Đổi thay ở vùng đất Ba Tơ

Võ Hà| 22/03/2021 09:08

(TN&MT) - Về huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi), chúng tôi vượt qua những cung đường đèo ngoạn mục, ngắm nhìn những thị trấn, thị tứ đang đổi thay nhiều mặt. Tinh thần hào khí cuộc khởi nghĩa Ba Tơ năm xưa đã tạo cho quê hương cách mạng được khởi sắc hơn qua mỗi mùa xuân.

42-2-.jpg
Dệt thổ cẩm ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ

Ba Tơ là huyện nghèo vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, suối sâu chia cắt, với dân số hơn 57.600 người, trong đó đồng bào dân tộc Hrê chiếm 84%. 76 năm từ ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa giành nhiều thắng lợi, đến nay, Ba Tơ đang không ngừng phát triển. Những con đường nhựa, đường bê tông từ trung tâm huyện lỵ đã và đang nối dài đến tận xã, tận thôn.

Từ năm 2016, huyện Ba Tơ triển khai thực hiên Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Theo đó, nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng dựa vào lợi thế từng vùng, gắn với thị trường tiêu thụ; sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình cánh đồng lớn cho vùng nguyên liệu mía, tiêu, chuối... áp dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất, liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến. Gần 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như ngô, lạc, khoai lang, cỏ phục vụ chăn nuôi... Từ đó, người dân có thu nhập gấp đôi so với trồng lúa. Nhiều hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi.

42-1-.jpg
Đồng bào Ba Tơ vận chuyển cây giống trồng rừng

Toàn huyện Ba Tơ hiện có 8 trang trại chăn nuôi với doanh thu hơn một tỷ đồng/năm, 6 hộ chăn nuôi lợn đạt tiêu chí gia trại; bước đầu thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp thức ăn chăn nuôi và mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài huyện. Trung tâm khuyến nông huyện Ba Tơ cũng liên tục mở các lớp tập huấn cho bà con nông dân áp dụng quy trình kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, cải tạo hoặc đưa giống mới vào chăn nuôi.

Anh Pham Văn Hỉa ở xã Ba Dinh không giấu được niềm vui: “Nhờ trồng thêm lạc, ngô ở bãi bồi ven sông, kết hợp với trồng cây keo lá tràm cung cấp cho các nhà máy dăm gỗ, đời sống người dân nay khác hẳn. Có điện, đường bê tông nên bà con rất vui, mà bán con gà, ký đậu cũng được giá hơn trước”.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết, những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của Ba Tơ đang có những chuyển nhanh chóng, tích cực và nhiều khởi sắc. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống không ngừng được đầu tư xây dựng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng dưới 27%. Đời sống, thu nhập của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm.

Hệ thống giao thông được mở rộng thông suốt; 20/20 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm; 90% số thôn có đường ô tô đến thôn. Các xã: Ba Liên, Ba Động, Ba Dinh, Ba Tô, Ba Vì, Ba Tiêu… đã bê tông hóa 100% đường liên xã. Đường lên Ba Trang, Ba Khâm không còn bị chia cắt vào mùa mưa lũ. Việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, Ba Động là xã đầu tiên của các huyện miền núi trong tỉnh đạt xã nông thôn mới.

Kinh tế phát triển nên đời sống tinh thần của người Hrê ở chiến khu Ba Tơ cũng được cải thiện đáng kể. Những tập quán, phong tục lạc hậu như tảo hôn, chôn tài sản có giá trị theo người chết, cúng bái khi đau ốm, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc… từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thế ổn định bền vững trên vùng căn cứ địa cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở vùng đất Ba Tơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO