Đổi thay ở làng quê xứ đạo ven biển

Bài và ảnh: Việt Linh | 01/01/2021, 14:13

(TN&MT) - Điều gì đã khiến những làng quê, xứ đạo ven biển, vốn được xem là “vùng sâu, vùng xa” của Nam Định giờ đây lại đổi thay, phát triển như vậy? Đầu tiên phải nói đến là hạ tầng giao thông. Những tuyến giao thông huyết mạch, từ quốc lộ, đến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đều đã được làm mới, nâng cấp, vươn xa, kết nối với vùng kinh tế biển của tỉnh. Giao thông phát triển đến đâu, sự giàu có xuất hiện đến đó.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh Phạm Ðình Nghị từng cho biết, vùng kinh tế ven biển Nam Định được coi là động lực, tạo sức bật và thế ổn định cho địa phương. Tỉnh tập trung phát triển vùng kinh tế ven biển theo hai hướng chính là đầu tư khai thác, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản và phát triển công nghiệp, dịch vụ. Triển khai quy hoạch các khu kinh tế ven biển, thành lập nhiều cụm công nghiệp tại các huyện ven biển. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các khu vực trung tâm với các khu vực này được hoàn thiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Theo đó, tháng 5/2020, tỉnh Nam Định đã khánh thành, thông xe cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ, thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định kết nối hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Dự án đường trục kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng được tiến hành xây dựng với tổng mức đầu tư Dự án là 5.326,5 tỷ đồng.

Giáo xứ Hải Lý phát triển kinh tế biển

Cũng theo ông Phạm Đình Nghị, hiện tại, điểm nhấn lớn nhất của công nghiệp ven biển Nam Ðịnh là Dự án KCN Dệt may Rạng Ðông (huyện Nghĩa Hưng) với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng. KCN này khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho thị trường hàng năm khoảng 1 tỷ m2 vải, thu hút khoảng 60 nghìn lao động trên nhiều lĩnh vực.

Trái ngược với Nghĩa Hưng là huyện Hải Hậu, cũng cùng khoảng thời gian đó, biển lại lấy đi một phần diện tích đất, nơi đây được gọi là vùng biển lở. Dù bên lở hay bên bồi, các huyện ven biển của Nam Định đều thường xuyên phải hứng chịu gió bão. Bão biển vào thường xuyên, khiến làng quê, xứ đạo, người dân sống ven biển Nam Định luôn phải sống trong khổ cực, vất vả và khó có cơ hội để phát triển.

Nhiều người dân nơi đây vẫn kể về câu chuyện Ngôi Thánh đường ở xã Hải Lý xưa nằm phía trong đê quốc gia, biển lấn dần, cả đê biển lẫn xóm làng, xứ đạo phải dịch vào phía trong, riêng Ngôi Thánh đường không thể di chuyển, phải nằm lại, giờ đứng ngay cạnh mép nước, người ta gọi đây là nhà thờ đổ. Ngay sau đó, chính quyền địa phương phải di dời gấp nơi ở của mấy chục hộ giáo dân xứ đạo Xương Điền vào phía trong đê chính. Xóm làng, xứ đạo nhiều đời quần tụ trở nên hoang tàn, chỉ còn Ngôi Thánh đường với phần còn lại là tháp chuông đứng chơ vơ bên mép sóng.

Sau lần ấy, từ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, đê quốc gia qua khu vực xã Hải Lý đã được kiên cố lại. Khu vực Ngôi nhà thờ đổ giờ đã trở thành điểm du lịch, thu hút người dân, du khách từ nhiều nơi đổ về đây thăm quan. Điều ấy đủ thấy điểm du lịch nhà thờ đổ rất có sức hấp dẫn và những người được hưởng lợi đầu tiên từ sự thay đổi này có lẽ là những người dân địa phương.

anh-2(2).jpg

“Từ khi tuyến đê biển được kiên cố hóa, cuộc sống của người dân nơi đây trở nên bình yên. Chúng tôi hàng năm không còn phải quá lo bão lũ nhấn chìm. Thay vào đó, chúng tôi yên tâm làm ăn, canh tác, đánh bắt thủy, hải sản. Hải sản đánh bắt được bao nhiêu đều được các nhà hàng ở đây thu mua lại hết”, người dân địa phương chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Hải Lý cho hay, từ năm 2019, huyện Hải Hậu đã có Đề án quy hoạch vùng bãi biển của xã, rộng 20 ha để làm Khu du lịch chứng tích biến đổi khí hậu và sinh thái môi trường biển. “Trước đây, đất đai ở Hải Lý chẳng mấy ai để ý đến do quanh năm bão, lũ, không kinh doanh sản xuất gì được. Nhưng thời gian gần đây, cuộc sống người dân đang hằng ngày bừng thức, phát triển, kéo theo giá nhà đất cũng tăng lên đến tiền tỷ, thậm chí không có đất để mua”.

Không chỉ có đánh bắt thủy, hải sản, người dân các xứ đạo còn tranh thủ mọi tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven biển để làm giàu. Theo Chi cục Thủy sản Nam Ðịnh, hiện toàn tỉnh đã hình thành 50 vùng nuôi thủy sản tập trung, chuyển từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng quy trình theo hướng VietGAP, công nghệ cao, trong đó hình thành các sản phẩm đặc sản thế mạnh của địa phương, như cá song, cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng, tôm thẻ chân trắng ở huyện Hải Hậu, ngao vạng ở huyện Giao Thủy... Trong 10 năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ khoảng 5.000 ha, lên gần 17.500 ha, sản lượng tăng 2,27 lần.

Ghé thăm cơ sở nuôi cá bống bớp của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng gần tuyến đê Cồn Xanh, chúng tôi phần nào hiểu được vì sao nhiều hộ dân ven biển lại phát triển và giàu lên như thế. Nhờ sự năng động, nhạy bén gia đình ông Sơn xây được biệt thự cao tầng, có xe hơi và con đi du học nước ngoài. Tìm hiểu, quan sát mới hay trên vùng bãi bồi rộng bạt ngàn của huyện Nghĩa Hưng này không chỉ có một “ông Sơn”. Đến xã Giao Xuân (Giao Thủy) - thủ phủ ngao vạng của Nam Định và miền Bắc mới hay, từ người nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên ruộng lúa, ông Phạm Văn Cương ở xã Bạch Long (huyện Giao Thủy) nay đã là chủ một cơ sở nuôi trồng thủy sản có tiếng trong vùng. Với 2,5 ha đất thuê của Nông trường Bạch Long, theo chủ trương của tỉnh, ông chuyển đổi diện tích trồng cói, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; trừ chi phí, lãi khoảng một tỷ đồng mỗi năm.

Từ trên những ngọn tháp cao vút, chuông nhà thờ thong thả, ngân nga, lan tỏa xuống xóm làng, đồng ruộng... điều ấy đủ thấy những làng quê, xứ đạo ven biển Nam Định đang từng ngày đổi thay, phát triển.

Bài liên quan
  • Cảnh sát biển Việt Nam đồng hành cùng đồng bào dân tộc, tôn giáo
    (TN&MT) - Hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 31 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22-12) và chào mừng đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy số 3 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) chủ trì phối hợp với UBND phường 11 thành phố Vũng Tàu tổ chức đợt công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành cùng đồng bào các dân tộc, tôn giáo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO