Động lực mới xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm

13/01/2015 00:00

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

(TN&MT) - Tiếp nối Quyết định số 64/2003/QĐ – TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1788/QĐ – TTg ngày 1/10/2013 phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Quyết định này được xem như “kim chỉ nam” nhằm đẩy mạnh việc  thanh lọc triệt để những điểm đen ô nhiễm.
   
   
Chủ động hơn, hiệu quả cao hơn
   
  Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Quyết định 1788/QĐ –TTg, nội dung quan trọng của quyết định này là trong năm 2015 sẽ tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) đã được phê duyệt và biện pháp xử lý, phấn đấu đến năm 2020 không còn các cơ sở gây ô nhiễm.
   
  Ngay sau khi Quyết định 1788/QĐ –TTg được ban hành, Bộ TN&MT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành địa phương có liên quan tổ chức triển khai đồng loạt các hoạt động, kiểm tra  xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT. Qua đó đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng, trong đó tập trung đối với các cơ sở có hành vi chậm xử lý triệt để theo tiến độ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
   
  Qua hoạt động này, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường đã giảm đáng kể. Đến nay đã có 384/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý chiếm tỷ lệ 87,47%. Hiện còn 55 cơ sở chưa hoàn thành bao gồm 18 bãi rác, 8 bệnh viện, 10 làng nghề, 11 cơ sở sản xuất kinh doanh.... Trong số các cơ sở này, có 26 cơ sở công ích được Thủ tướng cho phép lùi thời hạn xử lý đến ngày 31/12/2015 theo Quyết định 1788/QĐ – TTg. Như vậy, nếu không tính 26 cơ sở công ích thì đến nay đã có 384/413 cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý theo Quyết định 64/2003/QĐ –TTg (tỉ lệ đạt 92,98%).
   
  Đối với 435 cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 1788/QĐ – TTg, sau 1 năm triển khai tới nay đã có 101/435 cơ sở đã hoàn thành xử lý triệt để không còn gây ô nhiễm (tỉ lệ đạt 23,22%). Song song với đó, phần lớn các cơ sở đang trong thời gian xử lý ô nhiễm đã triển khai các biện pháp xử lý tạm thời. Qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm và các tác động xấu tới môi trường gây bức xúc trong dư luận.
   
  Kể từ khi thực hiện thi hành Quyết định 1788/QĐ – TTg, Bộ TN&MT đã tiếp tục, đẩy mạnh việc phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương thuộc khu vực công ích. Chính nhờ chính sách này mà cho tới nay đã có 342 dự án xử lý ô nhiễm triệt để trên địa bàn 47 tỉnh và 4 Bộ (Quốc phòng, Công an, Y tế và GTVT) được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nguồn vốn sự nghiệp môi trường. Việc làm này thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với việc bảo vệ môi trường và góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xử lý các cơ sở gây ô nhiễm.
   
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
   
  Quá trình thực hiện Quyết định 1788/QĐ – TTg cũng gặp không ít những khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở ÔNMT theo Quyết định 1788/QĐ –TTg, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho rằng trong thời gian tới cần phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai thông tin về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm. UBND các tỉnh thành phố thực hiện tốt công khai thông tin về xử lý triệt để các cơ sở theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết ban hành một số điều của Luật BVMT. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý ô nhiễm triệt để. Đồng thời, cần phải hoàn thiện và ban hành quy định về chứng nhận cơ sở ÔNMTNT hoàn thành khi Luật BVMT có hiệu lực. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra giám sát liên ngành, tổ chức kiểm tra trách nhiệm UBND các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức triển khai Kế hoạch xử lý theo Quyết định 1788/QĐ – TTg.
   
  Trong cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Quyết định 1788/QĐ –TTg diễn ra trong tháng 10/2014 vừa qua, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan cũng nhận định rằng hiện ÔNMT nông thôn, làng nghề đang có nguy cơ gia tăng. Vì vậy, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cần nghiên cứu một số mô hình xử lý làm điểm tại một địa phương để học tập nhân rộng. Đồng thời, cũng cần lựa chọn, ưu tiên những cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để bố trí nguồn lực để tiến hành xử lý. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng nghiên cứu cơ chế quản lý, giám sát các nguồn lực chặt chẽ hơn nữa, tránh thất thoát lãng phí. Việc xây dựng kế hoạch xử lý các cơ sở ô nhiễm phải bám sát Quyết định 1788/QĐ – TTg đã ban hành, có đánh giá sâu hơn nữa về số lượng danh mục cơ sở đã thực hiện hoàn thành xử lý ô nhiễm từ đó mới đánh giá được quy mô xử lý cũng như đóng góp của địa phương.
   
Nguyễn Cường
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực mới xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO