Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ phía biển

24/01/2017 00:00

(TN&MT) - Năm nào cũng vậy, vào cuối năm, gió chướng từ biển Đông thổi về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Gió có hướng thổi ngược vào các dòng sông đổ ra biển Đông nên vào lúc thủy triều lên, nước mặn đi sâu vào đất liền. Gió tạo nên những con sóng lớn đập vào bờ biển gây ra xói lở... Tại cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH), ngày 19/4/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng: "BĐKH đang diễn biến khốc liệt tại Việt Nam và thực tế, diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo”; “ĐBSCL là một trong 4 - 5 đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”. Và nơi dễ tổn thương nhất ở ĐBSCL, trước hết là bờ biển.

Nhà kè Bạc Liêu
Kè Nhà Mát Bạc Liêu

ĐBSCL có chiều dài bờ biển trên 700 km, chiếm khoảng 1/5 tổng chiều dài bờ biển nước ta, trong đó, hơn phân nửa nhìn ra biển Đông, phần còn lại nhìn về hướng Tây ra vịnh Thái Lan. Nước biển dâng gây xâm nhập mặn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với ĐBSCL với 45% diện tích bị nhiễm mặn (khoảng 1,77 triệu ha). Ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng từ 40 - 45km, thậm chí, có nơi vào sâu đến 70 - 90km. Trong năm 2015, do nước từ sông Mê kông về trong mùa lũ ít nên nước biển càng có cơ hội vào sâu trong đất liền.

ĐBSCL không chỉ bị xói lở bờ biển mà còn bị xói lở cửa sông, đất ven sông ở sâu trong đất liền, nhất là ở những nhánh sông lớn. Báo chí, truyền thông hay đưa tin về các vụ lở đất ven sông trong đất liền do các vụ lở đất này gây thiệt hại trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong khi đó, các vụ xói lở đất ở bờ biển cũng thường xuyên xảy ra, có nơi không có dân cư nhưng tác hại cũng không nhỏ, là mối quan ngại nhất, tiêu tốn nhiều kinh phí để phòng chống nhất.

Ở bờ biển Đông, các tỉnh từ Bến Tre xuống Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đều bị xói lở bờ biển.

Ở tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri là nơi bị ảnh hưởng nặng do xói lở bờ biển. Có nơi từng sạt lở khoảng 3km, sâu vào đất liền từ 10 - 40m. Ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, có nơi bờ biển sạt lở, sóng biển cuốn đi hết rừng phòng hộ đến đê biển rồi đến cả đất đang trồng trọt, nhiều hộ dân gặp khó khăn về kinh tế và đời sống. Ở tỉnh Sóc Trăng, đê biển dài hơn 70 km nhưng nhiều nơi ở huyện Vĩnh Châu, Cù Lao Dung bị sạt lở.

Ở tỉnh Bạc Liêu, đê biển dài 56km, có nơi được bồi lấp nhưng có nơi lại bị xói lở. Tại cửa biển Nhà Mát, trong khi bờ phía Nam được bồi lấp (khu vực Quán âm Phật đài, bờ biển được bồi ra vài trăm mét sau hơn nửa thế kỷ) nhưng bờ phía Bắc bị xói lở sát ngay đồn biên phòng. Đặc biệt tại huyện Đông Hải, cửa sông Gành Hào và bờ biển đều xói lở. Trong khi đó, thị trấn huyện lỵ lại cách cửa biển không xa. Nhiều vụ xói lở đất đã diễn ra gây thiệt hại về nhà cửa của nhân dân trong thị trấn.

Cà Mau là tỉnh vừa có bờ biển Đông và bờ biển Tây. Tổng chiều dài sạt lở ven biển ở tỉnh trên 40km, trong đó, có 4 khu vực sạt lở nguy hiểm dài trên 17km thuộc các khu vực ở bờ biển Đông như cửa biển Gành Hào (huyện Đầm Dơi) giáp ranh với huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), bãi biển Khai Long, khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau và đê biển Tây. Có nơi, 5 năm qua, biển đã ăn vào đất liền hơn 100 mét.

Riêng mũi Cà Mau, hiện tượng sạt lở càng đáng quan ngại, "mũi" có xu hướng chuyển động nhích dần về phía Tây (nghĩa là bị lở phía Đông và bồi về phía Tây). Ở đây, có một khu du lịch được xây dựng (kế bên khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau) thu hút nhiều khách tham quan nhưng một số kết cấu hạ tầng như đường bộ, đê bị ảnh hưởng do đất sụt lở.

Nguyên nhân gây sạt lở bờ biển không chỉ do tác động của triều cường, nước biển dâng cao, gió to, sóng lớn đập vào bờ mà còn do một nguyên nhân sâu xa hơn là lượng phù sa ngày càng ít đi do bị các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê kông giữ lại và tình trạng khai thác cát ở lòng sông làm cho cát đọng lại trong các hố khai thác, không trôi ra biển được. Tại Cần Thơ, có lúc nước sông Hậu trong xanh vì thiếu hẳn phù sa. Do nước ven biển giảm phù sa nên năng lượng sóng ít bị tiêu tán, từ đó gây xói lở bờ biển nhanh hơn.

Một nguyên nhân rất đáng được quan tâm, đó là việc khai thác nước ngầm để nuôi tôm ở ven biển chưa được kiểm soát hiệu quả, đã gây ra hiện tượng đất sụt lún, lòng đất yếu càng dễ xói lở, chủ yếu ở huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu).

Trong số các giải pháp hạn chế xói lở và nước biển dâng, có giải pháp làm đê cứng bê tông cốt thép dày. Nhưng chi phí thực hiện cao nên chỉ có thể thực hiện ở một số nơi xung yếu nhất và cần có sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung ương. Hiện, các tỉnh ven biển ĐBSCL chủ yếu  thực hiện các giải pháp phi công trình, trong đó, có giải pháp trồng rừng phòng hộ (bằng các loại cây như: mắm, đước, sú, vẹt, bần...) và phía trong đất liền là đê kết hợp đường giao thông.

Tỉnh Cà Mau đã xây dựng những tuyến kè ly tâm, dùng cọc bê tông ly tâm đóng xuống biển cách bờ khoảng 100m để tạo bãi bồi và trồng rừng trở lại vừa tái tạo rừng phòng hộ, tạo nền cho bờ biển vừa chống sạt lở. Tỉnh Bạc Liêu xây dựng “đê mềm” bằng túi geotube (bờ biển Nhà Mát); kè bán kiên cố bằng 2 hàng cọc bê tông cốt thép, khoảng giữa bỏ các bó cừ tràm để lọc sóng (khu vực cầu Cần Thăng); đang thực hiện 3 dự án gây bồi tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, trồng cây chống xói lở được Trung ương phê duyệt. Ở tỉnh Sóc Trăng, công trình thanh niên trồng rừng phòng hộ kết hợp với đê chắn sóng đã thực hiện nhiều năm trước ở huyện Trần Đề phát huy hiệu quả; di dời hàng trăm hộ dân sống ven rừng phòng hộ vào sinh sống trong khu dân cư tập trung; xây dựng các công trình hạn chế tác hại của sóng biển như: hàng rào hình chữ T, dùng rọ đá...

Bên cạnh những giải pháp "tình thế" nêu trên, có chuyên gia đề nghị thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước dâng, xói lở, cần quan tâm đến các giải pháp quy hoạch, nhất là trong quy hoạch các điểm dân cư, đô thị. Ví dụ như quy hoạch thị trấn huyện lỵ huyện Đông Hải phải "xích" vào đất liền, chọn cos (độ cao nền) thích hợp, từng bước giải tỏa khu vực dân cư có khả năng bị xói lở. Không nên xây dựng công trình kiến trúc nhà hàng, nhà ở, đường giao thông bộ sát mé biển như ở khu du lịch Đất Mũi để rồi chẳng bao lâu lại hư hại do xói lở đất. Khu du lịch Khai Long ở xã Đất Mũi (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) xây dựng khá quy mô nhưng cũng phải đổ tiền của làm bờ kè chống xói lở.

Hiện, các tỉnh ven biển ĐBSCL đều có các tuyến đê biển nhưng chưa thật liên kết với nhau, chưa đủ độ bền vững để bảo vệ đất liền chống xói lở đất, cản sóng to gió lớn (nhiều nơi không chịu đựng gió cấp 9: 75 - 88 km/giờ, sóng cao gần 2 mét).

Được biết, sắp tới, các tỉnh ven biển ĐBSCL sẽ nâng cấp, xây dựng mới trên 600 km đê biển (và trên 700 km đê cửa sông) tiêu chuẩn cụ thể: đê rộng 6 mét (kết hợp giao thông), mái trong 2 - 3 mét, mái ngoài 3 - 4 mét; bên ngoài đê là rừng phòng hộ... Các công trình dưới đê và trong đê được xây dựng vừa bảo đảm phòng chống thiên tai, vừa kiểm soát mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn, thoát lũ, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy...

Gần Tết Nguyên đán, gió chướng thổi vào đất liền càng mạnh như thử thách độ bền vững của ĐBSCL. Bờ biển ĐBSCL cho dù đã hứng chịu nhiều khó khăn nhưng sắp tới phải là một vành đai "bê tông cốt thép" bảo vệ từng tấc đất quê hương không chỉ trước những cơn "sóng to, gió dữ"  mà còn phải đứng vững trước bất cứ thế lực nào khác đến từ biển Đông!

Thanh Chí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ phía biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO