Đồng bằng sông Cửu Long: Ngành thủy sản thiệt hại lớn do thời tiết

17/04/2015 00:00

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên tình hình thời tiết trở nên ngày càng phức tạp hơn. Những biến đổi này đã và đang tác động xấu tới nuôi trồng thủy sản ở Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là nuôi ngao thương phẩm.

Nắng nóng tăng –   dịch bệnh tăng

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và BĐKH, năm 2015, ở ĐBSCL, hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm và diễn biến phức tạp khiến việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực tế, những ngày nắng nóng vừa qua đã làm người nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi ngao không kịp trở tay, nhiều ao hồ nuôi thủy sản bị dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng nắng nóng như hiện nay sẽ làm môi trường nuôi dễ biến đổi đột ngột, nhất là độ pH và nhiệt độ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của sinh vật trong nuôi trồng thủy sản. Nắng nóng làm nước ao bốc hơi nhanh, từ đó nhiệt độ tăng cao, độ mặn trong ao nuôi cũng tăng theo ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của sinh vật nuôi. Ngoài ra, nắng nóng cùng với độ mặn tăng cao làm các loại cây cỏ thủy sinh trong ao nuôi bị chết và phân hủy nhanh. Đây là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, kéo theo sự biến đổi về độ trong, đục của nước trong ao.

Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL
Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL

Thực tế cho thấy, từ giữa tháng 3/2015 đến nay, hiện tương ngao nuôi ven biển ở các tỉnh ĐBSCL bị chết hàng loạt trên diện rộng thường xuyên xảy ra, đặc biệt là hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre với tỷ lệ chết lên đến 90% đã làm thiệt hại lớn cho nông dân. Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, đến nay  hơn 1.500/1.600 ha diện tích thả nuôi ngao trên địa bàn tỉnh này có ngao bị chết, tỷ lệ thiệt hại trong khoảng từ 75% đến 90%. Theo thống kê của người nuôi ngao sản lượng ngao bị chết là 12.889 tấn, cỡ ngao từ 50 đến 1.000 con/kg. Do gần đến thời điểm thu hoạch nên đã gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi ngao, nhiều hộ không có nguồn thu để trả nợ vay. Trước hiện tượng này, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xét mẫu bùn và mẫu ngao tại khu vực ngao chết của huyện Gò Công Đông. Đến thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở khẳng định ngao chết là do bệnh, rất có khả năng ngao chết là do độ mặn tăng đột ngột đi kèm với gió chướng thổi mạnh.

Còn tại tỉnh Bến Tre, Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, mặc dù ngay từ đầu năm 2015, các hợp tác xã (HTX) đã khẩn trương khai thác bán, san thưa ngao từ vùng cao triều xuống vùng hạ triều nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do thời điểm này ngao giống, ngao thịt tiêu thu chậm. Hiện tượng ngao chết hàng loạt hầu hết xuất hiện tại các ao ngao của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, gây thiệt hại nặng nề cho các HTX, làm đời sống xã viên gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân ban đầu cũng được xác định do nắng nóng kéo dài, độ mặn và nhiệt độ trên ao ngao tăng cao.

Chủ động các  biện pháp ứng phó

Trước tình hình trên, hiện nay, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã khuyến cáo các hộ nuôi ngao cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình ngao chết, tập trung khai thác ngao vừa đủ kích cỡ, đồng thời chủ động san thưa, di dời ngao để hạn chế thiệt hại. Riêng đối với các hộ có ngao chết cần làm tốt công tác vệ sinh ao (vuông), nhanh chóng thu gom những con ngao chết, sắp chết để di chuyển ra khỏi khu vực nuôi ngao nhằm tránh lây nhiễm sang các cá thể ngao khác còn sống, các hộ còn lại chủ động lập kế hoạch thu hoạch hoặc san thưa ngao ở những khu vực có nguy cơ chết cao ra các khu vực an toàn, san lấp các vùng trũng ở các ao ngao để tránh hiện tượng ngập nước cục bộ, nơi có nhiệt độ quá cao vào buổi trưa, đối với ngao đạt kích cỡ thu hoạch, người nuôi cần khẩn trương khai thác, nhằm giảm thiệt hại. Tuy nhiên, theo Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, dự báo những ngày tiếp theo của tháng 4/2015 này sẽ có một đợt áp thấp nóng phía tây tràn sang nên Nam Bộ sẽ tiếp tục những ngày nắng nóng với nền nhiệt cao. Dự kiến đến giữa tháng 5/2015 trở đi các tỉnh Nam Bộ mới có nhiều cơn mưa trái mùa và chính thức bước vào mùa mưa. Khi đó, nhiệt độ mới có thể giảm và tình trạng khô hạn mới có thể chấm dứt.

Về lâu dài, các chuyên gia khí tượng thủy văn và BĐKH cho rằng: Với diễn biến của BĐKH ngày càng phức tạp, kéo theo là những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan, do vậy để khắc phục tình trạng tăng cao của nhiệt độ, độ mặn, với việc nuôi trồng thủy sản, người dân thuộc các tỉnh ĐBSCL cần chủ động duy trì mực nước trong các vuông với mặt trảng trên 0,4m và mương bao từ 1,2 - 1,5m, thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao tránh tình trạng nước rò rỉ. Nếu nước trong vuông có màu đậm, PH cao cần tiến hành thay nước (khoảng 20% lượng nước trong vuông) hoặc lấy thêm nước.

Linh Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Ngành thủy sản thiệt hại lớn do thời tiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO