Đồng bằng sông Cửu Long: Kết nối những “bờ vui”

Phương Anh| 15/06/2019 17:29

(TN&MT) - Xác định Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước, đồng thời, để bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an...

 

(TN&MT) - Xác định Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước, đồng thời, để bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các địa phương luôn quan tâm sâu sắc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của 13 tỉnh, thành phố trong khu vực.

Cau Vam Cong
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp - Một vựa thóc của ĐBSCL

Tạo đột phá về hạ tầng, thủy lợi

Đầu tháng 4/2019, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân ở mọi miền đất nước, trong đó, có vùng ĐBSCL; trong đó, phải kể đến sự chỉ đạo thường xuyên, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển của vùng. Thủ tướng nhấn mạnh, không có giao thông, vùng ĐBSCL sẽ không phát triển được. Đây là nguyện vọng chính đáng của chính quyền, người dân các địa phương trong vùng. 

"Trong các giải pháp đột phá, chúng ta nhất trí đột phá về hạ tầng là quan trọng nhất. Hạ tầng ở đây không chỉ là cầu cống, đường sá, sân bay mà còn phải hạ tầng xã hội, trường học, y tế, thiết chế văn hóa; tích hợp hạ tầng thông minh, kết nối số được ứng dụng mạnh mẽ hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn lại chặng đường sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, hạ tầng cơ sở vùng ĐBSCL được quan tâm đầu tư, xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, phát huy lợi thế giao thông đường thủy. Đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm, giai đoạn 2016 - 2020 tổng số vốn đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước.

Các công trình, dự án trọng điểm gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối 2 cầu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mở rộng tuyến tránh Tân An, Quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, tuyến vận tải thủy sông Sài Gòn (cầu Bình Lợi)... Trong đó, riêng từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí vốn để triển khai cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến tránh thành phố Long Xuyên, quốc lộ 57 đoạn Bến Tre - Vĩnh Long, Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT…

Đối với các công trình, dự án thủy lợi, thủy sản, Chính phủ đã đầu tư xây dựng Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé - giai đoạn 1; Dự án Hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau; Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới; Dự án Tha La, cống Trà Sư; các dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL…, bước đầu đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng BĐKH qua việc hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn.

Các địa phương trong vùng triển khai các dự án đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng (với tổng kinh phí 263.564 triệu đồng); xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt các địa bàn xung yếu tỉnh Sóc Trăng (với tổng kinh phí 152.865 triệu đồng). Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi… Xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn vùng ngập lũ được Chính phủ tiếp tục cho phép đầu tư để đảm bảo người dân vùng ngập lũ được sống an toàn ổn định.

10005 10151799000008101 1702387837 n
Giao thông là yếu tố quan trong để vùng ĐBSCL phát triển bền vững

Dấu ấn những công trình

Trong chiến lược phát triển kinh tế vùng ĐBSCL - vùng châu thổ sông ngòi chằng chịt, giao thông thông suốt luôn được đặt lên hàng đầu. Trong suốt 20 năm qua, trên 20 triệu dân trong vùng liên tiếp đón nhận nhiều cây cầu lớn được hoàn thành: cầu Mỹ Thuận (2000), cầu Rạch Miễu (2009), cầu Cần Thơ (năm 2010), cầu Năm Căn (2015), cầu Cổ Chiên (2015), cầu Cao Lãnh (2018), cầu Vàm Cống (tháng 5/2019), góp phần tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn toàn vùng.

 Hàng trăm năm qua, người dân ĐBSCL đã quen với những cách gọi: đi đò, đi phà, qua bắc… mỗi khi muốn qua sông. Đến năm 2000, một sự kiện lớn, sự mong đợi cả vùng là thông xe cầu dây văng Mỹ Thuận đầu tiên của cả nước. Mơ ước ngàn đời bắc qua sông Tiền của người dân đã thành hiện thực. Dự án cầu Mỹ Thuận nối 2 tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long trên tuyến QL1, do Chính phủ Úc viện trợ (90 triệu AUD, tương đương 75 triệu USD), được người Úc thiết kế, thi công và khởi công ngày 6/7/1997, khánh thành vào 21/5/2000, được xem như dấu mốc mở màn đầy triển vọng cho việc kết nối những ngăn sông cách trở của vùng miền Tây sông nước.

Niềm vui, nối tiếp niềm vui, đúng 2 năm sau, cầu Mỹ Thuận, chiếc cầu dây văng dài nhất Việt Nam - cầu Rạch Miễu do các đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân Việt Nam xây dựng, được khởi công, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre trên QL60. Cầu dài 2.878m chưa tính đường dẫn (dài 8.330m), do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới, được khởi công ngày 30/4/2002 và khánh thành vào 19/1/2009, xóa vị thế “ốc đảo” 3 cù lao của tỉnh Bến Tre với thế giới bên ngoài, tạo điều kiện và cơ hội để Bến Tre phát triển và bứt phá liên tục những năm sau đó.

Từ TP.HCM đi về miền Tây Nam Bộ, chúng ta thường nghĩ tới điểm đầu tiên trong chuỗi hành trình là “thủ phủ vùng ĐBSCL”: TP Cần Thơ, quen gọi là Tây Đô. Hành trình bị “ngắt quãng” bởi 2 con sông lớn là chi lưu lớn nhất của sông Mê Kông đoạn vào Việt Nam (sông Cửu Long): sông Tiền và sông Hậu. Sông tiền đã có cầu Mỹ Thuận còn sông Hậu thì chưa. Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối Cần Thơ với Vĩnh Long trên QL1, được khởi công vào ngày 25/9/2004, dự án do nguồn vốn ODA Chính phủ Nhật Bản tài trợ với tổng vốn đầu tư 342.6 triệu USD (thời điểm năm 2001), vốn đối ứng 15% từ Chính phủ Việt Nam. Cầu Cần Thơ dài 2.750m (phần đường dẫn dài 153850m) do Nhật Bản thiết kế và thi công. Sau 6 năm rưỡi xây dựng, cầu khánh thành và đưa vào khai thác tháng 4/2010, rút ngắn thời gian hành trình từ TP. HCM đi Cần Thơ (180km) từ 6 tiếng (tính cả thời gian đợi phà) xuống còn hơn 3 tiếng đồng hồ.

Nếu như cầu Rạch Miễu xóa đi thế cách trở của tỉnh Bến Tre về hướng Đông Bắc, kết nối với tỉnh Tiền Giang, Long An, TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ thì cầu Cổ Chiên đã xóa thế cô lập vĩnh viễn về hướng Tây Nam của Bến Tre. Không những vậy, cầu Cổ Chiên còn là một trong bốn cầu lớn trên QL60 (bao gồm Cổ Chiên, Rạch Miễu, Hàm Luông, Đại Ngãi) và là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa QL60 với các tuyến quốc lộ hành lang duyên hải phái Đông ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng). Cầu Cổ Chiên do Việt Nam thiết kế và xây dựng , là cây cầu bê tông dự ứng lực đúc hẫng, dài 1.590m, có tổng vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 3/2011 và khánh thành tháng 5/2015.

Cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và những công trình khác trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, cầu Cổ Chiên được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng là điều kiện quan trọng để Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng, thúc đẩy thực hiện chiến lược hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông.

 Việc đưa vào sử dụng cầu Cổ Chiên sẽ rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM đến Trà Vinh, tạo kết nối chặt chẽ giữa QL60 và QL1, giảm áp lực giao thông cho QL1, góp phần hình thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trong khu vực và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Đông cũng như toàn vùng Tây Nam Bộ.

Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu nối liền TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp - Một vựa thóc của ĐBSCL. Cầu cách bến phà Vàm Cống hiện hữu 3km về phái hạ lưu sông Hậu, và sẽ thay thế cụm phà này khi cầu đi vào hoạt động. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 9/2013 và khánh thành, thông xe vào 5/2019. Dự án cầu Vàm Cống dài 2.970m (phần cầu chính 870m), có tổng mức đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu được thiết kế với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc 80km/h với bề rộng mặt cầu 24.5m. Đây là một trong hai cây cầu dây văng lớn nằm trên tuyến đường Mỹ An - Rạch Sỏi, thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, cũng là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ 48km về phía thượng lưu.

Hạ tầng phát triển, những cây cầu lớn được hình thành như tiếp thêm sức mạnh để các tỉnh ĐBSCL có thêm động lực, có thêm điều kiện để phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của toàn vùng. Cùng với những bài toán đang được giải về lúa gạo, con cá tra, trái cây… ở cấp độ vỹ mô và ở từng địa phương, hệ thống giao thông bộ hoàn thiện hứa hẹn đưa ĐBSCL ngày càng thịnh vượng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Kết nối những “bờ vui”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO