Nhiều khả năng không có lũ lớn
Theo kết quả quan trắc, mực nước lũ ĐBSCL đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN) và thấp hơn nhiều so với các năm gần đây. Lưu vực hạ lưu sông Mê Công ít mưa và thủy triều ở mức trung bình. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ cho biết, từ tháng 6 - 7/2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mê Công ở mức thấp hơn so với TBNN từ 10 - 20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 0,1 - 0,2m.
Trong mùa lũ 2019, vùng đầu nguồn ít có khả năng xuất hiện lũ sớm và đỉnh lũ ở mức BĐ1 - BĐ2 vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Nhìn chung, đỉnh lũ năm 2019 xấp xỉ TBNN và thấp hơn 2018, tuy vậy, cũng cần theo dõi chặt chẽ các biến động bất thường của thời tiết và tác động của thủy triều. Đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề (khoảng 2,20 m) vào khoảng cuối tháng 10 sẽ góp phần làm mực nước lũ tăng nhanh, đặc biệt, vùng ven biển và vùng giữa ĐBSCL khi lũ thượng nguồn đổ về.
Diễn biến lũ năm nay trái ngược với năm 2018, khi mưa lớn xuất hiện ngay từ đầu mùa. Sau 7 năm không có lũ lớn, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh và đạt đỉnh trên BĐ2 ngay từ đầu tháng 9, duy trì ở mức cao hơn 1 tháng sau mới bắt đầu rút. Mùa lũ 2019, sẽ quay lại tình cảnh “ít lũ” như các năm trước đó. Nguyên nhân theo cơ quan khí tượng nhận định, là do ảnh hưởng của El Nino yếu tiếp tục tác động đến nước ta, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn từ 0,5 - 1oC so với cùng kỳ nhiều năm. Thêm vào đó, là các thủy điện thượng nguồn giảm xả lũ. Nửa cuối tháng 7, gió mùa Tây Nam có khả năng hoạt động mạnh hơn nên khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to.
Tình hình thời tiết, thủy văn năm 2019 còn diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời đoạn ngắn; dông, tố, lốc, sét, mưa đá, lũ... ảnh hưởng đến khu vực trong các tháng cuối mùa mưa. Thời kỳ kết thúc mùa mưa có khả năng xấp xỉ hoặc sớm hơn TBNN, khoảng đầu tháng 11.
Sẵn sàng phương án sản xuất
Trước các dự báo mưa lũ 2019, tại Hội nghị triển khai sản xuất vụ Thu Đông 2019 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), nguồn nước đến hiện tại được xem là đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Ở các tỉnh Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang cơ bản an toàn do có hệ thống đê bao bảo vệ. Ở các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vẫn có khả năng bị đe dọa ở các khu vực ngoài đê .
Báo cáo của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho thấy, vùng giữa ĐBSCL cần đề phòng ảnh hưởng mặn bất thường do triều cường với khu vực giáp ranh vùng ven biển Tây, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Với vùng ven biển, trong tháng 7, xâm nhập mặn xảy ra trên các cửa sông các khu vực từ 15 km trở vào và sẽ giảm dần từ từ giữa tháng 7 khi có mưa về. Các địa phương ở khu vực ven biển Tây cần đề phòng mặn bất thường, tiếp tục công tác theo dõi giám sát mặn và chủ động thay trữ nước cải thiện môi trường nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, năm 2018, ngành nông nghiệp khuyến cáo giảm diện tích là do dự báo lũ cao, còn năm nay 2019, dự báo lũ đến muộn và nhỏ nên phải tập trung sản xuất, đặc biệt, là những giống lúa thơm, lúa chất lượng vừa ít tốn chi phí sản xuất vừa phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu vào những tháng cuối năm.
Những vùng an toàn đối với lũ sẽ ưu tiên sản xuất lúa. Khi bố trí sản xuất lúa cho vùng ngập sâu khu vực Đồng Tháp mười và Tứ giác Long Xuyên hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ về thời vụ, cơ cấu giống, hệ thống công trình đê bao, cống đập, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy...
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng tỉnh và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất lúa Thu Đông 2019 tại các tỉnh ĐBSCL đã đề nghị điều chỉnh là 700.000 nghìn ha, giảm khoảng 40,62 nghìn ha so với vụ Thu Đông 2018. Diện tích giảm do sẽ thực hiện xã lũ khoảng 30.000 ha và chuyển đổi khoảng 10.000 ha sang cây trồng cây khác và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. |