Dồn lực cải thiện môi trường

02/03/2017 00:00

(TN&MT) - Sự cố môi trường tiếp tục gia tăng, ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông (LVS) vẫn không giảm, bụi tại khu vực đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, môi trường các khu/cụm công nghiệp và làng nghề đã đến mức báo động đỏ… Đó là hình ảnh ảm đạm của môi trường trong thời điểm hiện tại. Vậy, để cải thiện hình ảnh này, những năm tới, các nhà quản lý sẽ làm gì?

Giằng xé phát triển kinh tế với BVMT

Hiện nay, các sự cố môi trường thủy hải sản (tự nhiên và nuôi trồng) chết hàng loạt trên các sông và vùng ven biển do chất thải công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng. Điển hình như vụ cá chết hàng loạt trên sông Bưởi (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) vào tháng 3 - 4/2016, do việc xả nước thải của Nhà máy Mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình, thượng nguồn sông Bưởi) gây ô nhiễm hạ lưu sông Bưởi. Hay vụ thủy sản nuôi trồng chết hàng loạt tại thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông (Khánh Hòa) vào vào cuối năm 2015, do nước thải Nhà máy Yến xào Khánh Hòa và Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý gây ô nhiễm nặng nước sông Cạn… Đặc biệt nghiêm trọng là sự cố ô nhiễm môi trường biển gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vào tháng 4/2016.

Ô nhiễm môi trường tại khu vực đô thị. Ảnh: Hoàng Minh
Ô nhiễm môi trường tại khu vực đô thị. Ảnh: Hoàng Minh

Môi trường nước mặt ở nhiều LVS đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ là do xả thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu của các nguồn nước thải từ các KCN, CCN, các cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt, dịch vụ ở các đô thị và nước thải từ hoạt động khai thác khoáng sản ở đầu nguồn. Hiện, trong tổng số 209 KCN đang hoạt động trong cả nước chỉ có 165 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 24 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nước thải chưa xử lý từ các KCN này vẫn tiếp tục gây ô nhiễm nguồn tiếp nhận. Còn một tỷ lệ khá lớn CTR phát sinh từ các KCN, CCN chưa được phân loại và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh môi trường, đặc biệt, đối với CTNH…

Có thể thấy rằng, việc phát triển mạnh mẽ các hoạt động công nghiệp, đặc biệt là việc hình thành các KCN, KKT tập trung ở các vùng dễ bị tổn thương như vùng duyên hải, ven biển trong những năm gần đây (KKT Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Chu Lai đã góp phần tăng trưởng kinh tế cho khu vực nhưng cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ về sự cố môi trường. Trong khi đó, công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập. Điều đó thể hiện ngay từ sự chồng chéo, không rõ ràng, chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ, hệ thống trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Năng lực quản lý Nhà nước về BVMTchưa theo kịp với sự phát sinh và tính chất ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường.

Nhiều giải pháp căn cơ

Theo các chuyên gia về môi trường, đứng trước thách thức nêu trên trong giai đoạn 2016 – 2020, công tác BVMT của Việt Nam cần có những định hướng kế hoạch cụ thể. Trước hết, phải quản lý và kiểm soát hiệu quả các nguồn thải trọng điểm. Sau đó, giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm, từng bước giảm nhẹ và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực trọng điểm. Giám sát các vấn đề về ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, ứng phó hiệu quả với diễn biến BĐKH.

Để làm được điều đó, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, giải pháp cấp bách trong thời gian tới là hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư.

Rà soát, trình Chính phủ quy định giao Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ.

Dồn lực thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải  trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải, hoàn thành trong năm 2018. Tăng cường trách nhiệm, có cơ chế phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông. Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường. Ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương. Rà soát các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có điều chỉnh kịp thời. Tăng cường hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường theo hướng tập trung vào đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường; xử lý các vụ việc vi phạm nghiêm trọng theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Tăng cường công tác đánh giá tác động của công nghệ nhập khẩu đến môi trường; rà soát các dự án nhập khẩu dây chuyền, công nghệ xử lý rác thải; đề xuất công nghệ, thực hiện thí điểm xử lý chất thải rắn bằng công nghệ của Việt Nam.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến xây dựng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm rõ những nội dung bảo vệ môi trường và từng công trình bảo vệ môi trường; rà soát, kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết đối với các dự án đầu tư lớn, có tác động xấu đến môi trường; rà soát định mức, chi phí cho bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án xây dựng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp; yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; buộc đối tượng có quy mô xả lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT địa phương.                  

  Linh Chi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn lực cải thiện môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO