“Đôn” thêm gần 10,6 tỷ đồng xây Kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun

27/11/2014 00:00

(TN&MT) - Đơn vị thi công đã sai sót trong khảo sát địa chất, thủy văn dẫn đến công trình bị “đội” vốn lên hơn 10,6 tỷ đồng và làm chậm tiến độ công trình.

   
(TN&MT) – Dự án Công trình xây dựng Kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai để tránh sạt lở bờ sông do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình tính toán, thiết kế, đơn vị thi công đã sai sót trong khảo sát địa chất, thủy văn dẫn đến công trình bị “đội” vốn lên hơn 10,6 tỷ đồng và làm chậm tiến độ thi công công trình.
   
  Dự án Công trình xây dựng Kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa dài 8,38km với mức kinh phí đầu tư là 414 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (chương trình SP-RCC) do Trung ương cấp, phân bố theo năm từ 2013 đến 2015 và cân đối ngân sách địa phương. Dự án do UBND thị xã Ayun Pa làm chủ đầu tư, được triển khai từ cuối năm 2012 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014.
   
Trong khi đang tiến hành xây dựng bờ kè thì UBND tỉnh Gia Lai cấp phép cho khai thác cát
(vùng màu đỏ: một điểm khai thác cát gần bờ kè)
    
   
  Tiêu chí mời thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng yêu cầu rất kỹ về việc lựa chọn nhà thầu như: bắt buộc phải có số năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này ít nhất 5 năm gần đây, nhà thầu phải có ít nhất 2 công trình tương tự như công trình này (quy mô, tính chất địa lý, địa chất, địa hình…) được ký kết 3-5 năm gần đây…
   
  Sau công tác đấu thầu, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển Hạ tầng Hà Việt (Công ty Hà Việt) là đơn vị trúng thầu thiết kế. Đơn vị trúng thầu thi công là liên danh Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc Tế và Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Tân Bình Mạnh.
   
  Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án đã xuất hiện mực nước ngầm, tầng địa chất gặp cát chảy cho nên không thể triển khai thi công được phần chân khay và ống buy như hồ sơ thiết kế được duyệt. Do vậy, các đơn vị phải dùng biện pháp khác để thi công, dẫn đến chậm tiến độ công trình và tăng thêm gần 10,6 tỷ đồng kinh phí bổ sung để thi công.
   
  Nguyên nhân làm phát sinh khối lượng thi công được xác định do: Thời điểm khảo sát thiết kế của đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án khoảng đầu năm 2013, là lúc ít nước, mực nước ngầm hạ thấp, có phát hiện một số lỗ khoan có nước, vùng địa chất khu vực dự án là vùng sông cổ. Đến thời điểm thi công là năm 2014 mưa sớm làm mực nước ngầm dâng cao gây hiện tượng cát chảy khi tiến hành thi công đào hố móng chân khay.
   
  Ngoài ra, dự án sử dụng nguồn vốn biến đổi khí hậu, cấp theo giai đoạn (25 tỷ năm 2013 và 2014 là 35 tỷ đồng), thời gian thi công rất gấp, do vậy phải thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, dòng chảy trong sông biến động, biện pháp thi công như tư vấn không còn phù hợp nên phải bổ sung phương án mới.
   
  Ông Đỗ Tiến Đông, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa cho rằng: “Theo quy định, vấn đề này đáng lý đơn vị thiết kế phải khảo sát và phát hiện ra để tính toán, đưa phương án thi công phù hợp. Thế nhưng, vì đơn vị không phát hiện ra nên bây giờ buộc phải bổ sung biện pháp thi công mới để phù hợp với thực tế”.
   
Máy hút cát hoạt động liên túc cách chân cầu Bến Mộng khoảng 50m.
    
   
  Để xảy ra sự cố trên, các đơn vị nhà thầu và các cá nhân liên quan đã bị UBND thị xã Ayun Pa kiểm điểm. Đơn vị lập dự án và đơn vị thiết kế thi công đã bị xử phạt bằng tiền. Riêng hai cá nhân chủ trì lập dự án và thiết kế thi công chịu hình thức “cảnh cáo” do không phát hiện được các yếu tố về địa chất, thủy văn dòng chảy tại khu vực thi công dự án. Đối với đơn vị thẩm tra công trình (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thì yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
   
  Một vấn đề khác nữa là trong khi việc xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Ayun bị “đôn” kinh phí vì xuất hiện cát chảy thì ngay gần đó một số các đơn vị tư nhân lại được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép cho hoạt động khai thác cát(?). Trong đó, có điểm khai thác gần sát chân cầu Bến Mộng (nối giữa thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa, Gia Lai), gây nhiều lo lắng cho người dân về nguy cơ sạt lở mố cầu.
   
  Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Minh Trí, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ayun Pa cho biết: Vị trí khai thác cát có cự ly nhất định để đảm bảo an toàn cho các công trình. Trên địa bàn thị xã, chỉ có 1 đơn vị đã được cấp phép khai thác cát đó chính là đơn vị đang tiến hành khai thác gần bờ kè đang xây dựng với trữ lượng hơn 64.000 m3 trong vòng 5,5 năm.
   
  Việc vừa xây bờ kè, vừa cấp phép cho các đơn vị khai thác cát khiến người dân thị xã Ayun Pa lo lắng về chất lượng và ảnh hưởng đến công trình. Tuy nhiên, ông Đông khẳng định, khi triển khai cấp phép tỉnh Gia Lai đã rất cẩn thận, cho khảo sát để đưa ra cự ly an toàn cho các công trình.
   
Bài & ảnh: Quế Mai
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đôn” thêm gần 10,6 tỷ đồng xây Kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO