Đồng Nai: Chú trọng bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp

14/07/2015 00:00

(TN&MT) - Hiện Đồng Nai đã có 31 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất  trên 9.559 ha. Tính đến tháng 5/2015 đã cho thuê được gần 4.430 ha, đạt tỷ lệ gần 70% diện tích đất công nghiệp dành cho thuê. Diện tích đất cho thuê từ đầu năm 2015 đến nay trên 122 ha, tập trung tại 8 KCN. Kết quả thu hút đầu tư vào các KCN Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 985 triệu USD và trên 3.547 tỷ đồng.

Thu hút dự án thân thiện với môi trường

Thời gian quan, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã luôn chú trọng đến chất lượng của các dự án thông qua việc chủ động xúc tiến đầu tư thu hút các tập đoàn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm tác động xấu đến môi trường.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai tạm ngừng không quy hoạch phát triển thêm các KCN mới; hạn chế thu hút đầu tư vào các KCN đối với một số ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; tạm ngừng thu hút đầu tư vào các KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Ban Quản lý cũng đã cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đôn đốc các KCN xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường; giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của các doanh nghiệp có liên quan đến môi trường; kịp thời xử lý các vi phạm, không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng.

Khi Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Ban Quản lý có thêm nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận cam kết bảo vệ môi trường. Trong thời gian này, nhiều Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai được ban hành đề cập tới vấn đề môi trường, Ban Quản lý đã tích cực triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết đó.

Hiện các KCN có lượng nước thải lớn ở Đồng Nai đều đã đầu tư trạm quan trắc tự động nước thải
Hiện các KCN có lượng nước thải lớn ở Đồng Nai đều đã đầu tư trạm quan trắc tự động nước thải

Ban Quản lý còn phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; tích cực đôn đốc các công ty phát triển hạ tầng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung; thực hiện việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách nhanh chóng, đúng quy định và thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Đồng Nai có 31 KCN được thành lập, trong đó có 28/28 KCN có dự án đi vào hoạt động về cơ bản đã xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung, 19 KCN đã hoàn thành việc gắn thiết bị quan trắc tự động nước thải; các doanh nghiệp đều đưa nước thải về xử lý tại nhà máy, trừ một số doanh nghiệp đặc thù được phép xả thải trực tiếp; vấn đề ô nhiễm trong KCN được theo dõi, giám sát chặt chẽ hơn; việc xử lý rác thải công nghiệp, đặc biệt là rác thải nguy hại được quản lý và xử lý tốt.

Tạo môi trường thuận lợi  cho nhà đầu tư

Năm 2014, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã tiếp nhận báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) 92 dự án. Trong đó, đã được thẩm định 86 dự án, thông qua 85 dự án; UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM 43 dự án, Ban Quản lý phê duyệt 25 dự án, thẩm định 17 dự án vào cuối năm 2014 và tiếp tục xử lý trong năm 2015; không thẩm định báo cáo ĐTM 06 dự án do không đủ điều kiện...

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, thực hiện ủy quyền của UBND tỉnh Đồng Nai và UBND cấp huyện, Ban Quản lý đã tổ chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ của doanh nghiệp đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT. Ban Quản lý cũng đã chủ động rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ báo cáo ĐTM của doanh nghiệp theo quy định 30 ngày làm việc xuống còn 20 ngày, hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian lập thủ tục kịp thời triển khai dự án.

Ban Quản lý còn thành lập Phòng Môi trường để tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM các dự án trong KCN theo ủy quyền của UBND tỉnh và xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường theo ủy quyền của UBND cấp huyện. Quy trình, thủ tục ĐTM được thực hiện theo đúng quy định, được công khai hướng dẫn trên trang web của Ban Quản lý và được thực hiện theo quy trình ISO 9001:2008, đảm bảo 100% hồ sơ của doanh nghiệp được giải quyết đúng thời gian và trình tự quy định.

Theo Ban Quản lý, việc ủy quyền cho Ban Quản lý đã tạo sự thống nhất, ổn định trong việc thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc quản lý “một cửa, tại chỗ”, góp phần tạo sự gắn kết và giải quyết nhanh gọn các thủ tục cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài; việc giao nhiệm vụ quản lý môi trường trong KCN cho Ban Quản lý thực hiện cũng thuận lợi trong công tác quản lý, giám sát về thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong KCN.

Các công ty đầu tư hạ tầng KCN cũng đều có Bộ phận quản lý môi trường có chuyên môn về môi trường. Bộ phận này thường xuyên thực hiện giám sát việc xả thải và chất lượng nước thải của các doanh nghiệp trong KCN; vận hành và giám sát chất lượng nước thải đầu vào, đầu ra của nhà máy xử lý nước thải tập trung, lập các báo cáo về tình hình môi trường gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Đầu năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định về việc ủy quyền Trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tổ chức thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với các dự án đầu tư trong KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một số địa phương cũng đã tiếp tục ủy quyền cho Ban Quản lý, gồm các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Thống Nhất và thị xã Long Khánh.

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Chú trọng bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO