Đối thoại bàn tròn "Chính sách về môi trường và phát triển bền vững"

05/06/2017 00:00

​(TN&MT) - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017, sáng 5/6, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ TN&MT đã phối hợp với VCCI và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị bàn tròn: “Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI - Võ Tân Thành chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội nghị sáng 5/6
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội nghị sáng 5/6

​Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và cơ quan thuộc Trung ương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; lãnh đạo VCCI; Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu Công nghiệp; các hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Nam...

Hội nghị đã tập trung trao đổi thẳng thắn, làm rõ những nội dung về sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật liên quan, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, công nghệ xử lý môi trường và công nghệ thân thiện với môi trường, các vấn đề môi trường cấp bách đối với khu vực phía Nam trong giai đoạn hiện nay như quản lý môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, những vấn đề thực tiễn đối với doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã giao lưu, đối thoại thẳng thắn nhằm đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp có thể đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế song hành với BVMT với các nội dung chính như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT; các yêu của pháp luật về BVMT đối với doanh nghiệp; Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, công nghệ xử lý môi trường và công nghệ thân thiện với môi trường; Các vấn đề môi trường cấp bách đối với khu vực phía Nam trong giai đoạn hiện nay; Đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Hội nghị “Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững” của chúng ta hôm nay diễn ra vào đúng vào Ngày Môi trường thế giới, là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động vì môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trưởng khởi xướng và phát động trên phạm vi toàn quốc.

Theo Thứ trưởng, trong những năm qua, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc và toàn diện, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.

Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tại buổi đối thoại sáng 5/6
Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tại buổi đối thoại sáng 5/6

Đối thoại bàn tròn cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, mở rộng hợp tác kinh doanh và trở thành một phần trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt, đe dọa trực tiếp tới các thành quả về phát triển.

 “Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục định kỳ tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách nhằm trực tiếp lắng nghe các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trên cơ sở đó hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn sự phát triển của doanh nghiệp với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” - Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nói.

Theo thống kê, cho đến nay, trên cả nước vẫn còn 67 khu công nghiệp, 532 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 5.000 làng nghề, hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, Việt Nam còn tồn tại các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao, trên phạm vi cả nước có 36 cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải được giám sát đặc biệt và 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp không thân thiện với môi trường...

Bài và ảnh: Việt Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại bàn tròn "Chính sách về môi trường và phát triển bền vững"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO