Đối thoại đa chiều về thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân

03/10/2013 00:00

(TN&MT) - Ngày 3/10, đã diễn ra Hội thảo đối thoại các bên liên quan với chủ đề: Thủy điện Miền Trung và sự tham gia của người dân.

(TN&TM) - Ngày 3/10, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam(VRN) phối hợp với Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam(QNAUSTA) tổ chức Hội thảo đối thoại các bên liên quan với chủ đề: Thủy điện Miền Trung và sự tham gia của người dân.
   
   Ông Lê Anh Tuấn, Cố vấn Hệ thống Sông Ngòi Việt Nam cho biết, Việt Nam có 500 dự án thủy điện, tuy nhiên người dân trong vùng dự án lại bị ảnh hưởng nặng nề về đời sống như nhiều dự án thủy điện chưa tạo điều kiện tái đinh cư sau dự án như đã cam kết, làm người dân bị mất chỗ ở, và chưa có dự án thủy điện nào trồng bù đủ số số rừng bị phá như đã cam kết.
  Riêng tại khu vực miền Trung, có 28 dự án thủy điện có công suất trên 50 MW trở lên với tổng công suất lắp máy 4.859 MW, chiếm 66.259 hecta đất rừng và đất lâm nông nghiệp của người dân. Đây là vùng có tốc độ phát triển thủy điện nhanh nhất của cả nước trong hai thập niên gần đây. Bên cạnh những đóng góp lớn cho nguồn năng lượng quốc gia, việc các nhà máy thủy điện được xây dựng cũng đang tác động không nhỏ đến một bộ phận dân cư trong vùng và việc chất lượng của đập thủy điện đang là mối quan tâm lớn.
   
Lòng hồ thủy điện A Vương trơ đáy sau khi thủy điện hoạt động
   
  Hội thảo lần này, các đại biểu và người dân đã chia sẻ những vấn đề tác động của môi trường, về các hoạt động sản xuất của người dân khi nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng và cam kết bảo vệ môi trường của đại diện các chủ đầu tư một số công trình thủy điện ở Miền Trung. Đồng thời tìm ra các giải pháp hướng tới sự phát triển của thủy điện Miền Trung trong tương lai.
   
  Ông Trần Văn Hạt, UV TT Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên nêu ý kiến: “Người dân miền Trung đã hi sinh quá nhiều cho các dự án thủy điện. Họ phải dời bỏ nơi canh tác và mảnh đất chôn rau cắt rốn ngàn đời để đến các khu tái định cư. Nhưng cái họ nhận lại được chỉ là mất đất canh tác, thiếu việc làm, đời sống không ổn định và cuối cùng là tái nghèo. Hầu hết các chủ đầu tư khi triển khai xây dựng thủy điện chỉ làm việc với UBND cấp huyện, tỉnh rồi xin phê duyệt của Bộ Công thương còn người dân không có tiếng nói. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải thực hiện đúng Luật điện lực tức là phải có ý kiến tham vấn của người dân khi triển khai xây dựng thủy điện. Hãy đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích nhóm”.
   
  Những tham luận tại hội thảo đã tạo ra một cuộc đối thoại đa chiều đối với vấn đề phát triển thủy điện ở lưu vực sông các tỉnh miền Trung, qua đó giúp các bên liên quan gồm các nhà đầu tư, các nhà làm chính sách thấy rõ hơn trách nhiệm giúp đỡ về sinh kế và đảm bảo các điều kiện thiết yếu về cơ sở hạ tầng cho những cộng đồng dân cư bị di dời đến nơi ở mới để nhường đất cho việc xây dựng nhà máy thủy điện.
   
Thủy điện Bình Điền xả lũ gây nên ngập lụt năm 2009
    
   
  Hội thảo cũng đưa ra những giải pháp giúp chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và người dân trong vùng dự án tăng cường "tiếng nói" vào quá trình phê duyệt các dự án thủy điện.
Lan Anh – Ni Na
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại đa chiều về thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO