục những điểm hở và tránh tình trạng những thửa đất có diện tích nhỏ, hình thành các khu dân cư hạ tầng không đảm bảo… trên...

 

(TN&MT) - Để khắc phục những điểm hở và tránh tình trạng những thửa đất có diện tích nhỏ, hình thành các khu dân cư hạ tầng không đảm bảo… trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai hiện đang lấy ý kiến của các Sở, ngành và UBND cấp huyện để hoàn thiện dự thảo sửa đổi quy định tách thửa, báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo thực hiện.

Những điểm hở trong quy định

Ông Nguyễn Ngọc Thường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết: Ngày 20/4/2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn hành Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND Quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối vối từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và có hiệu lực từ ngày 30/4/2016.

Có thể nói, Quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa này đã giúp cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai mà cụ thể là việc tách thửa được quản lý chặt chẽ, góp phần kiểm soát các biến động, cập nhật biến động vào cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, điểm hở của Quy định tách thửa này là: Quy định về số lượng thửa được phép tách mà chưa có các quy định ràng buộc nên một thửa đất tách ra 9 thửa, rồi tiếp tục tách tiếp. Quy định về việc cho tặng không phải chuyển mục đích, nên việc cho tặng diễn ra nhiều và chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, chưa quy định khi chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở vẫn để tồn tại các thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, chỉ cần có đất ở là được tách thửa mà không hạn chế về số thửa, hay quy định về hạ tầng khu vực tách thửa.

Ngoài ra, hiện tại các địa phương quản lý đất đai chưa thật chặt chẽ cho nên có tình trạng tự phân lô, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Việc này nguyên nhân là do nhu cầu về đất đai để làm nhà ở vì tỉnh Đồng Nai có số lượng di dân cơ học khá lớn do công nghiệp, kinh tế của tỉnh phát triển đã thu hút lao động nhiều tỉnh khác về Đồng Nai.

Theo số liệu theo dõi từ Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai, tính từ ngày Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND có hiệu lực ngày 30/4/2016 đến ngày 17/4/2017 - thời điểm tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa, số lượng thửa đất tách thửa trên địa bàn các huyện tương đối nhiều, trong đó địa phương có số lượng nhiều như: Biên Hòa, Long Thành và Trảng Bom.

Giải quyết hồ sơ đủ điều kiện

Để giải quyết những hồ sơ xin tách thửa đất trước khi UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thường cho hay: Ngày 24/5/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Văn bản số 4870/UBND-CNN về việc quy định về tách thửa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, đối với những hồ sơ tách thửa mà người sử dụng đất đã nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng UBND cấp huyện - tiếp nhận trên phần mềm Egov, trước và sau ngày 18/4/2017 - ngày UBND tỉnh Đồng Nai ký Văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tạm dừng tách thửa trên địa bàn tỉnh được xử lý như sau:

Đối với hồ sơ tách thửa mà người sử dụng đất đã nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ ngày 17/4/2017 trở về trước mà đủ điều kiện tách thửa theo Quyết định 25/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai thì giải quyết, ký cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định.

Đối với hồ sơ tách thửa mà người sử dụng đất đã nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc đã đăng ký biến động từ ngày 18/4/2017 - 21/4/2017, đủ điều kiện tách thửa theo Quyết định 25/2016/QĐ-UBND thì giải quyết ký cấp Giấy chứng nhận đối với hồ sơ tách thửa để thực hiện các quyền của người sử dụng đất, theo quy định tại Điều 179 Luật Đất đai năm 2013.

Đối với hồ sơ tách thửa mà cấp đổi Giấy chứng nhận cho người đứng tên trên Giấy chứng nhận đã cấp thì tạm dừng giải quyết cho đến khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND, việc xử lý tiếp theo sẽ được thực hiện theo quy định mới của UBND tỉnh Đồng Nai.

Sẽ quy định chặt chẽ hơn

Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, dự thảo sửa đổi tách thửa lần này sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được phép tách thửa nhằm để khắc phục những điểm hở nêu trên và tránh tình trạng có những thửa đất có diện tích nhỏ, hoặc hình thành các khu dân cư hạ tầng không đảm bảo… trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, diện tích thửa đất được phép tách thửa theo loại đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở là từ 60 - 100 m2, so với quy định trước đây là từ 36 - 80m2. Việc này hạn chế các thửa đất ở quá nhỏ so với quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn của tỉnh Đồng Nai.

Về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng sản xuất là 1.000 m2, so với quy định trước đây là 500 m2. Như vậy để khuyến khích việc hình thành cánh đồng lớn, đối với thửa đất đa mục đích sử dụng thì phải xác định vị trí, diện tích, kích thước từng loại đất và thực hiện tách thửa theo quy định diện tích tối thiểu đối với từng loại đất nêu trên.

Cũng theo Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, trường hợp thửa đất ở không tiếp giáp với đường giao thông công cộng thì người sử dụng đất phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phải được UBND cấp huyện nơi có đất chấp thuận. Kích thước bề rộng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật do UBND huyện xem xét đối với từng trường hợp cụ thể và phải phù hợp với các loại quy hoạch của địa phương.

Ngoài ra, việc tách đất nông nghiệp chỉ được thực hiện khi người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật đất đai, theo quy định tại Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 như: chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất…

Tường Tú

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được phép tách thửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO