Dồn điền đổi thửa – vì một nền sản xuất lớn

Trường Giang| 30/08/2019 16:53

(TN&MT) - Thời gian qua, việc thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đã giúp các địa phương trên cả nước tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi cho hộ canh tác, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước phân công lao động trong từng địa bàn, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Trước đây, đất nước đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp không chỉ có nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn phải bảo đảm nguyên liệu cho ngành công nghiệp, tăng khối lượng nông sản xuất khẩu. Nhưng với cách giao khoán đến từng hộ gia đình theo nguyên tắc công bằng, nghĩa là đất nông nghiệp được chia bình quân có ruộng tốt, có ruộng xấu, có gần, có xa.

Do vậy rất phân tán, manh mún. Hiện nay bình quân đất sản xuất nông nghiệp từ 10 - 12 thửa/hộ, cá biệt có nơi tới 30 - 40 thửa/hộ; diện tích bình quân 150m2/thửa, có nơi diện tích đất nông nghiệp chỉ có 5 - 7m2/thửa.

t27(1).jpg
Đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, giúp tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: HM

Bởi vậy, từ năm 1997 đến nay, nước ta đã tiến hành tập trung ruộng đất theo chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, nhằm tạo ra những ô thửa lớn, gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi của địa phương, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, giúp tăng hiệu quả sản xuất.

Theo Bộ TN&MT, việc dồn điền đổi thửa tập trung chủ yếu được triển khai tại đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, mặc dù diện tích đất của hộ gia đình, cá nhân không tăng nhưng bình quân số thửa đất thì giảm đáng kể (5 - 10 mảnh xuống chỉ còn 2 - 3 mảnh/hộ), giúp tiết kiệm diện tích bờ thửa và gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi của địa phương đã góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, hiện nay, thời gian thực hiện đồn điền, đổi thửa còn kéo dài, có địa phương tổ chức thực hiện thành nhiều đợt, qua nhiều năm chưa xong, có nơi không thực hiện được do không có sự đồng thuận của người sử dụng đất với phương án chuyển đổi; số lượng thửa đất sau dồn điền, đổi thửa vẫn còn nhiều; việc đo đạc lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau dồn điền đổi thửa còn gặp khó khăn.

t26.jpg
Việc thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đã giúp các địa phương trên cả nước tăng diện tích trên một thửa ruộng. Ảnh: MH

Nguyên nhân của việc này là do việc quy định chỉ được chuyển đổi đất giữa các hộ trong cùng một xã, phường, thị trấn đã làm hạn chế việc chuyển đổi quyền sử dụng đất giữa các hộ không cùng địa bàn xã; thiếu hướng dẫn cụ thể và thiếu sự đầu tư kinh phí.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ TN&MT đề ra giải pháp là sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp theo hướng cho phép hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trên cùng một địa bàn xã, phường, thị trấn được chuyển đổi đất nông nghiệp.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục dồn điền, đổi thửa, đo đạc, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp GCN sau khi dồn điền, đổi thửa.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế thúc đẩy việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, gồm: cơ chế hỗ trợ kinh phí để đo đạc, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp GCN sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; trách nhiệm của UBND các cấp, cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện dồn điền, đổi thửa.

Ngoài ra, quy định trách nhiệm cụ thể của UBND các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa để người dân thấy hết được lợi ích của công tác dồn điền, đổi thửa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn điền đổi thửa – vì một nền sản xuất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO