Đồng Nai: Nỗ lực thực hiện các giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường

05/12/2017 00:00

(TN&MT) - Sau 01 năm nỗ lực thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 25/CT-TTg) về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách...

 

(TN&MT) - Sau 01 năm nỗ lực thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 25/CT-TTg) về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Đồng Nai bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường tại các KCN
Đồng Nai rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường tại các KCN

Phấn đấu hoàn thành

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 25/CT-TTg, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 11083/UBND-CNN ngày 17/11/2016 triển khai và giao Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng trình UBND ban hành Kế hoạch thực hiện.

Ngày 25/01/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 833/KH-UBND để triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg nhằm phổ biến, quán triệt, chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan trên địa bàn toàn tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 25/CT-TTg trong năm 2017 và thời gian tới.

Căn cứ Kế hoạch số 833/KH-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo nội dung Kế hoạch số 833/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg, UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành và cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ - giải pháp trọng tâm và hoàn thành trong năm 2017.

Theo đó, Sở TN&MT Đồng Nai, các Sở, ban, ngành và địa phương: Tập trung thực hiện rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt của các dự án đầu tư lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án này để đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai có điều chỉnh kịp thời.

Rà soát các ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên các lưu vực sông, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực này và đánh giá công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, KCN - CCN trên các lưu vực sông để đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh hoặc thay thế Quyết định 2163/QĐ-UBND ngày 09/7/2014 ban hành Danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Rà soát, đề xuất điều chỉnh cập nhật quy hoạch quản lý chất thải rắn theo thẩm quyền, hoàn thành trong năm 2017. Theo đó, cụ thể các công trình, công nghệ tái chế chất thải, lộ trình về giảm thiểu tỷ lệ chôn chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008/BXD; đề xuất quy hoạch trong trường hợp các nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện về tỷ lệ chôn lấp, buộc phải chuyển giao chất thải cho các đơn vị đáp ứng được yêu cầu; hướng dẫn địa phương trong việc quy hoạch, xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn theo đúng quy định.

Tổ chức thực hiện quan trắc, giám sát nước thải tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN; hoàn thành lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải tại các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành ổn định trong năm 2017; nâng cao năng lực hiệu chuẩn, kiểm định các thiết bị quan trắc môi trường nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu về đo lường đối với thiết bị quan trắc môi trường.

Tiếp tục rà soát và yêu cầu các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt ngay các thiết bị quan trắc tự động để kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT Đồng Nai; thực hiện điều tra, đánh giá, khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn theo quy định tại Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 của Bộ TN&MT về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

Thanh tra, kiểm tra việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đảm bảo tất cả các CCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định của pháp luật và thực hiện các trách nhiệm quản lý các CCN trên địa bàn theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Hiện tại, các nhiệm vụ nêu trên đã được Sở TN&MT, các Sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện trong chương trình công tác của các đơn vị trong năm 2017 bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, hướng tới phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2017.

Theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có giao các Bộ ngành hướng dẫn địa phương thực hiện một số nội dung trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên đến nay, có một số nội dung chưa được hướng dẫn nên trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương như Đồng Nai còn gặp một số khó khăn.

Đồng Nai cũng rất quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải tại các KCN
Đồng Nai cũng rất quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải tại các KCN

Đề xuất - kiến nghị

Cũng theo Sở TN&MT Đồng Nai, để việc triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường tại địa phương đạt được hiệu quả cao hơn, kịp thời hơn; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT Đồng Nai tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT một số nội dung như sau:

Về quy hoạch, cần có quy hoạch bảo vệ môi trường tổng thể của lưu vực theo từng giai đoạn phát triển, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhằm hài hòa giữa lợi ích trong phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; hài hòa lợi ích của các địa phương ở thượng lưu và hạ lưu. Trong đó cần chú trọng đến quy hoạch phát triển đô thị, thủy điện, khu công nghiệp, khu chăn nuôi,… hài hòa giữa thượng lưu và hạ lưu.

Các Bộ ngành Trung ương, nhất là Bộ TN&MT, cần có giải pháp về quy hoạch quản lý chất thải rắn mang tính vùng và tính tập trung, hạn chế việc chất thải được vận chuyển qua khoảng cách xa, đưa đi xử lý phân tán tại nhiều cơ sở quy mô nhỏ,… rất dễ tạo nên các vi phạm khó kiểm soát.

Về bổ sung và điều chỉnh các quy định pháp luật, cần có quy định về đánh giá sức chịu tải, tiến hành việc đánh giá sức chịu tải và công bố hạn ngạch xả thải; hoàn thiện bộ QCVN cho các ngành sản xuất và quy định về quan trắc tự động, nhất là quan trắc tự động khí thải. 

Hướng dẫn áp dụng các phần mềm chuyên dụng trong mô phỏng, dự báo chất lượng môi trường; qua đó, kịp thời công khai, thông tin cho cộng đồng nhất là các khu vực nhạy cảm, khu nuôi trồng thủy sản, cũng như cung cấp cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn, để đánh giá hiện trạng môi trường của từng khu vực, phục vụ cho việc xác định ô nhiễm môi trường.

Ban hành các quy định đối với kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, hệ thống quan trắc tự động các dòng thải để sử dụng số liệu phục vụ xử lý vi phạm hành chính về môi trườn; quy định về các tiêu chí để phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm cở sở địa phương áp dụng, triển khai xử lý theo đúng quy định; quy định các công cụ mới trong quản lý chất thải, đơn cử công cụ kiểm toán chất thải nhằm xác định đúng, đủ thực tế phát sinh chất thải tại nguồn.

Về thẩm định và phê duyệt dự án, không cấp phép vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại liên tỉnh ở khoảng cách quá xa, không thể kiểm soát được, làm phát sinh tình trạng đổ bỏ chất thải trái phép trên đường vận chuyển. Trong quá trình thẩm định, cấp phép xử lý - xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án xử lý chất thải, yêu cầu chủ dự án phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15%.

Về công tác phối hợp trong bảo vệ môi trường, cần có quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm tra, kiểm soát về bảo vệ môi trường; không để việc kiểm tra nhiều, xử phạt nhiều mà không có đơn vị chịu trách nhiệm giám sát công tác khắc phục, theo dõi xuyên suốt quá trình hoạt động của các cơ sở; xây dựng thống nhất phần mềm chuyên dụng trên cả nước để quản lý nguồn thải nguy hại từ khi phát sinh, vận chuyển, đến khi được xử lý đúng quy định.

Cùng với đó, chia sẻ với các địa phương việc quản lý, giám sát các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải trên địa bàn, các nguồn thải đưa đến xử lý trên địa bàn; xây dựng và chỉ đạo thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ trong trao đổi và khai thác thông tin về quy hoạch môi trường, cơ sở dữ liệu về môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường… giữa các tỉnh thành, nhất là tại các khu vực giáp ranh.

 

Tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường 2017

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ về bảo vệ môi trường năm 2017, Sở TN&MT Đồng Nai tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 833/KH-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu của Tỉnh ủy Đồng Nai về thu gom và xử lý 100% chất thải y tế, 97% chất thải nguy hại, 100% chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, 96% chất thải rắn sinh hoạt, phấn đấu giảm tỷ lệ rác trơ chôn lấp xuống 60%, Ngoài ra, tiếp tục kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Mặt khác, theo dõi, thực hiện thu mẫu nước thải và có giải pháp đảm bảo 100% khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường, 100% KCN có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động; hoàn thành việc kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý và báo cáo tổng kết nhiệm vụ giám sát các điểm nóng về môi trường và các cơ sở có nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường… trên địa bàn tỉnh.

 

Nguyễn Tú

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Nỗ lực thực hiện các giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO