Chú trọng hoàn thiện
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, trên cơ sở Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120/NQ-CP), TP. Cần Thơ đã từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế đồng bộ cả về số lượng, chất lượng. Đồng thời, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy hoạch hiện có, xây dựng các quy hoạch mới liên quan, trong đó có cả quy hoạch phát trển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, ổn định dân cư… trên cơ sở tích hợp các yếu tố BĐKH.
Trong thời gian qua, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH được lãnh đạo TP. Cần Thơ đặc biệt quan tâm và trở thành ưu tiên quan trọng trong việc chọn lựa các giải pháp phù hợp cho chiến lược phát triển của thành phố nhằm khai thác thế mạnh, hạn chế những mặt yếu kém, tận dụng tốt cơ hội, vượt qua những thách thức trên con đường phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Cũng theo ông Đào Anh Dũng, TP. Cần Thơ đã ban hành nhiều chính sách trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, ứng phó BĐKH để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Những tác động của BĐKH luôn được các ngành, các cấp quan tâm, tích hợp trong quá trình xây dựng chính sách ở địa phương.
“Ngoài việc chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, TP. Cần Thơ còn hướng đến vận động chính sách ở cấp quốc gia, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế trong thực hiện các dự án về BĐKH, đây là những điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp nối khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết 120/NQ-CP” - ông Đào Anh Dũng nhấn mạnh.
Tại Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Là địa phương chịu nhiều thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; Hậu Giang đã cập nhật toàn bộ nội dung, nhiệm vụ cũng như giải pháp để thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Hậu Giang tập trung rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách, cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành; xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý phục vụ nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thị trường thích ứng với BĐKH; phát triển nguồn lực, khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế.
Đối với giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hậu Giang tham gia xây dựng, vận hành hệ thống số liệu, dữ liệu liên ngành; nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp được chuyển đổi hiệu quả; triển khai thực hiện đề án phát triển công nghiệp xanh, đề án về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chương trình, dự án khoa học công nghệ về phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.
Còn tại Sóc Trăng, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo cho các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH. Đồng thời, củng cố, xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê; đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.
Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng triển khai dự án thí điểm trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm điện bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất; điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi và nâng cấp hệ thống công trình trong điều kiện ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh.
Liên kết ứng phó - Chuyển dịch cơ cấu
Hiện tại, liên kết vùng là vấn đề đang được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm để cùng ứng phó với BĐKH. Hậu Giang là 1 trong 4 tỉnh, thành thuộc Tiểu vùng Tứ giác Long xuyên, do vậy, các tỉnh, thành trong Tiểu vùng thường xuyên có những cuộc trao đổi để hoàn thiện Đề án liên kết ứng phó với BĐKH.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, khi Đề án liên kết ứng phó với BĐKH này hoàn thành sẽ có rất nhiều dự án, công trình có tính liên kết vùng được triển khai thực hiện, từ đó, việc thích ứng với BĐKH ở tỉnh Hậu Giang cũng như các tỉnh, thành trong Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ bền vững hơn.
Trong bối cảnh BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp, việc tổ chức thực hiện các chương trình, đề án và các cơ chế chính sách đặc thù là yêu cầu mang tính bức thiết. Trên cơ sở đó, TP. Cần Thơ đề xuất thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm như đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối liên tỉnh, liên vùng mang tính đồng bộ để tạo đột phá phát triển cho TP. Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung.
“Với vị trí là trung tâm của vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ luôn chủ động và sẳn sàng hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành, các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế để có hướng đi, kế hoạch hành động thống nhất và đồng bộ, đảm bảo công tác ứng phó với các tác động của BĐKH đạt được hiệu quả cao nhất” - ông Đào Anh Dũng cho biết.
Đến thời điểm này, TP. Cần Thơ đã thực hiện quy hoạch với định hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các tiêu chuẩn theo quy định trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…, điển hình là thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với 106 cánh đồng mẫu lớn diện tích 25.000 ha với hơn 18.000 hộ dân tham gia.
Cùng với đó, phát triển vùng rau màu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển 31 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái và 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái với năng lực cung ứng cao và hiệu quả, đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển mô hình nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Cần Thơ cũng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, hướng đến sản xuất theo hình thức hợp tác nhằm tăng giá trị sản xuất như thành lập các tổ hợp tác trồng vú sữa, trồng chanh không hạt, trồng quýt, xoài. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đang được hình thành và mở rộng, trong đó các mô hình sản xuất thủy canh, nhà lưới đang được hình thành ở các địa phương như: Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: Thời gian qua, quan sát thực tế cho thấy, nông dân vùng ĐBSCL đã đi đầu trong việc thực hiện giải pháp thích ứng BĐKH. Ví dụ như ở những vùng lũ Đồng Tháp có mô hình lúa - cá - sen - kết hợp du lịch.
Có thể nói, đây là mô hình bền vững và đang phát triển mạnh, người nông dân không phụ thuộc vào bất kỳ loại nông sản nào, bởi khi công việc này thất bại, có công việc khác bù vào, hay mô hình lúa - tôm, lúa - thủy sản phát triển khá nhiều ở các tỉnh, thành như: Cà Mau, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
“Mô hình trên có đặc điểm chung là không hoàn toàn bỏ cây lúa, phát triển hình thức canh tác kinh doanh khác trên nền đất lúa, đồng thời, thúc đẩy chế biến nông sản và dịch vụ đi kèm. Từ đó, người nông dân không chỉ làm nông nghiệp mà còn biết kinh doanh và làm dịch vụ” - PGS. TS. Lê Anh Tuấn nhìn nhận.
Hậu Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp, nên khi xảy ra tình trạng xâm nhập mặn đã gây ra những thiệt hại to lớn. Nhằm giúp người dân thích ứng với BĐKH, tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tọa đàm tìm ra những mô hình sản xuất hiện quả trong điều kiện BĐKH.
“Đến thời điểm này, Hậu Giang đã tìm ra được những mô hình rất hiệu quả, điển hình là mô hình trồng mãng cầu xiêm ghép trên thân cây bình bát; mô hình sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ tôm; mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ thủy sản; mô hình tưới tiết kiệm nước…” - ông Trương Cảnh Tuyên chia sẽ.
Trong những năm gần đây, vào mùa khô ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Ấy vậy mà vườn cam rộng 1,6ha của ông Nguyễn Văn Quyển, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Phú vẫn xanh tốt. Để có được kết quả này, một mặt ông Quyển chủ động trữ nước ngọt và sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn cây.
“Sau khi tham quan mô hình tưới tiết kiệm nước, tôi thấy lợi ích lâu dài của mô hình này, nên đã đầu tư 3 triệu đồng mua thiết bị lắp cho vườn cây của mình. So với tưới truyền thống, hệ thống tưới phun sương, lượng nước tưới cho cây đều đặn hơn, ngoài ra còn tiết kiệm thời gian, nhất là tiết kiệm lượng nước trong mùa khô từ 30 - 40%” - ông Quyển phấn khởi nói.