Đổi mới trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

20/08/2015 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành quỹ đất để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng chưa được tính toán khoa học, chưa sát thực tế, dẫn đến tình trạng quỹ đất nơi thiếu, nơi lại bỏ hoang.

Quy hoạch chưa sát, lãng phí đất đai

Theo Bộ TN&MT, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, cả nước nhìn chung đã phân bổ và sử dụng khá hiệu quả tài nguyên đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội. Song bên cạnh những mặt đạt được, công tác quy hoạch sử dụng đất cũng còn bộc lộ nhiều bất cập.

Thể hiện rõ nhất là hiện tượng đầu cơ, lãng phí đất đai. Nhiều tỉnh, thành quỹ đất để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng chưa được tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của thị trường bất động sản, dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất. Việc lập quy hoạch sử dụng đất theo đơn vị hành chính không đảm bảo tính kết nối liên vùng, không phát huy được thế mạnh của từng vùng, có tình trạng mỗi địa phương vì lợi ích cục bộ đã đề xuất quy hoạch thiếu đồng bộ.

Đơn cử như, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến đến hết năm 2014, cả nước có 295 KCN được thành lập, nhưng chỉ 212 KCN đi vào hoạt động, 83 KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng cơ bản. Tổng diện tích đất có thể cho thuê lên đến 56 nghìn ha, nhưng các KCN chỉ cho thuê vỏn vẹn 26 nghìn ha; còn tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đã đi vào hoạt động mới đạt khoảng 65%.

Tình trạng quỹ đất nơi thiếu, nơi lại bỏ hoang. Ảnh: Hoàng Minh
Tình trạng quỹ đất nơi thiếu, nơi lại bỏ hoang. Ảnh: Hoàng Minh

Thực tế, để thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian qua, đất đai Nhà nước thu hồi khá lớn cho mục đích công cộng, lợi ích của cộng đồng, an ninh quốc phòng hoặc cho mục tiêu phát triển kinh tế. Do đó, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân đã được quan tâm hơn theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại công tác tái định cư và khả năng sinh kế của người dân sau khi bị thu hồi đất tại khu vực quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, dễ gây bức xúc, khiếu nại…

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo phân tích của các chuyên gia, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn mang tính mệnh lệnh, ít quan tâm đến nhu cầu thực tế của thị trường như: Không dựa vào các thay đổi trong thu nhập, giá cả, mức sống hay cung cầu. Do đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoàn toàn chủ quan, tính khả thi không cao. Trong một thời gian dài, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã tổ chức lập quy hoạch một cách tràn lan, cảm tính, không tính đến khả năng thực hiện quy hoạch. Trong khi đó, các quy hoạch thường có tiến độ khác nhau và các số liệu dự báo thường không khớp với điều kiện thực tế khiến việc triển khai bị ách tắc. Bên cạnh đó, có một thực tế là nếu khu vực nào đó chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000 thì công tác quản lý đô thị gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý. Và cũng có khu vực, dù đã có quy hoạch chi tiết 1/2000 nhưng do năng lực quản lý, khả năng của nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy hoạch còn hạn chế nên cũng xảy ra không ít vấn đề.

Đáng nói hơn là tình trạng các đơn vị sự nghiệp công lập được giao đất để thực hiện dự án, quản lý khai thác kinh doanh nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là sự lãng phí rất nghiêm trọng. Chưa kể nhiều đơn vị sử dụng diện tích nhà, đất đó để cho tổ chức hoặc cá nhân khác thuê lại, hoặc dùng vào mục đích sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết để tăng doanh thu cho đơn vị mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính cho ngân sách. Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), thực trạng này đã gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước, làm giảm hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ nhà, đất.

Đổi mới, nâng cao chất lượng

Đề xuất giải pháp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ TN&MT đề nghị các cấp, các ngành liên quan tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; tăng cường chế tài xử lý vi phạm pháp luật đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa vi phạm và xử lý các trường hợp vi phạm.

Sử dụng đồng bộ các công cụ quản lý: Pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính trong quản lý đất đai; tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất; đổi mới công tác lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan tới lợi ích của người dân đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng “lợi ích nhóm” trong quản lý, sử dụng đất.   

Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Quyết định số 1819/QĐ- BTNMT về việc phê duyệt dự án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020 cấp quốc gia. Theo đó, việc lập quy hoạch, kế hoạch phải đạt mục tiêu tổng quát sau: điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với các nội dung quỵ định của Luật Đất đai năm 2013; đáp ứng nhu cầu đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của cả nước và mục tiêu phát triển của các ngành, các lĩnh vực trong kỳ kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020 đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái; làm cơ sở định hướng cho việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020 của các địa phương trong cả nước.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, thời gian qua, Tổng cục tập trung tổ chức thực hiện triển khai việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020 cấp quốc gia. Đồng thời, đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Đà Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO