Đồng bằng sông Cửu Long: Dân thấp thỏm nỗi lo sạt lở

13/06/2017 00:00

Theo khảo sát của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 265 điểm sạt lở nghiêm trọng, ước tính mỗi năm, khu vực này mất hơn 500ha đất. Theo đà này, từ nay đến năm 2020 sạt lở vào bờ sẽ sâu thêm 20m.

Ông Phạm Bình Trứ, ấp Long Thuận 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cho biết: “Lúc trước nhà tôi ở cách chỗ tôi đang đứng hiện nay 150m. Tôi đã 8 lần di dời nhà cửa vì sạt lở và 3 lần thoát chết. Nhà cửa, ruộng vườn ông bà để lại được hơn 6 công giờ trôi xuống sông hết sạch, may còn cái mạng. Vợ chồng già giờ chỉ sống nhờ vào đồng tiền của thằng con út đi làm thuê”.

Nhớ lại vụ sạt lở xảy ra cách đây không lâu, ông Dương Văn Bình, ấp Long Định, xã Long Điền A, bàng hoàng kể lại: "Đêm đó, vợ chồng con cái đang ngủ thì thấy nhà rúng động, vật dụng rơi xuống sàn, tức tốc tôi kêu vợ con chạy ra ngoài, chỉ ít phút sau cả căn nhà trôi xuống sông".

Nhiều hộ dân lo lắng khi phải sống chung với sạt lở. Ảnh: CN
Nhiều hộ dân lo lắng khi phải sống chung với sạt lở. Ảnh: CN

Con đường nhựa huyết mạch nối liền 3 ấp Long Bình, Long Định, Long Thuận 2 thuộc xã Long Điền A, giờ đã bị "hà bá" ngoạm vào khoảng 120m. Ngôi nhà bà Huỳnh Thị Liễu (ấp Long Định) đang ở hiện nay cách bờ sông không quá 3 bước chân. Lúc chúng tôi đến, thủy triều xuống, từ trên bờ nhìn xuống vực sâu khoảng 4 - 5m cảm giác rợn người. Bà Liễu cho biết, gia đình và những người dân ở đây chẳng đêm nào ngủ ngon giấc, nhất là những lúc mưa to gió lớn. Sạt lở kéo dài khiến nhiều gia đình phải di dời nhà tới 2, 3 lần. Vách đất bờ sông bây giờ thẳng đứng, nhiều chỗ đã lõm sâu hàm ếch ở bên dưới. 

Cách nhà bà Liễu khoảng 200m, nằm cặp bờ sông Tiền là miếu Quan Thánh Đế hơn 150 năm tuổi. Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng sạt lở đã lấn vào tận cửa chính của miếu. Cứ đà sạt lở này chắc không bao lâu nữa ngôi miếu này cũng theo… thủy thần.

Tình trạng sạt lở không chỉ làm ảnh hưởng đến nhà cửa, ruộng vườn mà còn đe dọa đến tính mạng của người dân, khiến cho đời sống của họ hoàn toàn bị đảo lộn. Ngày cũng như đêm, người dân luôn mang trong mình nỗi lo sợ khi sống ở vùng sạt lở.

Theo thống kê, tỉnh Đồng Tháp có hơn 2.300 hộ phải di dời khỏi vùng sạt lở. Dọc theo các xã ven sông Tiền bị sạt lở nặng gồm: Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Thuận, Long Khánh A (Hồng Ngự); xã Tân Bình, Tân Quới, Bình Thành (Thanh Bình); xã An Hiệp, An Nhơn (Châu Thành), hầu hết người dân nghèo không biết di dời.

Trong đó, chỉ riêng xã Phú Thuận B có 3 ấp bị sạt lở với khoảng 200 hộ dân chịu ảnh hưởng. Còn tại xã Bình Thành, hàng trăm hộ dân đang sống trong vành đai sạt lở nghiêm trọng, chính quyền địa phương phải kêu dân di dời khẩn cấp.

Ngôi nhà của ông Lê Văn Tươi (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) nằm sát mép sông vô cùng nguy hiểm. Ông Tươi cho biết, nhiều đêm đang ngủ, cột nhà kêu “răng rắc” làm cả nhà thức trắng vì sợ hãi.

Một trong những hộ bị sạt lở lấn sâu vào chỉ còn 1m nữa đến nhà, bà Trần Thị Mai  nói: “Biết là nguy hiểm lắm, ăn ngủ không yên nhưng bao nhiêu đất rẫy của chúng tôi đều đi theo "hà bá" hết rồi. Chấp nhận vậy thôi, sạt lở tới đâu tính tới đó chứ biết làm sao".

Cũng lâm vào cảnh khốn đốn vì không còn đất để di dời, ông Bùi Thanh Ân, sống cạnh đó cho biết, mỗi ngày ông đều ra bờ sông để quan sát xem mình có thể ở được bao lâu nữa. “Tôi đếm từng ngày vì tốc độ sạt lở dữ dội quá. Đã di dời 3 lần rồi, tới cuối ranh đất của mình nên không còn chỗ đi nữa. Trước đây, khu này cả trăm mét với mấy mẫu đất và nhà dân mới đến nhà tôi, nhưng nay sạt lở đã ăn sâu làm sạt lở nhà bếp và một nhà tắm của tôi rồi”, ông Ân nói.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành (huyện Thanh Bình), trên địa bàn xã hiện có 2 điểm sạt lở nghiêm trọng là ấp Bình Định và Bình Hòa, kéo dài hơn 600m đều nằm cập theo bờ sông Tiền, có điểm sạt lở ăn sâu cách quốc lộ 30 còn 20 - 30m. Nơi đây bị ảnh hưởng 108 hộ cần di dời, trong đó có 36 hộ cần phải di dời khẩn cấp bởi tiến độ sạt lở ăn vào đất liền nhà dân từ 15 - 20m... Bà Bích cho biết, mấy năm trước tình hình sạt lở chưa nghiêm trọng lắm, nhưng những năm trở lại đây, sạt lở diễn biến phức tạp, một phần do bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu và thay đổi dòng chảy trên dòng sông Tiền tạo nhiều hàm ếch và hố xoáy gây ra nguyên nhân sạt lở đất và nhà dân. 

Trước tình hình trên, địa phương cũng vận động và bố trí người dân vào khu dân cư sạt lở sinh sống. Đồng thời, kiến nghị với cấp tỉnh đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Tiền để bảo vệ đất còn lại của dân và bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch quốc lộ 30 từ TP Cao Lãnh đi Campuchia.

Theo Thanh tra

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Dân thấp thỏm nỗi lo sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO